Khai mạc Hội nghị mật mã Châu Á lần thứ 22 tại Hà Nội

08:03 | 06/12/2016 | AN TOÀN THÔNG TIN
Sáng ngày 5/12/2016, Hội nghị mật mã Châu Á (ASIACRYPT 2016) đã khai mạc tại khách sạn InterContinental Hanoi Westlake, Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Việt Nam (VIASM) và Viện Nghiên cứu Khoa học - Xlim, Cộng hòa Pháp tổ chức.
Tham gia Hội nghị có khoảng 250 nhà khoa học từ 40 nước, trong đó các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học mật mã như Adi Shamir, Jacques Stern (Pháp), Tatsuaki Okamoto (Nhật Bản), Serge Vaudenay (Thụy Sỹ)... và nhiều chuyên gia có vai trò quan trọng trong cộng đồng mật mã thế giới. Đồng Trưởng ban tổ chức Hội nghị là GS. Ngô Bảo Châu (VIASM và Đại học Chicago, Mỹ) và GS. Phan Dương Hiệu (Đại học Limoges, Pháp).

Tới dự lễ khai mạc Hội nghị, phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban và các nhà khoa học của Viện Khoa học - Công nghệ Mật mã, Học viện Kỹ thuật mật mã, Vụ Khoa học - Công nghệ.

Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị, Ban tổ chức ASIACRYPT 2016 đã nhận được 240 công trình khoa học gửi tới từ nhiều nước trên thế giới. Sau quy trình lấy ý kiến nhận xét của các nhà khoa học đã có 67 công trình khoa học được lựa chọn để xuất bản và trình bày tại Hội nghị lần này.

GS. Ngô Bảo Châu (đồng Trưởng ban Tổ chức) phát biểu khai mạc Hội nghị ASIACRYPT 2016

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: Tuy là một viện nghiên cứu trẻ (thành lập được 6 năm) nhưng VIASM luôn cố gắng để trở thành trung tâm nghiên cứu đầu ngành về toán tại Việt Nam. VIASM là môi trường lý tưởng để các nhà khoa học tại Việt Nam cũng như từ các viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới đến học tập và tham gia nghiên cứu. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần này là một trong những sự kiện đặc biệt của VIASM. 

Cũng nhân dịp này GS. Ngô Bảo Châu gửi lời cám ơn sâu sắc đến ông Christian Cachin, Chủ tịch Hiệp hội mật mã thế giới (IACR) đã ủng hộ và sớm chấp nhận để Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị, đồng thời cám ơn sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, các cơ quan Chính phủ và các công ty R&D... trong nước trong quá trình tổ chức Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (thứ 5 từ trái qua) tham dự Hội nghị

Trong bài phát biểu của mình, GS. Phan Dương Hiệu cho biết, ý tưởng khởi đầu cho việc tổ chức Hội nghị đầu tiên của IACR ở Việt Nam đã được hình thành từ cách đây 10 năm. Giáo sư đã có lời giới thiệu hết sức ấn tượng về biểu tượng của Hội nghị năm nay, đó là chữ S (lớn) trong chữ aSiacrypt 2016 là bản đồ hình chữ “S” của Việt Nam, sau chữ "S" là chữ IACR, đó là biểu tượng kết hợp giữa Việt Nam và IACR; chuỗi nhị phân trên banner khi giải mã chúng ta sẽ nhận được chuỗi ký tự “Welcome to ASIACRYPT 2016 in Hanoi” - một lời chào mừng hết sức ấn tượng của Ban tổ chức đối với cộng đồng mật mã thế giới. 

Sau các bài phát biểu khai mạc là báo cáo mời “Triển khai thực tế của mật mã trên Internet” do GS. Jung Hee Cheon đến từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) làm chủ tọa, diễn giả trình bày là bà Nadia Heninger đến từ Đại học Pennsylvania (Mỹ). Tiếp theo, bài báo được bình chọn là tốt nhất của Hội nghị năm nay có chủ đề “Tăng tốc mã hóa đồng cấu đầy đủ: Khởi động với thời gian ít hơn 0,1s” của nhóm tác giả Ilaria Chillotti, Nicolas Gama, Mariya Georgieva và Malika Izabachène do GS. Tsuyoshi Takagi đến từ Đại học Kyushu (Nhật Bản) làm chủ tọa.

Sau giờ nghỉ giải lao, Hội nghị tiếp tục diễn ra hai phiên song song với chủ đề “Phân tích toán học I” do TS. Mehdi Tibouchi làm chủ tọa và “Không lộ tri thức” do GS. Steven Galbraith đến từ Đại học Auckland (New Zealand) làm chủ tọa.

Các đại biểu tham dự Hội nghị và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm

Hiện tại, Hội nghị đang được phát trực tiếp trên kênh Youtube. Độc giả quan tâm có thể xem tại hai địa chỉ sau (tương ứng với hai phiên đang diễn ra đồng thời tại Hội nghị).

Theo dự kiến, Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra và kết thúc vào sáng ngày 8/12/2016. Kỷ yếu Hội nghị năm nay được phát hành miễn phí tại địa chỉ:
- http://link.springer.com/book/10.1007%2F978-3-662-53887-6 (part 1)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới