Nâng cao cảnh giác trước các vụ lừa đảo từ thiện liên quan đến thảm họa ở Việt Nam
Các vụ lừa đảo nhắm vào nạn nhân vùng thiên tai và các nhà hảo tâm đang trở nên phổ biến một cách đáng báo động. Điều quan trọng là phải nhận thức được những mối đe dọa này để bảo vệ bản thân cũng như góp phần ngăn chặn chúng.
Sau những trận lũ lụt, lở đất gần đây, đã có nhiều báo cáo liên quan những vụ lừa đảo, trong đó kẻ chủ mưu đóng giả là các tổ chức từ thiện hoặc cơ quan Chính phủ. Chẳng hạn như, một số kẻ lập website, trang Facebook mạo danh các cơ quan, ban ngành. Số khác mạo danh các tổ chức từ thiện để kêu gọi quyên góp cứu trợ thiên tai.
Fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo tiền từ thiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những vụ mạo danh này thường có vẻ rất thuyết phục, lợi dụng lời kêu gọi, những câu từ thiện khơi gợi về mặt cảm xúc, lòng thương về con người và thiệt hại ở các khu vực thiên tai. Nếu dành thời gian tìm hiểu, sẽ dễ dàng nhận diện được các cách thức lừa đảo phổ biến.
Trước tiên và dễ nhận thấy nhất là thủ thuật giả các tổ chức từ thiện. Những kẻ lừa đảo lập ra các trang web từ thiện giả mạo hoặc liên hệ trực tiếp với cá nhân nhằm xin tiền quyên góp, lợi dụng tính cấp bách và sức thu hút về mặt cảm xúc của con người.
Cách thứ hai bài bản và liều lĩnh hơn. Kẻ lừa đảo mạo danh các viên chức hoặc cơ quan Chính phủ, cung cấp viện trợ hoặc yêu cầu thông tin cá nhân để xử lý các khoản thanh toán cứu trợ. Những vụ lừa đảo này có thể diễn ra qua điện thoại, email hoặc tin nhắn SMS.
Để nâng cao nhận thức và ý thức giải quyết vấn nạn trên, người dùng có thể áp dụng một số biện pháp:
Thứ nhất, nếu thấy nghi ngờ mình đã nằm vào nhóm mục tiêu hoặc trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh việc liên hệ với cảnh sát địa phương, hãy thông báo cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nếu đã lỡ cung cấp bất kỳ thông tin tài chính nào.
Thứ hai, tập hình thành thói quen xác minh nguồn và thời gian thẩm định, kiểm tra, bất kể khi bị cảm xúc, lòng thương tác động ra sao. Luôn xác minh tính hợp pháp của bất kỳ tổ chức từ thiện hoặc tổ chức nào trước khi chuyển tiền, vật dụng quyên góp.
Sử dụng các trang web chính thống và các nguồn đáng tin cậy. Hãy cảnh giác với các yêu cầu quyên góp bất chợt, đặc biệt là những yêu cầu gây áp lực buộc phải hành động nhanh chóng vì thời gian và tính cấp bách.
Thứ ba, cần ý thức tự giáo dục bản thân và người khác. Luôn cập nhật thông tin về các chiến thuật, chiêu trò lừa đảo mới nhất và phổ biến cho những người xung quanh. Chia sẻ kiến thức hữu ích là một công cụ mạnh mẽ trong việc chống lại tội phạm mạng.
Sau cùng, nên lưu ý việc xây dựng thói quen giúp đỡ người khác đúng lúc, đúng nơi, đúng thời điểm. Từ bi cần phải gắn liền với trí tuệ thì mới có hiệu quả, tác dụng. Hãy là người quyên góp thường xuyên nếu có cơ hội, thay vì đợi đến lúc thảm họa xảy ra.
Việc dành thời gian để tìm hiểu, gắn bó với một tổ chức từ thiện hợp pháp (hoặc một vài tổ chức từ thiện) phù hợp với các nguyên tắc, khả năng, hoàn cảnh và quyên góp sao cho phù hợp là giải pháp cần cân nhắc tham khảo.
Nhiều ý kiến cho rằng, thứ tốt nhất mà mọi người có thể quyên góp là công sức và thời gian. Mặc dù, một số tổ chức từ thiện có thể không có thế mạnh về tài chính, của cải, không hoàn hảo trong việc phân phối hỗ trợ tài chính đến những người đang cần giúp đỡ, nhưng các tình nguyện viên của họ nỗ lực tiếp cận trực tiếp nạn nhân, những người bị cô lập hoặc đơn độc, dành tình thương, thời gian để chia sẻ với họ mới quan trọng hơn cả.
Thảm họa thiên nhiên mang lại những thách thức, khó khăn không mong muốn cho cộng đồng. Điều này cũng tạo cơ hội cho tội phạm ra tay. Bằng cách luôn cảnh giác, xác minh nguồn tin và giáo dục bản thân cũng như những người khác, chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo xảo quyệt. Qua đó, góp phần tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn hơn, tiếp cận được những người thực sự khó khăn và giúp họ sớm ổn định lại cuộc sống.
Tuệ Minh