Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024
Dự Hội nghị, về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu tướng Đào Xuân Long, Cục trưởng Cục Quản lý Kỹ thuật nghiệp vụ mật mã. Cùng dự có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, các Sở GD&ĐT, các trường đại học, phổ thông.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 dù gặp phải những khó khăn nhất định, tuy nhiên ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. “Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với công tác tham mưu, chủ động của ngành GD&ĐT chúng ta hoàn toàn tự tin và làm tốt công tác chuyên môn của mình”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu của tuyển sinh đại học.
Đặc biệt, toàn ngành giáo dục cùng các lực lượng (Y tế, Công an, Giao thông…) đã làm tốt công tác phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả; công tác chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai chu đáo và kỹ lưỡng từ văn bản chuyên môn, dạy học, cơ sở vật chất, nhân lực; quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời. Tạo mọi điều kiện cho thí sinh tham gia kỳ thi thuận lợi, không để thí sinh vì điều kiện khó khăn, giao thông cách trở không đến được Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Trong những năm gần đây chúng ta đã thực hiện tốt yêu cầu 4 đúng: Đúng quy chế, đúng đủ quy trình, đúng chức trách được giao, đúng thời điểm xử lý tình huống bất ngờ và 3 không: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng và áp lực quá mức trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.
Về định hướng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, dự kiến tất cả thí sinh (gồm thí sinh tự do) đều có thể đăng ký trực tuyến. Hiện nay, các phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 đã được ban hành. Trong đó có 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn, như vậy sẽ có 36 tổ hợp xét tuyển, thêm thuận lợi cho thí sinh.
Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hoá. Việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học theo tỉ lệ 50 - 50.
Thiếu tướng Đào Xuân Long, Cục trưởng Cục Quản lý Kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị.
Theo Bộ GD&ĐT, ngân hàng đề thi năm 2025 sẽ theo hướng mở, việc vận chuyển đề thi dự kiến có thêm phương án qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được thực hiện theo phương án mới.
Lê Tuấn Dũng (Cục QLKTNVMM)