Cạnh tranh Mỹ - Trung về cáp quang biển toàn cầu (phần 1)
Tầm quan trọng của cáp quang biển đối với truyền thông toàn cầu
Cáp quang biển được làm bằng sợi quang có lớp phủ vật liệu bảo vệ đặc biệt, được đặt dưới đáy biển, dùng để truyền dẫn tín hiệu quang, với tốc độ cao, công suất lớn, suy hao thấp, độ tin cậy cao và nhiều ưu điểm khác. Cáp quang biển là “động mạch chủ” trong thông tin liên lạc quốc tế hiện nay, chiếm hơn 95% dữ liệu truyền tải xuyên quốc gia. Gần 71% diện tích bề mặt trái đất là các đại dương và chỉ có 44 trong số gần 200 quốc gia không có đường bờ biển. So với cáp mặt đất, cáp quang biển phù hợp hơn cho việc truyền dữ liệu xuyên quốc gia. So với vệ tinh, cáp quang biển có ưu điểm là dung lượng lớn, khả năng chống nhiễu tốt, tuổi thọ cao và tiết kiệm chi phí hơn.
Cáp quang biển có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Các hoạt động như giao dịch thương mại, tài chính quốc tế truyền qua các tuyến cáp quang biển quốc tế, một khi bị tấn công, phá hoại sẽ gây tổn hại đến lợi ích kinh tế quốc gia. Điển hình là tháng 9/2022, hàng loạt sự kiện ngắt kết nối ở châu Âu như cáp ngầm của Pháp, cáp ngầm của quần đảo Deland của Anh, cáp ngầm của Na Uy… Hay tháng 2/2023, cả 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đều bị gián đoạn; điều này làm dấy lên sự chú ý của toàn cầu đối với vấn đề an toàn của các tuyến cáp quang biển quốc tế [1].
Đặc điểm của lĩnh vực cáp quang biển toàn cầu
Nhu cầu về phát triển cáp quang biển tăng mạnh: Với sự phát triển của nền kinh tế số, nhu cầu về băng thông quốc tế tiếp tục tăng, thúc đẩy làn sóng xây dựng các tuyến toàn cầu. Theo số liệu của TeleGeography (Mỹ), lưu lượng truy cập quốc tế những năm gần đây tăng trưởng mạnh, gần gấp đôi cứ sau hai năm. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về nhu cầu băng thông quốc tế toàn cầu có thể đạt 34%; đầu tư, cung cấp cáp quang biển quốc tế duy trì tăng trưởng cao. Tổng vốn đầu tư cho các tuyến cáp quang biển mới từ năm 2017 đến năm 2021 khoảng 9,2 tỷ USD, giai đoạn năm 2022 đến 2024 vượt 10 tỷ USD.
Cạnh tranh khốc liệt ở những thị trường mới nổi: Các vùng biển thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Á - Âu - Phi đang là nơi cạnh tranh chiến lược giữa các nước. Biển Đông, Biển Đỏ, Eo biển Malacca, Vịnh Aden… có vị trí rất quan trọng đối với các tuyến hàng hải quốc tế. Phân bố cáp quang biển toàn cầu có liên quan chặt chẽ với các yếu tố chính trị, kinh tế, địa lý và an ninh quốc phòng. Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong… đã trở thành nút trung chuyển cáp quang biển quốc tế. Gần đây, Thái Lan, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Chile… đã đưa ra các chính sách nhằm thu hút cáp quang biển tiếp bờ trên lãnh thổ của mình, mong muốn giành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế.
Chủ thể cung cấp cáp quang biển đa dạng: Với việc liên quan tới nhiều quốc gia, thủ tục phê duyệt phức tạp, chi phí đầu tư cao,… các dự án cáp quang biển quốc tế thường áp dụng mô hình “câu lạc bộ”; chủ thể đầu tư, vận hành chủ yếu là các nhà khai thác viễn thông và các công ty Internet lớn. Gần đây, do nhu cầu về băng thông quốc tế và cũng để đảm bảo ổn định, giảm chi phí, các công ty Internet lớn đang vươn lên dẫn đầu trong đầu tư vào lĩnh vực cáp quang biển. Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, chẳng hạn Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta, Amazon và Microsoft đang định hình lại hệ sinh thái kinh doanh cáp quang biển toàn cầu. Ví du như trường hợp Google, đã đầu tư hơn 47 tỷ USD vào cáp quang biển, trực tiếp tham gia vào 21 tuyến cáp quang biển, dung lượng tương đương 10% tổng số cáp quang biển trên thế giới.
Các mối đe dọa đến an toàn cáp quang biển gia tăng: Trước đây, các mối đe dọa chính đối với sự an toàn của các tuyến cáp quang biển toàn cầu chủ yếu do cá cắn (38%), neo đậu tàu thuyền (25%), thiên tai (8%) và một số nguyên nhân khác. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã dấy lên những lo ngại về các cuộc tấn công có chủ ý, có yếu tố nhà nước (sử dụng tàu ngầm, tàu nổi hoặc tàu lặn không người lái để phá hoại các tuyến cáp) hoặc không có yếu tố nhà nước (chẳng hạn như ăn cắp bộ khuếch đại quang, ăn cắp dây cáp quang) [2].
Cạnh tranh quốc tế về cáp quang biển
Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh và phân chia các lĩnh vực ưu thế công nghệ; châu Âu cũng đang bảo vệ chủ quyền công nghệ và kỹ thuật số của riêng mình. Các công nghệ số mới nổi, trong đó có cáp quang biển và chuỗi cung ứng của nó đang ngày càng được liên kết với cạnh tranh địa chính trị.
Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc: Thực tế có rất ít tuyến cáp quang biển tiếp bờ ở Trung Quốc (10 tuyến), khác biệt đáng kể so với 450 tuyến cáp đang được sử dụng trên toàn thế giới. Điều này không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và tiềm lực công nghệ của Trung Quốc. Trong các sáng kiến, chiến lược quốc gia của mình như sáng kiến “Vành đai - Con đường” (BRI), chiến lược “Cường quốc không gian mạng”, chiến lược “Chu kỳ kinh tế kép trong và ngoài nước”,… Trung Quốc đã định vị cáp quang biển là một hướng phát triển quan trọng. “Kế hoạch phát triển thông tin và truyền thông 5 năm lần thứ 14” [3] của Trung Quốc đề xuất, “Tăng cường quy hoạch tổng thể việc xây dựng cáp quang biển và cáp đất liền; tối ưu hóa quy hoạch và bố trí trạm tiếp bờ cáp quang biển; phối hợp xây dựng cáp quang biển các hướng quan trọng như Bắc Mỹ, châu Âu”, “thông suốt các tuyến cáp quang biển và cáp đất liền quốc tế hướng Trung Tây Á, Đông Nam Á, Nam Á và Châu Âu”.
Trong nhiều thập kỷ qua, ba công ty SubCom của Mỹ, Tập đoàn NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks Inc của Pháp đã thống trị xây dựng và lắp đặt cáp quang biển quốc tế. Nhưng một sự thay đổi vào năm 2008 khi Huawei Marine Networks Co Ltd bước vào cuộc cạnh tranh đã làm thay đổi cục diện. Thuộc sở hữu của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies, công ty có trụ sở tại Thiên Tân ban đầu xây dựng các hệ thống cáp nhỏ tại các thị trường ít được chú ý như Papua New Guinea và Caribe. Theo dữ liệu của TeleGeography, sau 15 năm công ty này đã trở thành nhà sản xuất và lắp đặt cáp quang biển phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Tập đoàn Hengtong, một công ty tư nhân của Trung Quốc đã mua lại Huawei Marine và đổi tên thành HMN Technologies.
Có thể nói, Trung Quốc hiện nay cơ bản đã có khả năng độc lập trong toàn bộ chuỗi công nghiệp từ sản xuất thiết bị hàng hải, sản xuất cáp ngầm, tích hợp hệ thống đến hậu bảo trì. Các doanh nghiệp như Hengtong, Fiberhome Telecom Tech, Zhongtian Technology có khả năng thực hiện các dự án cáp quang xuyên đại dương; không ngừng mở rộng thị trường quốc tế, chẳng hạn như thị phần toàn cầu của Hengtong đã lọt vào top ba, chỉ đứng sau hai công ty hàng đầu lâu đời là Subcom (Hoa Kỳ) và ASN (Pháp).
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo [1]. https://www.congress.gov/bill/118th-congress/house-bill/1189 [2]. https://www.csis.org/analysis/securing-asias-subsea-network-us-interests-and-strategic-options [3]. https://www.gov.cn/zhengce/zhengceku/2021-11/16/5651262/files/96989dadf83a4302895cd17cbeec6600.pdf [4]. https://www.submarinenetworks.com/en/systems/trans-pacific/emcs/nec-to-supply-east-micronesia-cable-system-emcs-funded-by-japan-australia-and-usa [5]. https://www.reuters.com/investigates/special-report/us-china-tech-cables/ [6]. https://www.csis.org/analysis/securing-asias-subsea-network-us-interests-and-strategic-options [7]. https://www.secrss.com/articles/56658 [8]. https://www.caifc.org.cn/uploadfile/2023/0214/20230214033152606.pdf [9]. https://www.iscpc.org/documents/?id=13 |
Trần Văn Liệu