Chính phủ Ấn Độ tăng cường chống tội phạm mạng không biên giới
4 dự án được Ấn Độ cho ra mắt tại Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Trung tâm Điều phối tội phạm mạng Ấn Độ (I4C) tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah nhấn mạnh, an ninh mạng là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia vì lĩnh vực này không chỉ giới hạn trong thế giới kỹ thuật số. Một quốc gia không thể phát triển nếu không bảo vệ được các tài sản kỹ thuật số của mình.
Bộ trưởng Amit Shah cho hay, 46% giao dịch kỹ thuật số của thế giới diễn ra ở Ấn Độ và tất cả các bên liên quan nên cùng nhau chống tội phạm mạng. Hiện một số bang ở nước này đã có các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu nghi phạm song ở cấp quốc gia thì chưa có. Điều này cản trở hành động hiệu quả chống tội phạm mạng không ranh giới. Ông nêu rõ, Ấn Độ cần có một nền tảng chung và đó là lý do Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu nghi phạm ở cấp quốc gia được thành lập.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu nghi phạm sẽ đóng vai trò như một kho lưu trữ dữ liệu tội phạm mạng và một nền tảng đào tạo 5.000 "chiến binh mạng" trong 5 năm tới nhằm giải quyết các vụ vi phạm tài chính trực tuyến.
Một tuyên bố chính thức cho biết, Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu nghi phạm gồm nhiều số nhận dạng khác nhau đang được tạo ra dựa trên Cổng báo cáo tội phạm mạng quốc gia (NCRP), phối hợp với các ngân hàng và trung gian tài chính để tăng cường khả năng quản lý rủi ro gian lận của hệ sinh thái tài chính.
I4C được thành lập vào năm 2018 thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ nhằm tiến tới thành lập một trung tâm điều phối cấp quốc gia để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến tội phạm mạng trong nước và nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, cũng như cải thiện khả năng phối hợp giữa các bên liên quan trong việc giải quyết tội phạm mạng.
Theo báo cáo của Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet (IC3) và Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), Ấn Độ đứng thứ ba toàn cầu về số lượng tội phạm mạng trong năm 2020.
Tại Ấn Độ, cứ 10 trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền liên quan đến thiết bị liên lạc thì gần 5 trường hợp là lừa đảo ngân hàng trực tuyến.
Hơn 45% số vụ gian lận tài chính đều nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền trực tuyến, được thực hiện trên các thiết bị di động. Ngoài hình thức này, các hình thức tội phạm khác được báo cáo bao gồm gian lận ATM, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ và OTP.
Số lượng các vụ lừa đảo ngân hàng trực tuyến ở Ấn Độ đã tăng 162% từ năm 2017 đến năm 2019. Sự bùng phát của dịch COVID-19 càng thúc đẩy xu hướng lừa đảo này.
Theo thông tin trên trang web của Cảnh sát Delhi, một số vụ lừa đảo ngân hàng trực tuyến chủ yếu bao gồm lừa đảo trực tuyến và Trojan. Lừa đảo liên quan đến việc lấy cắp thông tin cá nhân như ID khách hàng, mã PIN, số thẻ tín dụng/ hẻ ghi nợ, ngày hết hạn thẻ, số CVV,... thông qua email, tin nhắn văn bản được gửi đến từ một nguồn "có vẻ hợp pháp" nhưng thực chất là do tội phạm mạng mạo danh hoặc cố tình tạo email, tin nhắn giống với email, tin nhắn của ngân hàng.
P.T (Tổng hợp)