Đảm bảo an toàn tuyệt đối đề thi học sinh giỏi quốc gia qua hệ thống bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ

14:00 | 26/12/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Từ ngày 24 - 26/12, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) triển khai phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống bảo mật của Ban CYCP.

Vận chuyển, bảo mật đề thi qua hệ thống của Ban CYCP: Bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành giáo dục

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay có tổng số 6.482 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 663 thí sinh so với năm học 2023 - 2024, với 68 Hội đồng coi thi trên toàn quốc. 13 môn thi của Kỳ thi gồm: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật. Trong đó lần đầu tiên môn tiếng Nhật được tổ chức trong Kỳ thi.

Một điểm nhấn đặc biệt của kỳ thì năm nay là thay vì vận chuyển, bảo mật đề thi theo phương thức cũ (in, vận chuyển bằng phương tiện vận tải như  ô tô, máy bay, tàu...), Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ban CYCP triển khai các giải pháp vận chuyển, bảo mật đề thi thông qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Nhận định về vấn đề này, GS, TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Việc sử dụng hệ thống của Ban CYCP để vận chuyển đề thi là một bước đổi mới quan trọng, mang lại nhiều lợi ích đáng kể trên nhiều phương diện. Đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ hiện đại hóa quy trình tổ chức thi cử mà còn khẳng định sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước nhằm hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng và chất lượng”.

Theo đại diện của Bộ GD&ĐT, việc vận chuyển đề thi qua hệ thống bảo mật của Ban CYCP mang lại nhiều lợi ích, có thể kể đến:

Thứ nhất: Đảm bảo tuyệt đối an toàn và bảo mật thông tin. Đây là yếu tố then chốt của công tác vận chuyển đề thi. Hệ thống của Ban CYCP được thiết kế để đảm bảo truyền đưa các văn bản mật, tối mật và tuyệt mật. Việc vận chuyển qua phương thức này góp phần giảm thiểu rủi ro với đề thi và người vận chuyển đề thi so với phương thức vận chuyển đề thi trực tiếp như trước đây. Gần 10 năm trước, ngành giáo dục đã ghi nhận có trường hợp trong quá trình vận chuyển đề thi xảy ra tai nạn giao thông, mặc dù đề thi không bị lộ nhưng đã có thiệt hại về người (cán bộ tham gia vận chuyển đề thi).

Thứ hai: Rút ngắn thời gian. Thông qua hệ thống của Ban CYCP giúp rút ngắn thời gian chuyển giao đề thi từ Hội đồng ra đề thi đến các địa phương từ 2 ngày xuống còn vài phút. Với công nghệ hiện đại và quy trình tự động, việc vận chuyển diễn ra nhanh chóng, giúp các khâu chuẩn bị thi cử được thực hiện hiệu quả hơn.

Thứ ba: Tiết kiệm nhân lực và vật lực. Trước đây, việc vận chuyển đề thi cần huy động lượng lớn nhân lực, từ ngành giáo dục đến lực lượng Công an. Giờ đây, nhờ vào hệ thống của Ban CYCP, các nguồn lực này được giảm thiểu đáng kể, tránh lãng phí và tăng tính linh hoạt trong tổ chức.

Thứ tư: Gia tăng lợi ích kinh tế. Việc sử dụng hệ thống vận chuyển bảo mật của Ban CYCP giúp giảm thiểu chi phí trong công tác vận chuyển đề thi. Điều này góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước trong bối cảnh chi tiêu công đang được siết chặt.

Thứ năm: Thân thiện với môi trường: Với việc vận chuyển qua Hệ thống của Ban CYCP sẽ hạn chế tối đa việc in ấn và sử dụng tài liệu giấy, giảm lượng rác thải phát sinh từ việc vận chuyển truyền thống. Đây là bước tiến tích cực góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

An toàn tuyệt đối trong vận chuyển đề thi học sinh giỏi quốc gia

Đứng trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Ban CYCP đã khẩn trương triển khai các giải pháp bảo mật tổng thể, đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn tuyệt đối từ việc bảo mật các thiết bị đầu cuối, bảo mật kênh truyền đến các giải pháp an ninh, an toàn cho hệ thống.

Trước khi triển khai vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025, Bộ GDĐT đã phối hợp cùng Ban CYCP thử nghiệm thành công quy trình này trong kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế và khu vực hồi tháng 3/2024, tiến tới là Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 - 2025.

Thiếu tướng Đào Xuân Long, Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Ban CYCP cho biết: “Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong việc triển khai vận chuyển đề thi quốc gia qua hệ thống công nghệ thông tin, thay vì sử dụng các phương tiện giao thông vận tải. Ngay khi nhận được yêu cầu từ Bộ GD&ĐT, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban CYCP và sự phối hợp của các cơ quan liên quan, chúng tôi đã triển khai các giải pháp bảo mật tổng thể, phù hợp với mô hình, quy mô ba kỳ thi của Bộ GD&ĐT”.

Thiếu tướng Đào Xuân Long, Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ

Đối với việc bảo mật cho đề thi của Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tương ứng với 3 vòng cách ly độc lập, các giải pháp bảo mật của ngành Cơ yếu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, với cấp độ “TỐI MẬT”.

Theo Thiếu tướng Đào Xuân Long, Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Ban CYCP, phương thức vận chuyển qua hệ thống của Ban CYCP sẽ mở ra nhiều cơ hội và khả năng áp dụng sâu rộng trong ngành giáo dục, đặc biệt đây là điều kiện tiên quyết để thí điểm tổ chức thi trên máy tính trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Lễ ký kết thoả thuận giữa hai bên về công tác đảm bảo mật, xác thực và an toàn thông tin của Bộ GD&ĐT.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tăng cường quan hệ phối hợp, phát huy thế mạnh của mỗi bên để huy động các nguồn lực tham gia tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm bảo mật, xác thực và an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giáo dục và tại Bộ GD&ĐT, nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD&ĐT.

Về bảo đảm bảo mật, hai bên phối hợp triển khai giải pháp bảo mật cho hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT và các hệ thống thông tin trọng yếu khác do Bộ GD&ĐT quản lý. Phối hợp triển khai giải pháp bảo mật phục vụ công tác tổ chức các Kỳ thi cấp quốc gia.

Về ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, hai bên tiếp tục phối hợp triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT. Hỗ trợ tích hợp ứng dụng, giải pháp ký số chuyên dùng công vụ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT. Triển khai cung cấp giải pháp ký số tập trung cho các cá nhân thuộc lĩnh vực ngành GD&ĐT đảm bảo hiệu quả, phù hợp; cung cấp chữ ký số tới toàn thể giáo viên và cán bộ quản lý phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục.

Song song, hai bên phối hợp giám sát an toàn mạng đối với hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT; Giám sát an toàn đối với các ứng dụng công nghệ thông tin trọng yếu của Bộ GD&ĐT; Định kỳ đánh giá an ninh, an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin. Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong việc xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn thông tin.

Ngoài ra, hai bên xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình về công tác bảo đảm bảo mật, xác thực và an toàn thông tin của Bộ GD&ĐT; Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, trao đổi thông tin nâng cao kỹ năng và nhận thức về bảo mật, xác thực và an toàn thông tin cho các cán bộ kỹ thuật và người sử dụng; Cung cấp và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về cách thức tổ chức, kỹ năng quản lý, tài liệu và triển khai các sản phẩm mật mã, giải pháp bảo mật, xác thực và an toàn thông tin; Phối hợp tham gia nghiên cứu khoa học đảm bảo khả thi, hiệu quả.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Tin mới