Một số thành tựu nổi bật về khoa học - công nghệ mật mã ngành Cơ yếu Việt Nam giai đoạn 2008 - 2023
TÍNH CẤP THIẾT CẦN PHẢI PHÁT TRIỂN KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ MẬT MÃ
Trước nguy cơ lộ lọt thông tin bí mật nhà nước ngày càng gia tăng trong điều kiện hội nhập và phát triển ngày càng tinh vi của các thủ đoạn thu tin, mã thám của các thế lực thù địch, Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 01/7/2004 và Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh cần xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, đảm bảo cung cấp các sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp được bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.
Thực tiễn đặt ra nhu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo mật và an toàn thông tin (ATTT) để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong khu vực an ninh quốc phòng; phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong đó xác định một số nhiệm vụ quan trọng của Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) như đề xuất ban hành một số chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo mật và ATTT; hoàn thiện, phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; xây dựng hệ thống kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã phục vụ Chính phủ số; hoàn thiện và phát triển hệ thống giám sát, đảm bảo ATTT.
Trên cơ sở đó, trong gia đoạn 2008 - 2023, Ban CYCP đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và thiết kế các hệ thống mật mã của Việt Nam , đồng thời triển khai đồng bộ các đề án, dự án và chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ mật mã ngành Cơ yếu Việt Nam” trong các giai đoạn 2014 - 2020 và 2021 - 2030. Mục tiêu là tạo ra các giải pháp hiệu quả và sản phẩm mật mã tiên tiến để đảm bảo bí mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới. Đồng thời, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, tránh bị động, bất ngờ, góp phần phục vụ sự phát triển của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, với khát vọng đưa đất nước vươn lên hùng cường, thịnh vượng..
NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN MỘT SỐ LĨNH VỰC
Trong giai đoạn 2008 - 2023, công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mật mã của ngành Cơ yếu Việt Nam (CYVN) đã đạt được những thành tựu nổi bật sau:
Thứ nhất, về khoa học mật mã, ngành CYVN đã củng cố và hoàn thiện các hệ mật truyền thống, đồng thời xây dựng và phát triển các hệ mật tiên tiến, hiện đại, tạo nền tảng cho việc ban hành các chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia về bảo mật và ATTT. Những chính sách này phục vụ công tác bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và quản lý mật mã dân sự, phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới trong bối cảnh mới.
Ngành đã làm chủ nguyên lý chứng minh an toàn cho các hệ mật và giao thức mật mã hiện đại, đáp ứng đa dạng các mô hình an toàn từ lý thuyết đến thực tế. Đồng thời, đã nắm vững nguyên lý thiết kế và ứng dụng các hệ mật an toàn hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin bí mật nhà nước ở nhiều cấp độ. Tự chủ trong việc thiết kế, xây dựng các hệ mật, giao thức mật mã an toàn của riêng Việt Nam có độ an toàn tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, đạt trình độ quốc tế.
Thứ hai, làm chủ công nghệ bảo mật và an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia: Trên cơ sở tự chủ trong thiết kế và xây dựng các hệ mật mã khối an toàn cùng với các giao thức thỏa thuận khóa mã an toàn, ngành CYVN đã làm chủ công nghệ để xây dựng các giải pháp và hệ thống bảo mật thông tin cho các hệ thống quan trọng quốc gia. Những giải pháp này được ứng dụng hiệu quả trong việc bảo vệ thông tin điều hành và tác nghiệp của Đảng, Chính phủ, và lực lượng vũ trang, đảm bảo tính bí mật, chính xác và kịp thời trong mọi tình huống. Đặc biệt, các giải pháp và phần mềm bảo mật có tính năng tương đương với phần mềm của các hãng nước ngoài, nhưng ưu việt hơn nhờ khả năng tự chủ trong việc điều chỉnh tham số, thuật toán mật mã, giải pháp an toàn nghiệp vụ cơ yếu và kiểm soát lỗ hổng bảo mật cũng như mã nguồn. Ngoài ra, chúng có khả năng mở rộng nâng cấp và triển khai ứng dụng với chi phí thấp.
Thứ ba, về công nghệ thiết kế và chế tạo các thiết bị mật mã và an toàn thông tin: Các thiết bị mật mã là thành phần không thể thiếu trong việc bảo vệ an toàn cho các hệ thống thông tin. Những quốc gia tiên tiến trên thế giới không chỉ sản xuất thiết bị mật mã phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, do liên quan đến an ninh quốc gia, hầu hết các nước đều phải tự chủ trong nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị mật mã. Hiểu rõ điều này, ngành CYVN đã đổi mới công nghệ từ nội lực, dựa trên nền tảng toán học - khoa học mật mã, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông để làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị mật mã dựa trên các hệ mật và giao thức mật mã riêng.
Các sản phẩm mật mã và ATTT của ngành Cơ yếu với công nghệ tiên tiến, hiện đang được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả và ổn định trong thực tế, tương đương với các sản phẩm của nước ngoài. Điều này khẳng định tiềm lực về công nghệ mật mã của ngành CYVN, tương đương với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.
ỨNG DỤNG NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC THỜI KỲ MỚI
Tiếp bước truyền thống cha ông đã đạt được trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ giai đoạn 1945 - 1975, như lời Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã từng nói trong Hội nghị cán bộ Cơ yếu toàn quốc năm 1978: “Trong mấy chục năm qua, chúng ta đánh giặc, chúng ta nắm chắc được và biết chắc được là những lúc quan trọng nhất, những vấn đề bí mật nhất của ta đều không bị lộ, các đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ bí mật, vào sức mạnh chung để giành thắng lợi”. Những kết quả tạo ra nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở những kết quả làm chủ về khoa học mật mã, làm chủ công nghệ bảo mật và ATTT, ngành CYVN đã hình thành được một hướng đi mới và hiện đại trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị mật mã và ATTT “Make in Ban CYCP” với độ an toàn cao, ứng dụng hiệu quả và rộng rãi trong thực tiễn. Kết quả này đã được ứng dụng trong việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm bảo mật và ATTT chủ lực, có tính hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ mang tầm chiến lược của ngành CYVN trong tình hình mới.
Trong thời gian qua, ngành CYVN đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm chủ lực đã và đang triển khai rộng rãi, hiệu quả, an toàn có khả năng tích hợp với hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông của quân đội, công an, ngoại giao, các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, phục vụ bảo vệ thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang, đảm bảo an ninh - quốc phòng không để đất nước bị động, bất ngờ trong tình hình mới. Đồng thời góp phần xây dựng nền khoa học và công nghệ mật mã Việt Nam vững chắc, tiến thẳng lên hiện đại, đưa vị thế ngành CYVN lên tầm cao mới.
Một số sản phẩm như thuật toán mã hóa MKV, các tham số và tiêu chuẩn an toàn cho các lược đồ chữ ký số, thiết bị ký số đã góp phần phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam. Thuật toán mã hóa MKV khi được ban hành thành tiêu chuẩn mật mã quốc gia TCVN dành cho lĩnh vực mật mã dân sự sẽ là một dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của ngành CYVN, góp phần tăng cường chức năng quản lý mật mã dân sự của ngành Cơ yếu.
Một kết quả quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CYVN. Trong giai đoạn 2008 - 2023, thông qua việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cùng các hoạt động hợp tác với đối tác trong và ngoài nước, tiềm lực khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nghiên cứu của ngành CYVN đã được nâng cao một cách rõ rệt. Đã hình thành được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, có khả năng tiếp cận và ứng dụng trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực và trên thế giới trên các lĩnh vực cốt lõi gồm khoa học mật mã, kỹ thuật mật mã, nghiệp vụ mật mã và ATTT. Góp phần củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ của ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho trong kỷ nguyên mới.
Để ghi nhận những kết quả, thành tựu đã đạt được, trong giai đoạn 2008 - 2023 các tổ chức, cá nhân của Ban CYCP đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý (Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng 1/2/3…). Nhờ đem lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, các sản phẩm nghiên cứu nêu trên đã giành được nhiều giải thưởng cao về khoa học và công nghệ như giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, Giải Nhì và giải Khuyến khích tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2023…
KẾT LUẬN
Giai đoạn 2008 - 2023, ngành CYVN đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mật mã, khẳng định vai trò tiên phong trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia. Với việc làm chủ các công nghệ hiện đại, từ hệ mật mã đến thiết bị bảo mật, Ngành đã đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đồng thời đảm bảo sự an toàn, bí mật trong các hệ thống thông tin quan trọng của đất nước. Những thành tựu này không chỉ giúp củng cố an ninh quốc phòng mà còn mở ra cơ hội phát triển cho nền kinh tế số và xã hội số.
TS. Nguyễn Quốc Toàn (Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ mật mã), Đặng Vũ Trung (Vụ Khoa học - Công nghệ)