Luật Dữ liệu xây dựng khung pháp lý mới cho kỷ nguyên số tại Việt Nam
Cần thiết ban hành Luật Dữ liệu
Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu trong chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng thông tin. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn hạn chế như thiếu hạ tầng, dữ liệu trùng lặp, thiếu đồng bộ trong đầu tư trung tâm dữ liệu. Vì vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cấp thiết để tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, thúc đẩy khai thác dữ liệu hiệu quả, an toàn, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 67 Điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Luật Dữ liệu áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của nhà nước trong việc xây dựng một môi trường dữ liệu thống nhất, minh bạch và an toàn trên phạm vi toàn quốc.
Luật khẳng định dữ liệu là sự thể hiện dưới dạng kỹ thuật số của hành vi, sự vật, sự kiện, thông tin, bao gồm dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu hoặc dạng tương tự khác. Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Luật quy định về việc xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đây là nơi tập trung dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các nguồn dữ liệu khác, là cơ quan đầu mối trong việc quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu quốc gia, đồng thời là nền tảng hạ tầng quan trọng cho Chính phủ số.
Luật yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xây dựng và triển khai chiến lược dữ liệu, thực hiện quản trị dữ liệu một cách liên tục, hiệu quả, bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của dữ liệu. Đồng thời thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, tạo lập môi trường dữ liệu mở, minh bạch, phục vụ cho nhu cầu phát triển chung.
Luật khuyến khích phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu. Tuy nhiên, Luật Dữ liệu đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh dữ liệu, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải thực hiện các biện pháp bảo vệ kỹ thuật, quản lý và pháp lý để phòng chống tấn công mạng, xâm nhập dữ liệu. Các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu quan trọng và dữ liệu cốt lõi cũng được Luật đề ra nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm phạm và rò rỉ dữ liệu.
Sẽ thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Chương II của Luật Dữ liệu tập trung vào việc xây dựng, phát triển, xử lý và quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ vào xử lý dữ liệu; thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và thúc đẩy hợp tác quốc tế về dữ liệu.
Cụ thể, Chương II đưa ra các quy định chi tiết về quy trình thu thập, số hóa, tạo lập và bảo đảm chất lượng dữ liệu, đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) vào xử lý dữ liệu, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dữ liệu. Bên cạnh đó, Chương II cũng đề cập đến việc phân loại dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia, quản trị dữ liệu, kết nối, chia sẻ và điều phối dữ liệu. Đặc biệt, việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được xem là một điểm sáng, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển, khai thác, ứng dụng và quản trị dữ liệu quốc gia. Chương này cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về dữ liệu, nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực dữ liệu.
Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, tạo nền tảng cho thị trường dữ liệu tại Việt Nam, Chương V của Luật Dữ liệu đưa ra các quy định về các loại hình sản phẩm, dịch vụ dữ liệu, bao gồm cả những dịch vụ trong các lĩnh vực đặc thù như giao dịch điện tử, viễn thông, an ninh mạng. Đặc biệt, Luật khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu, đồng thời đưa ra các ưu đãi cho các tổ chức cung cấp dịch vụ này. Chương V cũng đặt ra các điều kiện cụ thể về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật để các tổ chức có thể tham gia cung cấp dịch vụ dữ liệu. Luật cũng nhấn mạnh vào việc đăng ký, quản lý và giám sát các dịch vụ này, đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm về sản phẩm, dịch vụ của mình.
Hoạch định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành
Chương VI của Luật Dữ liệu tập trung vào việc thiết lập một hệ thống quản lý nhà nước về dữ liệu chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc triển khai và thực thi Luật.
Chương này không chỉ đề cập đến các nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu, mà còn phân công cụ thể trách nhiệm cho từng cơ quan, Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Công an giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác như Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ,... để thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tổ chức, kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu; thực hiện chuẩn hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu, tính toán tối ưu giữa việc đầu tư hạ tầng mới và sử dụng hạ tầng do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp; Rà soát, đánh giá năng lực mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan để xây dựng phương án nâng cấp, bảo đảm các đơn vị có thể truy cập, quản trị hệ thống đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan đánh giá nhu cầu, thực hiện chuyển dịch hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Cổng Dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...) về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện thích hợp để phát hiện, ngăn chặn từ xa mọi hành vi xâm phạm Trung tâm dữ liệu quốc gia cả về địa lý và trên không gian mạng; đồng thời triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, xác thực và bảo mật thông tin dùng mật mã; triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, Ban Cơ yếu Chính phủ vừa có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, cung cấp chữ ký số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, vừa có vai trò quan trọng trong việc triển khai các sản phẩm mã hóa, giải mã dữ liệu, góp phần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu.
Luật Dữ liệu là một bước tiến quan trọng, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội số an toàn, bảo mật, hiện đại và phát triển bền vững. Dự kiến, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc quản lý và khai thác tài nguyên dữ liệu, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Toàn văn Dự thảo Luật Dữ liệu xem tại đây.
Bích Thủy