Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng; đại diện VNISA phía Nam cùng với đại diện các trung tâm đào tạo ATTT, các doanh nghiệp CNTT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, với sự dịch chuyển toàn cầu sang nền kinh tế số, thông tin, đặc biệt là thông tin có kết nối đã trở thành tài sản rất quý của cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tài sản thông tin có giá trị gấp nhiều lần tài sản cố định hay tài sản hữu hình khác.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Mic.gov.vn)
Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, xây dựng thành phố thông minh... vai trò của lưu trữ, xử lý, truyền đưa thông tin một cách thông suốt, thuận tiện và an toàn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho nền kinh tế số vận hành tốt.
Trên thực tế, ATTT đã trở thành vấn đề thời sự, các cuộc tấn công mạng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thời gian vừa qua có quy mô, tính chất phức tạp, tinh vi, mức độ phá hoại ngày càng cao. Điển hình có thể kể đến cuộc tấn công mạng vào lưới điện Ukraina gây mất điện cho 80.000 hộ dân trong 6 tiếng, cuộc tấn công mạng vào Vietnam Airlines và một số cảng hàng không làm khoảng 100 chuyến bay bị hoãn hoặc chậm chuyến….
Trong công tác bảo đảm ATTT, yếu tố con người là yếu tố trung tâm và then chốt nhất. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, lĩnh vực AT,ANTT mạng đang là một trong những ngành, lĩnh vực khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo thứ trưởng Phan Tâm, Chính phủ đã xác định thiếu hụt nguồn nhân lực ATTT là vấn đề có tầm quan trọng quốc gia.
Ngày 14/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực AT,ANTT đến năm 2020 (Đề án 99). Trong đó, có 08 cơ sở đào tạo được lựa chọn làm cơ sở đào tạo trọng điểm để thực hiện đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ATTT phục vụ mục tiêu phát triển trung hạn đến năm 2020.
Thực tiễn công tác xây dựng chính sách, đào tạo, sử dụng cán bộ và bảo đảm ATTT của các cơ quan, doanh nghiệp cho thấy còn có nhiều thách thức, nhiều vấn đề cần được hoàn thiện.
Hội nghị “Nhu cầu nguồn nhân lực AT,ANTT trong các doanh nghiệp” nằm trong khuôn khổ của Đề án 99, nhằm trao đổi, thảo luận về nhu cầu thực tế sử dụng nguồn nhân lực ATTT của doanh nghiệp, để từ đó các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò kiến tạo, phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tháo gỡ bài toán nhân lực ATTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.
Nội dung các bài tham luận của Hội nghị tập trung vào một số vấn đề nổi bật như: Định hướng phát triển nguồn nhân lực về AT,ANTT Việt Nam đến năm 2020; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AT,ANTT có đủ khả năng đối phó với các nguy cơ và rủi ro mất ATTT – Một động lực bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam; đánh giá thực trạng nhu cầu về nhân lực AT,ANTT; chất lượng nguồn nhân lực – Lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp;...
Các trường đại học, các cơ sở đào tạo về ATTT cần nắm bắt nhanh nhu cầu từ các doanh nghiệp để từ đó cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội.
Thông qua Hội nghị, Bộ TT&TT cũng mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến hữu ích cho công tác quản lý nhà nước về CNTT nói chung, về ATTT nói riêng.