Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông

16:00 | 23/10/2024 | AN TOÀN THÔNG TIN
Sáng ngày 23/10, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp cùng World Vision Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông”.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT; bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình bảo vệ trẻ em, World Vision Việt Nam; ông Nguyễn Thế Hảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ; cùng đông đảo đội ngũ phóng viên, biên tập viên đến từ nhiều cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Báo chí, truyền thông: Mục tiêu tấn công trong kỷ nguyên số

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh, hiện nay tại Việt Nam, hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, có thể là người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phóng viên cơ quan báo chí, truyền thông. Vì vậy, Hội thảo nhằm giúp cán bộ các cơ quan báo chí truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin và có thêm những kỹ năng cần thiết để phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, đánh giá, chúng ta đều biết rằng báo chí và truyền thông đóng góp một vai trò quan trọng, thiết yếu trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đời sống xã hội, góp phần không nhỏ vào việc định hình nhận thức chung của công chúng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của không gian mạng, những mối đe dọa về an toàn thông tin mạng với cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng trở nên phức tạp. Các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên đồng thời phải thực hiện hai trách nhiệm và sứ mệnh lớn là bảo vệ cơ quan, tổ chức, những hệ thống trực tuyến của mình khỏi nguy cơ tấn công mạng, các rủi ro an toàn thông tin mạng; hai là phải truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về an toàn thông tin mạng, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Báo điện tử Vietnamnet, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng kỹ thuật đã trình bày tham luận về việc “Bảo đảm An toàn thông tin, hệ thống thông tin và hoạt động tác nghiệp báo chí điện tử”. Theo đó, có ba nguy cơ lớn tồn tại trong hoạt động tác nghiệp là: nguy cơ từ mặt tiếp xúc rộng, nguy cơ từ việc sử dụng chung nền tảng quản trị nội dung của các tòa soạn báo và nguy cơ tồn tại các lỗ hổng bảo mật... Trong đó, ông nhấn mạnh việc nhận thức về an toàn thông tin của các phóng viên, biên tập viên còn hạn chế.

Bảo vệ hệ thống thông tin đối với với các cơ quan báo chí truyền thông nói chung và báo điện tử nói riêng là công việc khó khăn, nhiều thách thức, bởi sự chạy đua về công nghệ, gây tốn kém về chi phí, nhân lực, vật lực và phải làm liên tục. Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mất an toàn thông tin có thể xảy ra, các cơ quan báo chí điện tử cần nêu cao cảnh giác, thường xuyên rà soát, kiểm tra định kỳ để tránh việc bị khai thác các lỗ hổng bảo mật. Các cơ quan tổ chức cũng cần tiến hành đào tạo, củng cố, tăng cường kiến thức về an toàn thông tin cho cán bộ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, kèm theo thiết lập các chính sách, quy trình bắt buộc, tuân thủ nghiêm túc về an toàn thông tin cũng như đảm bảo các trang thiết bị an toàn cho các hoạt động tác nghiệp.

Báo chí chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Một trong những vấn đề đáng lo ngại khác hiện nay là việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày càng nhiều trẻ em sử dụng Internet hàng ngày, nhưng kiến thức bảo vệ trên mạng của trẻ em cũng như gia đình còn rất hạn chế. Trong khi Internet đang ngày càng xuất hiện nhiều mã độc, phần mềm lửa đảo liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em. Những nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi, nếu chỉ nhìn thoáng qua, phụ huynh sẽ chỉ thấy là con đang xem điện thoại, tivi, máy tính... từ đó quên mất sự cảnh giác.

Theo thông tin từ Dự án ngăn chặn hành vi gây tổn hại Việt Nam của Unicef, Interpol và Ecpat, có khoảng 1% người dùng Internet độ tuổi 12-17 ở Việt Nam là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng. Mặc dù, tỷ lệ 1% có vẻ thấp, nhưng với dân số Việt Nam hiện nay, thì con số ước tính lên đến khoảng 94.000 trẻ gặp các vấn đề này. Những điều này càng đặt ra yêu cầu cần thiết phải bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam; trong đó có trách nhiệm của báo chí, truyền thông.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em Việt Nam chia sẻ tham luận “Đẩy mạnh vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng nhấn mạnh, trong bối cảnh như vậy, rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện đang trở thành mối quan tâm cấp thiết hơn bao giờ hết và cần có sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, báo chí, truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ trẻ em giữa kỷ nguyên số. Trẻ em và cả người lớn cần được nâng cao nhận thức về những rủi ro trên môi trường số, ý thức và kiến thức để có thể tự bảo vệ mình. Điều này cần phải được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày, tạo thành một lối mòn trong tư duy, từ đó mới có thể tạo nên hàng rào bảo vệ hiệu quả. Từ kiến thức, nhận thức, các em sẽ hình thành nên kỹ năng ứng xử, kỹ năng phù hợp trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Hội thảo chuyên đề “Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông” một lần nữa khẳng định nỗ lực của VNISA trong việc thúc đẩy an toàn thông tin trong mọi lĩnh vực. VNISA cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần xây dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, bảo mật và phát triển bền vững.

ĐT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới