Gartner: Dự đoán xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu năm 2021
Đại dịch COVID-19 đã gây ra các tác động to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Chủ đề của các xu hướng công nghệ chiến lược của năm nay là: Lấy con người làm trung tâm, vị trí độc lập và phân phối linh hoạt. Các xu hướng công nghệ chiến lược này không hoạt động độc lập mà có sự liên kết với nhau. Sự đổi mới kết hợp là chủ đề bao trùm các xu hướng này, chúng cùng nhau thúc đẩy tính linh hoạt của tổ chức và sẽ giúp định hướng cho các tổ chức trong 5 đến 10 năm tới.
Xu hướng 1: MẠNG LƯỚI HÀNH VI (IOB)
Việc thu thập và sử dụng các dữ liệu để thúc đẩy các hành vi được gọi là Mạng lưới hành vi - Internet of Behavior (IoB). IoB là một trong chín xu hướng công nghệ chiến lược được Gartner dự đoán sẽ cung cấp giải pháp linh hoạt để các doanh nghiệp khôi phục lại công việc do tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng kinh tế hiện tại của thế giới.
Với sự gia tăng của các công nghệ thu thập “bụi kỹ thuật số” - dữ liệu trải dài trong cả thế giới kỹ thuật số và trên thực tế - trong cuộc sống hàng ngày, dữ liệu này có thể được sử dụng để tác động ngược trở lại hành vi. Một ví dụ là, trong ngành vận tải thương mại, hệ thống telematic - hệ thống được kết hợp từ nhiều thiết bị, hệ thống điện tử công nghệ cao như công nghệ định vị toàn cầu GPS - có thể được sử dụng theo dõi các hành vi lái xe, từ phanh gấp đến rẽ gấp. Sau đó, các công ty sử dụng dữ liệu đó để cải thiện hiệu suất lái xe, khả năng định tuyến và độ an toàn.
IoB có thể thu thập, kết hợp và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn bao gồm: Dữ liệu khách hàng thương mại; Dữ liệu công dân do các cơ quan chính phủ và khu vực công xử lý; Truyền thông xã hội; Triển khai nhận diện khuôn mặt nơi công cộng; Theo dõi vị trí. Sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ xử lý dữ liệu đã tạo điều kiện cho xu hướng này phát triển.
Xu hướng 2: TRẢI NGHIỆM TOÀN DIỆN
Trải nghiệm toàn diện là sự kết hợp từ trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm người dùng để chuyển đổi kết quả kinh doanh với mục tiêu là cải thiện trải nghiệm tổng thể tất cả các thành phần này.
Liên kết chặt chẽ tất cả các trải nghiệm giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Xu hướng này cho phép các tổ chức tận dụng các yếu tố mới được hình thành trong bối cảnh COVID-19 bao gồm làm việc từ xa, khách hàng di động, ảo và phân tán.
Ví dụ, một công ty viễn thông đã thay đổi toàn bộ trải nghiệm của khách hàng nhằm nâng cao tính an toàn và sự hài lòng của họ. Đầu tiên, một hệ thống đặt lịch hẹn thông qua một ứng dụng hiện có được triển khai. Tiếp theo, khi đến gần địa điểm hẹn, khách hàng sẽ nhận được thông báo hướng dẫn làm thủ tục đăng ký và thời gian chờ để có thể bước vào một cách an toàn và duy trì khoảng cách xã hội.
Công ty cũng thay đổi cách thức hoạt động của mình như sử dụng nhiều ki-ốt kỹ thuật số hơn và cho phép nhân viên sử dụng máy tính bảng cá nhân để cùng truy cập vào thiết bị của khách hàng mà không cần phải trực tiếp chạm vào thiết bị đó. Kết quả là một trải nghiệm an toàn, liền mạch và toàn diện hơn cho cả khách hàng và nhân viên.
Xu hướng 3: TÍNH TOÁN NÂNG CAO QUYỀN RIÊNG TƯ
Tính toán nâng cao quyền riêng tư cung cấp ba công nghệ bảo vệ dữ liệu khi dữ liệu đang được sử dụng: Thứ nhất, cung cấp một môi trường đáng tin cậy để xử lý hoặc phân tích dữ liệu nhạy cảm; Thứ hai, thực hiện xử lý và phân tích một cách phi tập trung; Thứ ba, mã hóa dữ liệu và thuật toán trước khi xử lý hoặc phân tích.
Xu hướng này cho phép các tổ chức hợp tác nghiên cứu một cách an toàn giữa các khu vực và với các đối thủ cạnh tranh mà không mất đi tính bí mật. Cách tiếp cận này được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu chia sẻ dữ liệu ngày càng gia tăng trong khi vẫn duy trì quyền riêng tư và tính bí mật.
Xu hướng 4: ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY PHÂN TÁN
Điện toán đám mây phân tán có nghĩa là các dịch vụ điện toán đám mây được phân phối đến các vị trí vật lý khác nhau nhưng trách nhiệm vận hành, quản trị và phát triển vẫn là của nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây công cộng.
Các tổ chức sử dụng dịch vụ này giúp giải quyết công việc nhanh chóng, giảm thiểu chi phí dữ liệu và điều chỉnh các quy định duy trì tập trung dữ liệu trong một khu vực địa lý cụ thể. Đồng thời, việc sử dụng các đám mây công cộng và không quản lý đám mây riêng của mình cũng giúp các tổ chức giảm thiểu chi phí và độ phức tạp. Điện toán đám mây phân tán là tương lai của điện toán đám mây.
Xu hướng 5: HOẠT ĐỘNG Ở MỌI NƠI
Một mô hình hoạt động ở mọi nơi sẽ rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Về bản chất, mô hình hoạt động này cho phép doanh nghiệp có thể được truy cập, phân phối và kích hoạt ở bất kỳ đâu, giúp khách hàng, nhà tuyển dụng và đối tác kinh doanh hoạt động trong môi trường thực tế từ xa.
Mô hình hoạt động ở mọi nơi ưu tiên kỹ thuật số và điều khiển từ xa đầu tiên. Ví dụ, các ngân hàng di động xử lý tất cả các giao dịch từ chuyển tiền đến mở tài khoản mà không cần tương tác thực tế. Từ đó thể thấy được, kỹ thuật số luôn là một tính năng mặc định. Điều đó không có nghĩa là hoạt động thực tế trực tiếp không còn mà được nâng cao về mặt kỹ thuật số, ví dụ như triển khai hình thức thanh toán không tiếp xúc tại cửa hàng.
Xu hướng 6: LƯỚI AN TOÀN MẠNG
Lưới an toàn mạng là một cách tiếp cận kiến trúc phân tán để có sự kiểm soát an toàn mạng có thể mở rộng, linh hoạt và đáng tin cậy. Nhiều tài sản hiện đang tồn tại bên ngoài vành đai an toàn mạng truyền thống. Lưới an toàn mạng về cơ bản cho phép xác định phạm vi an toàn xung quanh định danh của một người hoặc một vật. Nó cho phép một cách tiếp cận an toàn có cấu trúc và thích ứng hơn thông qua tập trung điều phối chính sách và phân phối việc thực thi chính sách.
Xu hướng 7: KINH DOANH KẾT HỢP TRI THỨC
Một doanh nghiệp có khả năng kết hợp tri thức là một doanh nghiệp có thể thích ứng và sắp xếp lại dựa trên tình hình thực tế. Khi các tổ chức đẩy nhanh chiến lược kinh doanh kỹ thuật số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, họ cần phải tích cực và đưa ra các quyết định kinh doanh nhanh chóng bằng dữ liệu hiện có sẵn.
Để làm được điều này, các tổ chức phải cho phép tiếp cận thông tin tốt hơn, phân tích thông tin đó sâu sắc hơn và có khả năng phản ứng nhanh chóng với tác động của các phân tích sâu sắc đó. Điều này cũng sẽ bao gồm việc tăng quyền tự chủ và dân chủ hóa trong toàn bộ tổ chức, cho phép các bộ phận của doanh nghiệp phản ứng một cách nhanh chóng thay vì bị sa lầy trong các quy trình kém hiệu quả.
Xu hướng 8: KỸ THUẬT TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Một chiến lược kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện hiệu suất, khả năng mở rộng, khả năng diễn giải và độ tin cậy của các mô hình AI, đồng thời cũng mang đến giá trị cho các khoản đầu tư vào kỹ thuật này. Các dự án AI thường gặp phải vấn đề về khả năng bảo trì, khả năng mở rộng và quản trị, điều này làm cho chúng trở thành thách thức đối với hầu hết các tổ chức.
Chiến lược kỹ thuật AI cung cấp một lộ trình biến AI trở thành một phần của quy trình phát triển và vận hành chính thống hơn là một tập hợp các dự án chuyên dụng và biệt lập. Chiến lược này tập hợp nhiều nguyên tắc khác nhau để mang lại giá trị khi vận hành kết hợp nhiều kỹ thuật AI.
Xu hướng 9: SIÊU TỰ ĐỘNG HÓA
Ý tưởng của siêu tự động hóa là mọi thứ có thể tự động hóa trong một tổ chức đều phải được tự động hóa. Siêu tự động hóa được thúc đẩy bởi các tổ chức có các quy trình kinh doanh được kế thừa lại mà không được sắp xếp hợp lý, gây ra các vấn đề vô cùng tốn kém và sâu rộng cho tổ chức.
Nhiều tổ chức được hỗ trợ bởi một “sự chắp vá” của các công nghệ không tinh gọn, tối ưu, có liên kết và rõ ràng. Trong khi đó, việc tăng tốc kinh doanh kỹ thuật số đòi hỏi tính hiệu quả, tốc độ và dân chủ hóa. Các tổ chức không tập trung vào hiệu quả, hiệu suất và sự nhanh nhạy trong kinh doanh sẽ bị bỏ lại phía sau.
Hoàng Thu Phương (nguồn Gartner)