Gartner: 10 xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu cho năm 2023

23:00 | 22/01/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Gartner đã đưa ra dự đoán về 10 xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu cho năm 2023, trong đó tập trung vào ba chủ đề: tối ưu hóa, mở rộng quy mô và tiên phong. Việc cắt giảm chi phí bằng cách tối ưu hóa công nghệ thông tin (CNTT), mở rộng mạng lưới để mang lại giá trị và tăng trưởng cho doanh nghiệp cũng như thay đổi hướng đi của chính doanh nghiệp cũng nằm trong 10 xu hướng công nghệ hàng đầu mà Gartner đã dự đoán.

Ngày càng có nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, chẳng hạn như các vấn đề về chuỗi cung ứng, chiến tranh ở Ukraine và Đông Âu, khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài và khủng hoảng tài chính. Để vượt qua những điều đó, một số doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí, một số khác sẽ tiếp tục với các kế hoạch mở rộng hiện có, và một số sẽ thay đổi hoàn toàn định hướng chiến lược kinh doanh của mình. Với ba chủ đề trọng tâm: tối ưu hóa, mở rộng và tiên phong, Tạp chí An toàn thông tin sẽ giới thiệu 10 xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu cho năm 2023 của Gartner có thể giúp các tổ chức, doanh nghiệp (TC/DN) nhận thấy được những thách thức kinh tế và thị trường hiện nay.

1. MỞ RỘNG QUY MÔ NỀN TẢNG ĐÁM MÂY CÔNG NGHIỆP, TẬP TRUNG VÀO CÁC YÊU CẦU CỤ THỂ CỦA NGÀNH

Theo nhận định của Padraig Byrne, Giám đốc phân tích cấp cao của Gartner thì hiện nay, để mở rộng quy mô kinh doanh của mình, các TC/DN đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, với ngày càng nhiều bộ dữ liệu cụ thể theo ngành được các đại lý cung cấp cho các lĩnh vực bao gồm: chăm sóc sức khỏe, sản xuất, chuỗi cung ứng, nông nghiệp và tài chính. Các doanh nghiệp đang tập trung vào khai thác giá trị kinh doanh từ công nghệ đám mây và không cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng bên dưới.

Byrne cũng chia sẻ thêm rằng: “Những gì chúng tôi thấy là sự gia tăng của các thành phần mô-đun cụ thể trong ngành, chuyên dụng cho từng phân khúc ngành, cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng các dịch vụ khác biệt mà không cần phải phát triển đầy đủ công nghệ cơ bản”.

2. GIẢM XUNG ĐỘT GIỮA CÁC NHÓM PHÁT TRIỂN VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG PHỨC TẠP

Khi môi trường đám mây đã sẵn sàng thì việc đưa sản phẩm ra thị trường càng trở nên cấp thiết và để mở rộng quy mô phân phối thì trọng tâm phải là kỹ thuật nền tảng.

“Trong khi các kiến trúc mạng ngày càng phức tạp, các hệ thống có thể là sự kết hợp của cả các ứng dụng tại chỗ và trên các đám mây, tình trạng các nhà phát triển không đủ kỹ năng xây dựng một mạng có thể mở rộng cũng có thể xảy ra” Byrne nói.

Giải pháp là xem xét sự khác biệt giữa vị trí của nhóm phát triển và lớp cơ sở hạ tầng để tìm cách giảm thiểu xung đột giữa hai bên. Điều này có thể được thực hiện bằng cách xây dựng các nền tảng kỹ thuật có các thành phần cho phép các nhà phát triển tái sử dụng bằng chính các công cụ của họ, chẳng hạn như môi trường phát triển tích hợp (IDE), công cụ giám sát và quy trình kết hợp tự động hoá giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển sản phẩm và phân phối sản phẩm đến người dùng cuối (CI/CD), tất cả được cung cấp trong một cổng phát triển tự phục vụ. Đây sẽ là những công cụ đã được phê duyệt trước để các nhà phát triển có quyền truy cập khi cần thiết thay vì phải yêu cầu phê duyệt để sử dụng.

3.  MỞ RỘNG QUY MÔ Ở MỌI NƠI VỚI WIFI

Xu hướng không dây dựa trên dự đoán của Gartner rằng đến năm 2025, 60% doanh nghiệp sẽ sử dụng năm công nghệ không dây trở lên, một trong số đó là sử dụng thêm Wifi văn phòng.

Dự đoán đó không phải là quá xa vời, người tiêu dùng đang sử dụng tới ba công nghệ không dây hàng ngày. Nhưng mạng không dây không chỉ dừng lại ở các công cụ cho cá nhân. Công ty khai thác mỏ Tây Úc Albermale đã tạo ra một mạng 5G riêng cho phép các nhà khoa học và kỹ sư truy cập hệ thống từ xa khi cần thiết thay vì phải có mặt tại chỗ.

Byrne cho rằng: “Nếu suy nghĩ theo một hướng khác, mạng sẽ không còn là chi phí phải bỏ ra mà là thứ có thể mang lại thêm giá trị và sự khác biệt cho doanh nghiệp”.

4. XÂY DỰNG MỘT HỆ MIỄN DỊCH KỸ THUẬT SỐ

Theo Gartner, 70% các nhóm chịu trách nhiệm về các sản phẩm kỹ thuật số hiện cũng chịu trách nhiệm tạo ra doanh thu. Trong khi đó, cách tiếp cận truyền thống để phát triển phần mềm khó tạo ra các hệ thống có khả năng mở rộng, bảo mật và ổn định, do đó cũng cản trở cơ hội tạo ra doanh thu.

Để đáp ứng yêu cầu này, khái niệm miễn dịch kỹ thuật số xuất hiện, đó là tập hợp nhiều phương pháp hiện đại xung quanh vòng đời phát triển ứng dụng, như khả năng quan sát để cải thiện những gì tổ chức có thể nhìn thấy, kỹ thuật độ tin cậy của trang web và cải thiện khả năng phục hồi của các ứng dụng. Nhà phân tích cấp cao Byrne cho biết: “Nó kết hợp phân tích và AI để cải tiến thử nghiệm các công cụ này và bổ sung bảo mật đầu cuối trên toàn bộ chuỗi cung ứng, kết quả là các ứng dụng có khả năng phục hồi cao hơn và sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tạm ngừng hoạt động”.

Gartner dự đoán rằng bằng cách áp dụng một số công nghệ này, thời gian tạm ngừng hoạt động của các công ty có khả năng được giảm thiểu lên đến 80% từ đó cải thiện doanh thu.

5. ỨNG DỤNG TÍNH QUAN SÁT ĐƯỢC ĐỂ VẬN HÀNH TỐT HƠN

Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh tối ưu hóa và song hành cùng với các thực tiễn liên quan đến khả năng miễn dịch kỹ thuật số. Byrne giải thích đó là việc thu thập dữ liệu từ các quyết định, sau đó thu thập dữ liệu về bối cảnh mà các quyết định đó được đưa ra và áp dụng phân tích vào bối cảnh. Bằng cách đó có thể tạo ra một vòng phản hồi nhằm đưa ra các quyết định hướng đến giá trị kinh doanh hơn.

6. QUẢN LÝ TIN CẬY, RỦI RO VÀ BẢO MẬT CHO AI

Quản lý tin cậy, rủi ro và bảo mật (AI TriSM), nói một cách đơn giản là làm cho AI trở nên đáng tin cậy. Gartner đã phát hiện ra rằng ngay cả trong số các doanh nghiệp có kinh nghiệm nhất thì chỉ có 50% mô hình AI từng được sử dụng, lý do đằng sau điều này là do thiếu sự tin tưởng vào dữ liệu và các vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư.

Đầu tiên, để cải thiện việc áp dụng AI, các tổ chức phải có khả năng giải thích lý do máy tính đưa ra một quyết định. Điều này đi kèm với các “modelop”, một thuật ngữ của Gartner để chỉ quản trị và quản lý vòng đời của một loạt các mô hình quyết định và AI

đã được vận hành, bao gồm học máy, sơ đồ tri thức, quy tắc, tối ưu hóa và các mô hình dựa trên ngôn ngữ và tác nhân. Theo Gartner, kết quả của việc sử dụng các “modelop” là mô hình đi vào sản xuất nhanh hơn và ít xung đột hơn.

Tiếp theo là việc sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như adversarial AI – lĩnh vực nghiên cứu về các tấn công vào các thuật toán trí tuệ nhân tạo và các biện pháp phòng thủ chống lại các tấn công đó, được sử dụng nhằm tạo ra một mô hình để đào tạo một mô hình khác, điều này đã được sử dụng trong các lĩnh vực như tạo ra các hình ảnh mới từ một bộ dữ liệu cho trước (image generation) cũng như các trò chơi như cờ vua,... Cuối cùng, các nguyên tắc đạo đức và bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ là cần thiết.

7. PHÁT TRIỂN CÁC SIÊU ỨNG DỤNG

Gartner gợi ý rằng để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp có thể đi tiên phong bằng cách phát triển các siêu ứng dụng. Siêu ứng dụng (Superapps) là sự kết hợp một số chức năng của ứng dụng thông thường với các thuộc tính của nền tảng ứng dụng và hệ sinh thái.

Các siêu ứng dụng không chỉ có các tính năng khác biệt riêng mà còn có khả năng xây dựng các ứng dụng của bên thứ ba với mô hình dữ liệu chung được chia sẻ giữa ứng dụng cốt lõi và phần mềm của bên thứ ba.

Byrne cho biết, nếu tiến vào lĩnh vực này sớm sẽ mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp và nhiều cơ hội xoay quanh các lĩnh vực như tài chính và sức khỏe, cùng các ngành dọc khác.

8. AI THÍCH NGHI ĐỂ ĐÁP ỨNG VỚI SỰ THAY ĐỔI CỦA TỔ CHỨC

Sau khi đã xử lý được các vấn đề về sự tin cậy, sản xuất và phân tích được cá nhân hóa, các doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng AI thích nghi, nghĩa là sử dụng phản hồi thời gian thực và các thuật toán học tập thích ứng để hiểu doanh nghiệp và có những phản ứng phù hợp với môi trường thay đổi.

Điều này cho phép các doanh nghiệp tạo và truy cập dữ liệu mới để thử nghiệm trong các môi trường khác nhau, cũng như khả năng cá nhân hóa đầu ra của các thuật toán cho người dùng một cách liên tục, cung cấp các dịch vụ dành riêng cho từng cá nhân người dùng. Có thể nói AI thích nghi có một tư duy rất khác với AI truyền thống.

9. VŨ TRỤ ẢO SẼ KẾT HỢP CÁC CÔNG NGHỆ KHÁC NHAU

Theo Byrne, vũ trụ ảo (metaverse), bao gồm một số công nghệ khác nhau và có liên quan đến các vấn đề kinh doanh như thiếu tin tưởng vào dữ liệu hoặc cách thức cải thiện dịch vụ khách hàng. Một phương pháp để sử dụng nó có thể là thông qua hình đại diện và chatbot để cải thiện việc phân phối sản phẩm tới khách hàng. Các cách khác có thể kể đến như sử dụng trò chơi điện tử ứng dụng hóa (gamification) để đào tạo và thực tế tăng cường cho trải nghiệm mua sắm. Gartner nhận thấy 51% Gen Z hy vọng một số hình thức thực tế tăng cường sẽ thành hiện thực trong hai năm tới.

10. CÔNG NGHỆ ĐÓNG MỘT VAI TRÒ BỀN VỮNG

Các xu hướng hàng đầu của Gartner liên quan đến tính bền vững và vai trò của CNTT. Byrne cảnh báo rằng đó không chỉ là về môi trường và biến đổi khí hậu mà còn về những người đứng sau doanh nghiệp, các khía cạnh xã hội của một tổ chức, cải thiện văn hóa làm việc, cải thiện sự đa dạng, công bằng, hòa nhập cho nhân viên và cải thiện đào tạo.

Công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tính bền vững của môi trường, đặc biệt là liên quan đến các giải pháp giảm thiểu năng lượng cho các dịch vụ CNTT, sử dụng phân tích và truy xuất nguồn gốc của năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp có thể xem xét những điều này, xác định những gì có thể áp dụng cho hoạt động kinh doanh của họ và sau đó thực hiện theo lộ trình.

Byrne cho biết: “Không phải tất cả các công nghệ này đều cần phải được chuyển giao cùng lúc. Khi đã xác định được khung thời gian thích hợp cho những chuyển giao này, các doanh nghiệp có thể thiết lập lộ trình riêng và xây dựng kế hoạch hành động lấy tổ chức làm trung tâm”.

Hoàng Thu Phương

Tin cùng chuyên mục

Tin mới