Hội thảo Ứng dụng Chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số (CKS) và hướng dẫn các cơ quan Đảng và Nhà nước thực hiện triển khai dịch vụ CKS trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng, Ban Cơ yếu Chính phủ, Lãnh đạo CNTT và phụ trách CNTT của các tỉnh, thành ủy, các tổ chức chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành và Sở TT&TT các tỉnh phía Bắc.
Các báo cáo tại Hội thảo đã nêu ra hiện trạng triển khai CKS, đánh giá thuận lợi và khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm trong ứng dụng và triển khai CKS trong các cơ quan Nhà nước; nâng cao nhận thức về vai trò của CKS trong việc đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử; phổ biến thông tin về hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; quy trình cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc ứng dụng và triển khai CKS....
Bên cạnh đó, Hội thảo còn đề cập tới thực trạng cơ sở hạ tầng khoá công khai (PKI) tại Việt Nam, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực CKS phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và cho khu vực công cộng, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong hệ thống chính trị do Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì và lộ trình ứng dụng và triển khai CKS cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Ngoài các báo cáo mang tính định hướng như giới thiệu hệ thống PKI của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và kế hoạch triển khai của Ban Cơ yếu Chính phủ; quản lý nhà nước về CKS và tình hình triển khai CA công cộng của Bộ TT&TT; Tham luận của đại biểu các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống CKS như Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... và một số địa phương đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ứng dụng giao dịch điện tử tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, thói quen sử dụng văn bản giấy, trình độ chung về CNTT còn thấp.... Đòi hỏi thực tiễn hiện nay cần phải có sự thống nhất phương thức quản lý nhà nước, thống nhất yêu cầu kỹ thuật để triển khai, xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật, thay đổi thói quen gửi và nhận thông tin bằng giấy sang hình thức thông qua môi trường mạng. Tuy nhiên, khi sử dụng giao dịch thông tin qua môi trường mạng thì nhất thiết phải đảm bảo độ an toàn, chính xác nếu không hậu quả khó lường.
Trong phần thảo luận bàn tròn, nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến những vấn đề như: hướng dẫn cụ thể của Ban Cơ yếu Chính phủ về triển khai ứng dụng CKS, khả năng tương tác giữa hệ thống Chứng thực CKS của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị với hệ thống chứng thực CKS công cộng của các doanh nghiệp và hệ thống chúng thực CKS chuyên dùng của một số Bộ, ngành, địa phương đã triển khai.
Trước đó, ngày 06/10/2010, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Ứng dụng Công nghệ Thông tin - Bộ TT&TT đã phối hợp với Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy ứng dụng CKS”. Đến dự Hội thảo có Lãnh đạo Bộ TT&TT, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Ứng dụng CNTT, Cơ quan đại diện Bộ TT&TT tại TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM; Đại diện cơ quan chuyên trách về CNTT của một số các Bộ, cơ quan ngang Bộ; đại diện Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố; một số doanh nghiệp cung cấp và ứng dụng CKS.
Hội thảo tại TP.HCM có 3 phiên chuyên đề: Phiên 1 – Pháp lý và ứng dụng CKS, với các tham luận chính gồm: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước và các văn bản của Đảng trong lĩnh vực bảo mật an toàn thông tin; Hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thư số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống chính trị; Các vấn đề pháp lý liên quan để ứng dụng CKS trong Hải quan điện tử; Các vấn đề pháp lý và công nhận quốc tế; Phiên 2 – Thủ tục và quy trình ứng dụng CKS. Đây là nội dung thu hút chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bởi sẽ cung cấp những thông tin về ứng dụng CKS tại TP.HCM, trong các dịch vụ công của ngành Công thương, trong các hoạt động giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, và các vấn đề liên quan tới triển khai ứng dụng CKS ở Tổng cục Thuế. Phiên 3 – Công nghệ triển khai ứng dụng có CKS và dịch vụ PKI đã chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về triển khai ứng dụng CKS, đặc biệt là hướng tới thiết lập liên thông với các tổ chức chứng thực CKS quốc tế.
Những phân tích, đánh giá trong 2 Hội thảo cũng là các căn cứ quan trọng để Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển PKI, xây dựng chính sách hỗ trợ ứng dụng CKS, cũng như xây dựng các hướng dẫn chi tiết để đưa CKS vào phục vụ phát triển an ninh quốc phòng, cũng như kinh tế - xã hội của đất nước