Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về những tiến bộ trong công nghệ thông tin và truyền thông
Với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia khác, ICTA 2024 là cơ hội quý báu để các nhà nghiên cứu Việt Nam giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khoa học quốc tế, tạo môi trường trao đổi, kết nối và phát triển các dự án nghiên cứu chung. Các phiên thảo luận tại Hội thảo là nơi để các đại biểu trao đổi về tiềm năng hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, từ đó mở ra nhiều cơ hội triển khai các dự án thực tế.
TS. Đỗ Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ, Hội thảo ICTA 2024 gồm 30 phiên thảo luận, chia thành nhiều nhóm chủ đề đa dạng, bao quát các lĩnh vực tiên tiến trong công nghệ thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ trong kinh tế số, giáo dục số, đô thị thông minh,... Đặc biệt, Hội thảo năm nay còn được mở đầu bằng bài phát biểu đề dẫn của PGS, TS. Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), Tổng Thư ký FISU Việt Nam và 02 báo cáo mời đến từ hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực là GS. Kwanghoon Pio Kim từ Đại học Kyonggi, Hàn Quốc và GS, TSKH. Hồ Tú Bảo đến từ Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Đây là hai chủ đề đang thu hút sự chú ý lớn của các nhà nghiên cứu.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện đơn vị đồng tổ chức PGS.TS. Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số toàn cầu. Các giải pháp công nghệ mới được thảo luận tại Hội thảo không chỉ hướng đến đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn chú trọng đến tác động môi trường trong thời kỳ chuyển đổi số.
PGS.TS. Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo ICTA 2024 không chỉ dừng lại ở việc trình bày các nghiên cứu mà còn hướng tới xuất bản các công trình khoa học có giá trị. Các bài báo khoa học được chọn lọc sau khi thẩm định sẽ được đăng tải trên hệ thống xuất bản khoa học quốc tế của Springer - một trong những nhà xuất bản uy tín hàng đầu thế giới.
Với nội dung phong phú, đội ngũ diễn giả uy tín và sự tham gia đông đảo của cộng đồng quốc tế, ICTA 2024 là một dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam và thế giới.
Tại Hội thảo, đại diện đơn vị đăng cai tổ chức ICTA 2024 là Trường Đại học Hùng Vương và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội thảo ICTA 2025 cho Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chủ đề của ICTA 2025 sẽ tập trung vào hai vấn đề nóng của làn sóng công nghệ mới là trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn. Hội thảo ICTA 2025 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27-28/11/2025.
Trường Đại học Hùng Vương và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên trao cờ đăng cai Hội thảo khoa học quốc tế ICTA năm 2025 cho Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội
PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), Tổng Thư ký FISU Việt Nam
GS. Kwanghoon Pio Kim, Đại học Kyonggi, Hàn Quốc trình bày báo cáo mời với chủ đề "XPM - eXplainable Process Mining" tại Hội thảo
GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán trình bày báo cáo mời với chủ đề “On the education of business analytics” tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Dương Thị Mỹ Dung