Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất về mật mã và an toàn thông tin, ý nghĩa của nó trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học
GS.TS Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã
Phóng viên Tạp chí ATTT: Xin Giáo sư cho biết mục tiêu lớn nhất của Học viện Kỹ thuật mật mã hướng tới khi tổ chức Hội thảo Quốc tế về Mật mã và An toàn thông tin VCRIS 2024 là gì?
GS.TS Nguyễn Hiếu Minh: Mục tiêu lớn nhất mà Hội thảo hướng tới đó là tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng về mật mã, ATTT tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; khẳng định tầm quan trọng của Mật mã và ATTT trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số. Hội thảo còn là nơi công bố những nghiên cứu mới nhất về Mật mã và ATTT của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên thế giới về lĩnh vực này. Kỷ yếu của Hội thảo được đăng trên nhà xuất bản quốc tế uy tín IEEE.
Một mục tiêu khác không kém phần quan trọng của Hội thảo đó là giới thiệu, quảng bá hình ảnh Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm khẳng định vai trò của Ban - một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, quản lý mật mã trong lĩnh vực dân sự đáp ứng yêu cầu bảo mật và ATTT cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Phóng viên Tạp chí ATTT: Giáo sư đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc phát triển các nghiên cứu về mật mã và ATTT trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay cũng như việc tăng cường an ninh mạng cho Việt Nam?
GS.TS Nguyễn Hiếu Minh: Như chúng ta đã biết, thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng đã mang lại những lợi ích to lớn, đồng thời đặt ra những thách thức mới đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới. Nhận thức về vai trò của không gian mạng cũng đã được nhiều quốc gia nhìn nhận đúng đắn hơn, với ý nghĩa là một không gian sinh tồn mở rộng, một lãnh thổ mới với tầm quan trọng ngang bằng các vùng lãnh thổ khác như trên đất liền, trên biển.
Do đó, vấn đề nghiên cứu phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; trong đó đã nhấn mạnh quan điểm “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều bắt buộc phải đảm bảo về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.
Vì vậy, theo tôi, việc phát triển các nghiên cứu về mật mã và ATTT là một nhiệm vụ có tính sống còn, hàng đầu của mỗi quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã dựa trên thành tựu của khoa học - công nghệ đặc biệt là khoa học công nghệ mật mã và không gian mạng để “đi tắt đón đầu”, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2024 là năm đầu tiên diễn ra Hội thảo quốc tế về Mật mã và ATTT. Đến nay, các thông tin về Hội thảo đã được công bố, quảng bá sâu rộng và đồng bộ trên các phương tiện truyền thông đến các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do là năm đầu tiên tổ chức, số lượng bài báo gửi về Ban tổ chức là khoảng 55 bài, đây là con số còn khá khiêm tốn so với những hội thảo có truyền thống lâu năm nhưng cũng là con số đáng ghi nhận so với một Hội thảo được tổ chức lần đầu tiên với quy mô quốc tế.
Các bài báo khoa học gửi về Hội thảo có nội dung đa dạng, phong phú thuộc 2 lĩnh vực chính là Mật mã và ATTT nhưng không giới hạn. Trải qua quá trình phản biện khoa học và nghiêm túc, Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn ra các bài báo xuất sắc, đạt đủ tiêu chuẩn theo các tiêu chí đề ra để tham gia báo cáo tại Hội thảo. Trong số đó, có nhiều công trình nghiên cứu đề xuất được những ý tưởng, giải pháp hay, mới, có khả năng ứng dụng thực tiễn và đặc biệt là góp phần tăng cường an ninh mạng cho Việt Nam hiện nay.
Phóng viên Tạp chí ATTT: Hội thảo lần này không chỉ có sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức trong nước mà còn có sự hợp tác với các nhà khoa học đến từ Áo, Pháp, Đức, Hàn Quốc …, tổ chức khoa học uy tín như IEEE. Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa của việc hợp tác quốc tế này trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mật mã và ATTT tại Việt Nam?
GS.TS Nguyễn Hiếu Minh: Tại Hội thảo có rất nhiều bài báo khoa học của các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Áo, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ - đây đa số là các nước được đánh giá là cường quốc về công nghệ thông tin. Đặc biệt, các báo cáo mời (keynote) của Hội thảo đều là những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực mật mã và ATTT, như: Giáo sư Ahmad-Reza Sadeghi thuộc Đại học Kỹ thuật Darmstadt, Cộng hòa Liên bang Đức; Giáo sư Edgar Weippl thuộc Đại học Vienna, Áo; Giáo sư Kwangjo Kim thuộc Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, Hàn Quốc; Giáo sư Sylvain Guilley, Giám đốc Công nghệ tại Secure-IC, Pháp; TS. Nguyễn Bùi Cương, chuyên gia về mật mã thuộc Viện Khoa học - Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng nhiều chuyên gia nổi tiếng trong nước và thế giới khác.
Việc mời được các nhà khoa học nổi tiếng, chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực Mật mã và ATTT đến từ các cường quốc công nghệ tham gia báo cáo tại Hội thảo VCRIS 2024 được coi như thành công ban đầu của Hội thảo. Sự kiện này góp phần đặt nền móng cho việc thiết lập và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững về khoa học - công nghệ mật mã và đảm bảo an toàn, an ninh mạng với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu thế giới kể trên. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Học viện Kỹ thuật mật mã. Tại Hội thảo, các nhà khoa học của Học viện sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia về lĩnh vực thế mạnh của họ. Hi vọng trong thời gian sắp tới, Học viện sẽ mở rộng được mối quan hệ hợp tác với các chuyên gia và các cơ sở giáo dục, nghiên cứu này thông qua việc phối hợp thực hiện các dự án, đề tài, chương trình khoa học - công nghệ, phối hợp thực hiện tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế về lĩnh vực thế mạnh của các bên hoặc thông qua các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên...
Phóng viên Tạp chí ATTT: Việc tổ chức thành công Hội thảo lần này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc nâng cao vị thế của Học viện Kỹ thuật mật mã trong cộng đồng nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế thưa Giáo sư?
GS.TS Nguyễn Hiếu Minh: Trong nhiều năm qua, Học viện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức nhiều Hội thảo quốc gia, quốc tế như Hội thảo quốc tế MCO 2021, Hội thảo quốc gia FAIR 2022 và Hội thảo quốc tế KSE 2023. Các hội thảo trên đều diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo VCRIS 2024 là Hội thảo đầu tiên do Học viện Kỹ thuật mật mã đứng ra chủ trì, việc phối hợp với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để tổ chức một hội thảo mang tầm quốc tế là một thách thức không nhỏ. Học viện đã gặp không ít khó khăn trong việc kết nối, mời các chuyên gia nổi tiếng tham gia báo cáo tại Hội thảo. Trong việc ký kết với các tổ chức quốc tế như nhà xuất bản IEEE cũng gặp một số khó khăn khi Học viện Kỹ thuật mật mã là đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, phải đảm bảo các nguyên tắc quy định hợp tác của ngành Cơ yếu khi làm việc với các tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đến giai đoạn này Hội thảo đã đi được hơn 1/2 chặng đường, kết quả của 1/2 chặng đường đầu tiên đã có những tín hiệu khả quan. Trong hành trình tiếp theo, Học viện sẽ cố gắng hết sức, tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm cao nhằm tổ chức Hội thảo VCRIS 2024 thành công tốt đẹp. Việc tổ chức thành công Hội thảo sẽ một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế khoa học của Học viện về lĩnh vực Mật mã và ATTT trên trường quốc gia và quốc tế. Khẳng định vai trò của Học viện trong các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước.
Kết quả của hội thảo còn là nguồn tư liệu quý gia để báo cáo Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách bảo mật, ATTT trong thời gian tới; đồng thời nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy về Mật mã và ATTT.
Cảm ơn Giáo sư, chúc Giáo sư và Học viện Kỹ thuật mật mã ngày càng phát triển!
Trường An