Đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị điện tử, CNTT và viễn thông 5G “Make in Vietnam"
Ngày nay, trong cuộc sống hàng ngày, con người đã quen thuộc với các thiết bị điện tử sử dụng các ứng dụng dân sự và cả quân sự như các thiết bị truyền thông, di động, bảo mật, AI, IoT, Xe điện.... Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam mặc dù đã hình thành và trải qua hơn 40 năm, song cho đến nay ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp sản phẩm với các bảng mạch và linh kiện nhập khẩu. Sở dĩ, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam vẫn còn non kém là do sự đầu tư chưa đúng, vốn nghiên cứu hạn hẹp, nhân lực chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vật liệu trong nước chưa phát triển mạnh nên không cung cấp đủ các vật liệu điện tử cần thiết cho ngành công nghiệp vi mạch. Các thiết kế, nghiên cứu về linh kiện hay vi mạch bán dẫn vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn ngoại nhập này lại bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan như phương tiện vận tải, dịch Covid-19 hoặc chiến tranh thương mại,... Bất cứ tình huống xấu nào gây thiếu hụt nguồn cung linh kiện đều có thể khiến cho một số ngành sản xuất trong nước bị ngưng trệ hoàn toàn.
Mặt khác, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Điện - Điện tử được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chi phối nhiều lĩnh vực khác và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Sự thành công của ngành công nghiệp Điện tử sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nước nhà, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, lan tỏa lớn đến nhiều lĩnh vực khác. Xây dựng thành công ngành công nghiệp Điện tử sẽ giúp quốc gia giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các bảng mạch quan trọng, linh kiện vi mạch bán dẫn từ nước ngoài, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm điện tử trong nước, đồng thời tạo ra các sản phẩm mới có tính đột phá về công nghệ và bảo mật cao mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Hiện, việc thiếu chủ động trong nghiên cứu Điện - Điện tử khiến cho Việt Nam vẫn chưa có nhiều đột phá về các sáng chế công nghệ hay sản xuất linh kiện điện tử.
Phát triển ngành công nghiệp điện tử là phát triển một ngành công nghệ cao, rất đặc biệt, rất khác biệt với các ngành công nghiệp khác. Nó dựa trên phần lớn các kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tế. Do vậy, sự phát triển thành công của nền công nghiệp điện tử của Việt Nam không những đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn mà còn cần có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm. Với tình hình của nền công nghiệp điện tử Việt Nam hiện tại, sự đồng lòng, chung tay góp sức của các chuyên gia từ thung lũng Silicon sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của Điện tử của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đó chính là những lý do chính yếu thôi thúc Điện Quang, Xelex cùng cộng đồng điện tử và vi mạch hợp tác với nhau để đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo bảng mạch điện tử, linh kiện vi mạch bán dẫn. Hội thảo lần này sẽ quy tụ các chuyên gia hàng đầu là người Việt Nam tại Mỹ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo; các đại diện của các Bộ, ban, ngành và các cơ quan Nhà nước; các trường Đại học danh tiếng tại Việt Nam; các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành công nghiệp Điện - Điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ,… Tại đây, các chuyên gia sẽ cùng tham gia thảo luận, trao đổi về thực trạng ngành công nghiệp Điện tử và Vi mạch Việt Nam, từ đó đề xuất phương thức phát triển đúng hướng, đồng bộ và bền vững cho ngành. Ngoài ra, các vấn đề liên quan mật thiết đến nghiên cứu và chế tạo chip như Trí tuệ Nhân tạo, làm chủ thiết kế Chip AI/Chip nhớ,... cũng sẽ được các chuyên gia trình bày cụ thể.
Nắm bắt được xu hướng phát triển chung, Điện Quang đã đầu tư các dây chuyền đóng gói chip LED, dây chuyền SMT dán chip và sản xuất driver - board mạch, dây chuyền lắp ráp tự động đèn LED các loại, thiết bị phòng thử nghiệm tiên tiến, tự động hóa cao từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức. Với tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm một năm, Điện Quang đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất chip LED, thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm. Điện Quang đã và đang nỗ lực mang đến những giải pháp công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt bằng chính các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Xelex là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các dòng máy tính bảng, laptop và máy server mang thương hiệu Việt nam. Đây là công ty duy nhất tại Việt nam tính đến nay làm chủ được toàn bộ công nghệ thiết kế, quy trình sản xuất và quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chất lượng quốc tế. Đặc biệt, Xelex còn nằm trong top 5 công ty trên thế giới được Tập đoàn Intel công nhận có khả năng thiết kế dòng máy tính cao cấp chạy trên nền tảng hệ Chip mới nhất của Intel (Hãng HP, Dell, Acer, Lenovo, Xelex). |
Bích Thủy