Chung tay phát triển Trí tuệ nhân tạo Việt Nam
Tham dự Hội thảo có ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 (AI4VietNam 2018) còn quy tụ hơn 100 các chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI trong nhiều lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng,...), các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và thế giới.
Hội thảo hướng tới việc chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của KH&CN và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu; đồng thời, tạo kết nối, trao đổi, định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam; thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong các ngành, lĩnh vực KH&CN hàng đầu. Đồng thời, xây dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công nghệ trong nước, tham gia góp phần xây dựng các định hướng nghiên cứu, ứng dụng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu quan tâm đến trí tuệ nhân tạo, CMCN 4.0 thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi chúng ta phải giải quyết các vấn đề: Việt Nam tận dụng cơ hội này như thế nào để vươn lên? Thực sự Việt Nam có thể làm gì trước xu thế trí tuệ nhân tạo? Hơn lúc nào hết, những người làm về trí tuệ nhân tạo đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra các đề án, chính sách ủng hộ việc phát triển AI, tiêu biểu là Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. AI Việt Nam 2018 chính là cơ hội để kết nối, hội tụ, định hướng chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung và nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam”.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ hình thành đội ngũ nghiên cứu về AI hoạt động theo 05 nhóm: định hướng chiến lược; thị trường; xây dựng và xử lý dữ liệu; triển khai ứng dụng và đào tạo, nghiên cứu cơ bản.
AI4 VietNam 2018 diễn ra với 2 phiên chính. Phiên 1 với 02 tham luận quan trọng “Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI” do TS. Lê Viết Quốc, Google Brain, Mỹ trình bày. Theo đó, Google Brain (dịch vụ dịch thuật, chuyển giọng nói thành text), xe tự lái và ứng dụng trong lĩnh vực y tế là những thành tựu AI nổi bật nhất. Ông cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực AI, khoa học máy tính và khoa học máy tính dựa trên dữ liệu. Các chiến lược đầu tư cần lâu dài và phối hợp mật thiết giữa giới khoa học hàn lâm, doanh nghiệp và chính phủ. Tham luận “Báo cáo hiện trạng về Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam” của GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khái quát về tình hình nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam. Qua đó, phân tích lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực AI: nguồn nhân lực chi phí rẻ, nền tảng toán học tốt, có sự đầu tư từ nhiều phía và nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn các thách thức: thiếu các công ty AI, thiếu kiến trúc sư trưởng, chưa có cơ sở hạ tầng tính toán mạnh, chưa có sự đầu tư ổn định và tầm nhìn dài hạn, các nghiên cứu còn chưa có tính thực tiễn cao.
Toàn cảnh Hội thảo
Phiên 2 là phiên thảo luận mở dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng 4 chuyên gia GS.TS Nguyễn Thanh Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Lê Viết Quốc và TS. Bùi Hải Hưng (Google), TS. Vũ Duy Thức (Ohmnilabs).
Khác biệt so với các Hội thảo khác, tại AI4 VietNam 2018 các đại biểu tham dự được định hướng phần thảo luận và tham gia trả lời các câu hỏi, như: Làm thế nào để phát triển AI tại Việt Nam? Những lĩnh vực mũi nhọn của AI mà Việt Nam nên ưu tiên tập trung? Nên phát triển những sản phẩm AI gì với môi trường Việt Nam? Bạn sẵn sàng tham gia với vai trò gì để phát triển cộng đồng AI ở Việt Nam?... Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tham dự Hội thảo đã được Thứ trưởng ghi nhận. Đây chính là cơ sở để kiến thiết môi trường AI cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thảo Uyên