Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Hiệp hội Internet Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, các thành viên của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia....
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội đối thoại trực tiếp và thẳng thắn giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng toàn thể các phần tử cấu thành hệ sinh thái Internet trong nước để khắc phục những tồn tại cố hữu trong công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam thời gian qua, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện Giai đoạn III – giai đoạn cuối của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: Năm 2015 vừa qua, công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tiếp tục được quan tâm và triển khai tích cực với các hoạt động và kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là việc hoàn thành Giai đoạn II chính thức bước sang Giai đoạn III của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Tuy nhiên trước thách thức về vấn đề cạn kiệt IPv4 và yêu cầu chuyển đổi sang IPv6, đáp ứng nhu cầu bùng nổ trên Internet, từ 6/5/2008, Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, đón đầu và khởi đầu cho việc thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.
Tiếp đó, vào năm 2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được thành lập và đã trở thành nhân tố tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi IPv6. Từ năm 2012, ngày 6/5 hàng năm đã được Bộ TT&TT chính thức quyết định lựa chọn là “Ngày IPv6 Việt Nam” để huy động toàn bộ cộng đồng các doanh nghiệp cũng như cộng đồng người sử dụng Internet vào cuộc thúc đẩy chuyển đổi IPv4/ IPv6.
Từ đó đến nay, hàng loạt các sự kiện lớn về IPv6 đã được triển khai, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã được ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ trên cả nước làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề IPv6 cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam đi đúng hướng, có lộ trình rõ ràng.
Hiện nay, xu hướng công nghệ Internet của vạn vật (IoT) đã trở thành hiện thực và sẽ sớm phát triển bùng nổ tại Việt Nam, khi đó nhu cầu sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 sẽ ngày càng bức thiết. Thời điểm 2016-2020 là giai đoạn cốt lõi để phát triển cung cấp các dịch vụ trên nền IPv6 đến người sử dụng và khi đó, lưu lượng Internet trên nền IPv6 sẽ tăng. Một trong những giải pháp đã được Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia họp và thống nhất là phải tạo thành một hệ sinh thái bền vững giữa các nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cũng như các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng CNTT có ứng dụng IPv6. Chỉ khi nào chúng ta tạo được hệ sinh thái thì lưu lượng IPv6 mới tăng lên.
Bộ TT&TT và Ban Công tác đã quyết định sẽ tổng rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, tất cả các cơ chế chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp để hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ trên nền IPv6; trên cơ sở đó sẽ ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng lưu lượng IPv6 trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo còn diễn ra phiên tọa đàm thảo luận về các vấn đề: Cung cấp dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6; IPv6 với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số; Triển khai IPv6 trên tầm nhìn của doanh nghiệp ICT lớn.