Trung Quốc xây dựng chính phủ số
Các giai đoạn phát triển chính phủ số của Trung Quốc
Quá trình Trung Quốc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của chính phủ chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn công nghệ thông tin hóa (từ thập kỷ 70 (thế kỷ 20) đến năm 2002): đây là giai đoạn tận dụng khả năng tính toán của máy tính để ứng dụng vào một số công việc hành chính, trong giai đoạn này chưa có khái niệm về chính phủ điện tử.
Giai đoạn chính phủ điện tử (2002 - 2017): xây dựng tự động hóa văn phòng, các hoạt động nghiệp vụ của chính phủ, chủ yếu là ngoại tuyến, dữ liệu đóng vai trò thứ yếu; nổi bật trong giai đoạn này là chiến lược “Internet + dịch vụ chính phủ”, thông qua chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, các cấp và các khu vực; chính phủ thúc đẩy giải quyết các vấn đề trực tuyến, dựa vào luồng dữ liệu để cải tiến quy trình xử lý công việc. Khái niệm “Internet + dịch vụ chính phủ” được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất trong Báo cáo công tác chính phủ 2016. Cuối năm 2017, chính quyền các tỉnh và các bộ ngành trung ương xây dựng nền tảng chính phủ trực tuyến.
Giai đoạn chính phủ số (từ 2018 đến nay): Năm 2018, tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc công bố quy hoạch xây dựng chính phủ số của tỉnh, từ đó lan tỏa ra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác trong cả nước. Giai đoạn này có các đặc điểm chính sau:
Một là, lấy người dùng làm trung tâm: chính phủ số hướng tới việc người dân hạn chế đi lại, giảm chi phí giao dịch;
Hai là, xu hướng lấy dữ liệu là nền tảng: chính phủ sử dụng dữ liệu để đối thoại, ra quyết định và dẫn dắt cải cách về mọi mặt;
Ba là, phối hợp tổng thể: phá vỡ mô hình phân khúc trước đây, xây dựng chính phủ kết nối từ trên xuống dưới, tích hợp hoạt động trong nội bộ của chính phủ với các dịch vụ bên ngoài, triển khai dịch vụ hợp tác xuyên cấp, xuyên khu vực, giữa các đơn vị, doanh nghiệp thông qua tích hợp công nghệ và dữ liệu;
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông minh: mở rộng các dịch vụ của chính phủ tới thiết bị đầu cuối di động, đảm bảo các dịch vụ của chính phủ trở nên phổ biến đối với người dân từ đó chính phủ sẽ chuyển các công việc từ truyền thống sang hình thức chính phủ trực tuyến.
Các kết quả đạt được của Trung Quốc trong thời gian qua
Chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình và chiến lược phát triển mang tính tổng thể. Do đó, Trung Quốc coi giai đoạn 2018 - 2020 là bước khởi động và giai đoạn 2021 - 2025 là bước tăng tốc trong xây dựng chính phủ số. Những kết quả mà Trung Quốc đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020) làm nền tảng để nước này đẩy mạnh triển khai chính phủ số trong các năm tiếp theo, cụ thể:
Một là, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về quy mô xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin trên các tiêu chí như mạng cáp quang và mạng 4G, tốc độ và quy mô xây dựng mạng 5G, số lượng tên miền quốc gia; ngoài ra tỷ lệ hộ gia đình kết nối băng thông rộng cố định chiếm tới 96%, tỷ lệ người dùng kết nối băng thông rộng di động chiếm 108%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ thôn, bản nghèo sử dụng cáp quang và 4G là hơn 98%; số lượng người dùng IPv6 đạt 462 triệu; hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Beidou-3 đã được đưa vào hoạt động với độ chính xác dưới 10 mét.
Hai là, khả năng đổi mới công nghệ được cải thiện đáng kể. Năm 2020, Trung Quốc xếp hạng thứ 14 toàn cầu, đạt được thành tựu lớn trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo, tính toán hiệu năng cao và điện toán lượng tử. Năm 2019, Trung Quốc đã trở thành nước có bằng sáng chế lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực 5G, blockchain, trí tuệ nhân tạo; hệ điều hành do Trung Quốc làm chủ lần lượt được ra mắt; nhận dạng giọng nói thông minh, điện toán đám mây và một số lĩnh vực cơ sở dữ liệu có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Ba là, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số, năm 2020 chiếm 7,8% GDP. Nền kinh tế số của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, kinh doanh phần mềm chiếm 8,16 nghìn tỷ NDT, doanh thu kinh doanh sản xuất máy tính, truyền thông và thiết bị điện tử khác tăng lên 11 nghìn tỷ NDT, giao dịch thương mại điện tử tăng lên 37,2 nghìn tỷ NDT, quy mô tiêu thụ thông tin tăng lên 5,8 nghìn tỷ NDT.
Bốn là, công cuộc phổ cập thông tin cho nhân dân đạt mức cao, người dân sử dụng mạng Internet đạt 1 tỷ người, chiếm 70,4% dân số (năm 2020). Bên cạnh đó, tỷ lệ truy cập Internet các trường học đạt 100%; "Internet + sức khỏe y tế" đã giảm bớt khó khăn cho người dân trong việc gặp bác sĩ, 360 triệu thẻ an sinh xã hội điện tử đã được cấp.
Năm là, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 tăng lên thứ xếp hạng 45 trên toàn cầu; nền tảng dịch vụ tích hợp về cơ bản đã được hoàn thành; tỷ lệ cấp phép hành chính trực tuyến một cửa đạt 82,13% với thời gian giảm 40%.
Sáu là, hệ thống pháp luật liên quan đến công nghệ số được quan tâm xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ số. Luật An ninh mạng, Luật Thương mại điện tử, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Luật Bảo mật dữ liệu được ban hành, làm cơ sở triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bảo đảm lợi ích chung của xã hội, quyền và lợi ích của người dùng. Cạnh tranh trên thị trường số từng bước được nâng cao, tội phạm mạng bị trấn áp, môi trường kinh doanh số được tối ưu hóa; quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường bảo vệ, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Bảy là, kết quả ứng dụng kỹ thuật số đã giúp chiến thắng đại dịch COVID-19 và định hướng sử dụng dữ liệu lớn vào phát triển dịch vụ số của chính phủ.
Quy hoạch phát triển chính phủ số 2021 - 2025, tầm nhìn 2035
Tại kỳ họp thứ IV Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ XIII của Trung Quốc (tháng 3/2021) đã công bố “Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội Trung Quốc 5 năm lần thứ 14”, trong đó dành 01 chương (chương 17) về phát triển chính phủ số. Kế hoạch nêu rõ: “Công nghệ số sẽ được sử dụng rộng rãi trong các dịch vụ quản lý của chính phủ, thúc đẩy tái cấu trúc quy trình và tối ưu hóa mô hình quản lý, nâng cao tính khoa học trong việc ra quyết định, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính phủ”.
Quy hoạch chính phủ số gồm ba nội dung:
- Xây dựng, kiện toàn các hệ thống dữ liệu số dùng chung quốc gia: đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả và an toàn; tăng cường trao đổi, chia sẻ các dữ liệu cơ bản như hộ khẩu, nhân khẩu, địa lý không gian,..; xây dựng cổng thông tin quốc gia một cửa thống nhất, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như quản lý doanh nghiệp, y tế, giao thông, khí tượng,...
- Đẩy mạnh thông tin hóa chính phủ, cùng xây dựng, cùng khai thác: xây dựng kế hoạch tổng thể về tin học hóa chính phủ; chi tiết các dự án tin học hóa; xây dựng các hệ thống thông tin quan trọng như: pháp quyền, điều hành kinh tế, giám sát thị trường, an ninh công cộng, môi trường sinh thái...; nâng cao năng lực phối hợp quản lý giữa các bộ ban ngành; hoàn thiện mạng chính phủ điện tử (mạng Internet của chính phủ); tập trung xây dựng nền tảng đám mây và trung tâm dữ liệu chính phủ, đẩy mạnh việc dịch chuyển lên đám mây.
- Nâng cao hiệu quả các dịch vụ số hóa của chính phủ: thúc đẩy toàn diện việc số hóa và thông minh hóa quy trình nghiệp vụ và mô hình phục vụ của chính phủ; làm sâu sắc thêm chiến lược "Internet + dịch vụ chính phủ", nâng cao chức năng các nền tảng trực tuyến theo hướng thống nhất quy trình; đẩy mạnh xây dựng cơ chế ra quyết định của chính phủ với sự hỗ trợ của công nghệ số; nâng cao mức độ giám sát, dự báo và cảnh báo sớm dựa trên dữ liệu lớn; tăng cường sử dụng công nghệ số trong ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Từ chiến lược phát triển chính phủ số của trung ương, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã ban hành kế hoạch xây dựng chính phủ số phù hợp với đặc thù của địa phương, trong đó nhấn mạnh sáu yếu tố quan trọng trong phát triển chính phủ số, cụ thể:
Một là, Tập trung tài nguyên để phá vỡ “đảo thông tin”: Xây dựng hạ tầng chính phủ số là cơ sở để chính phủ số phát huy hiệu quả lâu dài, bao gồm: Xây dựng nền tảng đám mây của chính phủ giúp tích hợp của các nguồn tài nguyên không đồng nhất, tăng cường quản lý và kết nối nền tảng đám mây của các bộ ngành; Xây dựng mạng chính phủ đảm bảo chính phủ số hoạt động tin cậy; Xây dựng nền tảng nhận thức, cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, chính xác giúp chính phủ nâng cao khả năng nhận thức và giám sát toàn diện, tức thời gồm nhận thức video, nhận thức IoT, viễn thám, vệ tinh…; Xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu, tạo ra các hệ thống hội tụ, thúc đẩy bên thứ ba khai phá dữ liệu.
Hai là, Trao quyền cho công nghệ, nâng cao năng lực "quản lý thông minh" của chính phủ. Trí tuệ nhân tạo là cơ sở để hình thành chính phủ thông minh, kết hợp với công nghệ dữ liệu lớn để mở rộng phạm vi “hỗ trợ thông minh” trong các lĩnh vực như an ninh trật tự, giao thông vận tải, khí tượng,...; công nghệ chuỗi khối (blockchain) cung cấp kỹ thuật cho ứng dụng con dấu điện tử, truy xuất nguồn gốc thực phẩm,…; kỹ thuật điện toán gốc đám mây (kỹ thuật Cloud-Native là một cách tiếp cận trong xây dựng và vận hành các ứng dụng khai thác ưu điểm của mô hình điện toán đám mây) giúp xây dựng các hệ thống phần mềm nghiệp vụ của chính phủ linh hoạt, mở rộng, tin cậy cao.
Ba là, Xây dựng các nền tảng vững chắc giúp chính phủ nâng cao chất lượng và hiệu quả: Nền tảng phải được chính phủ quy hoạch để tạo thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công và ứng dụng nghiệp vụ ở các cấp. Các dịch vụ như xác thực một lần, chứng thư số, chữ ký số, mã hóa thông tin,... giúp cải thiện hiệu quả phục vụ của chính phủ, tăng sự hài lòng của xã hội. Dịch vụ thanh toán hợp nhất tích hợp các kênh thanh toán trực tuyến, cung cấp cho người dùng các dịch vụ thanh toán an toàn, thống nhất và thuận tiện; nền tảng thông tin địa lý tích hợp và chia sẻ dữ liệu về không gian, địa lý phục vụ các lĩnh vực như quản lý xã hội, tài nguyên, ứng cứu khẩn cấp, bảo vệ môi trường; nền tảng tín dụng xã hội tích hợp thông tin tín dụng liên bộ phận, xuyên ngành, xuyên khu vực, công khai điểm tín dụng, hình thành xã hội thông tin tín dụng với sự tham gia của tất cả các bên (Hệ thống tín dụng xã hội (Social Credit System) hay còn gọi là hệ thống chấm điểm công dân, bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ năm 2014).
Bốn là, Các ứng dụng nghiệp vụ nâng cao hiệu quả quản lý của chính phủ. Các ứng dụng nghiệp vụ chia ra làm ba nhóm: nhóm ứng dụng phục vụ, cung cấp cho người dân và doanh nghiệp nền tảng dịch vụ trực tuyến đa phương thức, đa kênh, nâng cao hiệu quả tiếp cận các dịch vụ chính phủ của người dân; nhóm ứng dụng hỗ trợ chính phủ ra quyết định, tích hợp thông tin từ nhiều nguồn, cung cấp dữ liệu lớn, nâng cao năng lực giám sát và phân tích thông tin, nâng cao năng lực quản lý của chính phủ trong tình hình mới; nhóm ứng dụng quản lý xã hội, thúc đẩy chuyển đổi phương thức quản lý từ cục bộ sang tổng thể, từ thụ động sang chủ động; tích hợp sâu rộng công nghệ vào quản trị xã hội; ứng dụng trong lĩnh vực như an ninh trật tự, an sinh xã hội, quản lý khẩn cấp, giao thông vận tải,...
Năm là, Quy chuẩn vận hành, thúc đẩy chính phủ số phát triển lâu dài. Để chính phủ số phát huy hiệu quả lâu dài cần hoàn thiện, chuẩn hóa cơ chế vận hành, từ đó nâng cao năng lực giám sát các bộ phận trong hệ thống chính trị. Việc chuẩn hóa vận hành cần phải có các đơn vị chuyên trách, tập trung các chuyên gia có kinh nghiệm trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ban hành các bộ chỉ số làm cơ sở để đánh giá quá trình chuyển đổi số.
Sáu là, Đảm bảo an ninh an toàn. Không ngừng cải tiến cơ chế quản lý bảo mật, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng; thiết lập cơ chế quản lý an toàn với quyền và trách nhiệm rõ ràng; thiết kế bảo mật nhiều lớp, phân vùng bảo vệ từ lớp vật lý, an ninh mạng, bảo mật máy chủ, bảo mật dữ liệu, bảo mật ứng dụng; triển khai giám sát an ninh, phân tích tình huống, cơ chế dự báo sớm và xử lý sự cố; tăng cường bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, truy xuất nguồn gốc dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Đề xuất với Việt Nam
Tháng 6/2021, Chính phủ Việt Nam ban hành “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược). Do đó, giai đoạn 2021 - 2025 là thời gian gấp rút để hoàn thành xây dựng chính phủ điện tử, là cơ sở để phát triển chính phủ số, tuy nhiên thực tế đặt ra còn nhiều thách thức cần phải khắc phục như: Việc xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phát triển còn chậm; quá trình chuyển đổi số tại một số cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp còn chưa đạt yêu cầu, thiếu đồng đều, chưa theo kịp xu thế; một số hệ thống thông tin chưa đảm bảo yếu tố bảo mật, an ninh an toàn; chưa hoàn thiện cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên ngành, liên tỉnh,…
Để triển khai thành công Chiến lược về xây dựng chính phủ điện tử, Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số của các nước, trong đó có Trung Quốc, cụ thể tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý triển khai xây dựng Chính phủ số, chú trọng nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng.
Hai là, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia trên từng lĩnh vực, sớm hình thành kho dữ liệu chung kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương để phân tích, xử lý tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ nhu cầu tìm kiếm, khai thác của người dân, doanh nghiệp.
Ba là, nghiên cứu, phát triển các dịch vụ công trực tuyến/ứng dụng trên điện thoại di động quy mô quốc gia và địa phương phù hợp với nhu cầu của người dân; hình thành các kênh tương tác để người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến, giám sát hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước.
Bốn là, chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng ứng dụng các công nghệ thông minh vào quá trình chuyển đổi số như thành phố thông minh, dữ liệu lớn, điện toán đám mây,… và đặc biệt là các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng với định hướng lấy người dân làm trung tâm.
Năm là, phân bổ nguồn nhân lực, điều chỉnh cơ cấu nhân viên, tổ chức đội ngũ cán bộ có kiến thức về kỹ thuật số để làm chìa khóa cho quá trình chuyển đổi số của chính phủ; ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và chỉ số hoạt động làm cơ sở cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả xây dựng chính phủ số trên cả nước; từng bước hình thành “văn hóa kỹ thuật số” trong hoạt động của chính phủ.
Nguyễn Liệu