Nâng cao nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dùng về lừa đảo trực tuyến
Công cụ trắc nghiệm về lừa đảo qua mạng do Google phối hợp cùng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam xây dựng
Song song với việc tạo ra các sản phẩm an toàn, Google phối hợp cùng NCSC ra mắt bộ trắc nghiệm về tấn công giả mạo (Phishing Quiz). Đây là bài trắc nghiệm kiểm tra mức độ nhận biết của người dùng về các hình thức lừa đảo trên trang web của Trung tâm NCSC bao gồm 8 câu hỏi mô phỏng một số tình huống lừa đảo qua email rất thực tế mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải và mắc bẫy.
Đầu tiên là tình huống với email có đường liên kết. Lời khuyên là người dùng cần kiểm tra các đường URL, bởi nhiều URL trông có vẻ chính xác nhưng thực ra lại là các đường link lừa đảo, hướng người dùng đến các trang web giả mạo yêu cầu nhập các thông tin nhạy cảm.
Tình huống đáng chú ý tiếp theo đó là báo cáo về hoạt động tài chính của nhà trường gửi cho các giáo viên. Trong đó, do email thực của người gửi có đuôi @nma.edu.vn nên tin tặc đã tạo một địa chỉ email tương tự có đuôi @nmaedu, để đánh lừa người dùng tải file đính kèm. NCSC lý giải, các tệp PDF có thể chứa phần mềm độc hại hoặc virus, vì vậy hãy luôn chắc chắn rằng tin tưởng người gửi và sử dụng trình duyệt của mình hoặc một dịch vụ trực tuyến như Google Drive để mở các tệp đó một cách an toàn.
Thông qua trắc nghiệm về tấn công giả mạo, Google và NCSC giúp người dùng trang bị kiến thức và nâng cao cảnh giác trước những email lạ được gửi đến, bảo vệ an toàn tài khoản người dùng khỏi kẻ gian trên môi trường Internet. Người dùng Việt Nam có thể truy cập vào địa chỉ https://congcu.khonggianmang.vn/phishing-quiz để thực hiện bài kiểm tra và nâng cao kiến thức, cảnh giác trước những email lừa đảo.
Theo số liệu của Cục ATTT, trong hơn 3 năm trở lại đây, số vụ tấn công lừa đảo luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố, với tỷ lệ năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 58%, 61% và gần 35%. Trong quý 1/2021, số cuộc tấn cống lừa đảo vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 449, chiếm trên 35%.
Do đó, NCSC khẳng định, để ngăn chặn và phòng chống lừa đảo bằng cách giả mạo email thì giải pháp hữu hiệu nhất lại phụ thuộc vào khả năng người dùng có thể phát hiện, nhận biết được email giả mạo, lừa đảo hay không. Bởi vậy, Trung tâm đã cung cấp một loạt giải pháp kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn việc đảm bảo an toàn thông tin khi làm việc từ xa cho các cơ quan, tổ chức và người dùng cá nhân; đồng thời đưa ra một số gợi ý giúp người dùng phát hiện email giả mạo, lừa đảo.
Cụ thể, các chuyên gia NCSC khuyến nghị, người dùng không nên tin tưởng tên hiển thị trong email. Bởi lẽ, chiến thuật lừa đảo yêu thích của nhiều tin tặc là giả mạo tên hiển thị email để đánh lừa người nhận. Các tên hiển thị hay được giả mạo như tên của các công ty, tổ chức, hãng lớn, người quen của bạn, người nổi tiếng…
Người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi bấm vào bất cứ liên kết (link) nào được gửi trong nội dung email vì link đó có thể dẫn họ tới website lừa đảo giả mạo, quảng cáo hay một website độc hại mà tin tặc dựng lên để tấn công.
Người dùng nên bỏ qua các email yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí là cần hạn chế tối đa, cân nhắc cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức nào; cẩn trọng với các email có tiêu đề nhạy cảm, khẩn cấp. Đây là chiêu thức mà tin tặc thường xuyên sử dụng để đánh vào tâm lý tò mò nhằm lừa người dùng.
Bích Thủy