Mỹ đưa ra yêu cầu dán nhãn cảnh báo trên mạng xã hội
Ông Vivek Murthy cho rằng việc gắn một nhãn cảnh báo có thể nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dùng tương tự như khi áp dụng với đồ uống có cồn và thuốc lá. Nhãn cảnh báo này sẽ nhắc nhở các bậc phụ huynh và thanh thiếu niên về những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần, từ đó khuyến khích việc sử dụng có trách nhiệm hơn.
Theo một nghiên cứu của tạp chí y khoa JAMA, thanh thiếu niên 12 - 15 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày, có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp đôi so với những người không sử dụng.
Nhiều người dân và các nhà lập pháp tại Mỹ từ lâu đã cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, TikTok và Snapchat có ảnh hưởng gây hại đối với trẻ em, bao gồm việc giảm khả năng tập trung chú ý, quảng bá hình ảnh cơ thể tiêu cực và khiến chúng dễ bị bắt nạt, trở thành đối tượng của những kẻ săn mồi trực tuyến.
Tiến sĩ Robert Marvin, bác sĩ ngành Tâm thần tại Mỹ, cho biết: “Chúng ta cần một cộng đồng, cần một quyết định chính sách hoặc một giải pháp tối ưu vì sẽ cần sự chung tay của rất nhiều người để thực hiện sự thay đổi này”.
Một số bang của Mỹ đang nỗ lực thông qua luật bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại của mạng xã hội. Đơn cử như các nhà lập pháp bang New York trong tháng này đã thông qua luật cấm các nền tảng truyền thông xã hội sử dụng các thuật toán gây nghiện cho người dùng dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh.
Hồi đầu năm nay, bang Florida đã ký một dự luật cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu trẻ 14 và 15 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ nếu muốn dùng.
Năm 2023, Utah trở thành bang đầu tiên của Mỹ áp dụng luật quản lý quyền truy cập của trẻ em vào mạng xã hội, theo sau là các bang Arkansas, Louisiana, Ohio và Texas.
P.T (Tổng hợp)