Góc nhìn từ chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ và hàm ý với Trung Quốc
Xét về xu hướng chính sách, có thể thấy đường lối cụ thể mà chính quyền Joe Biden áp dụng là chiến lược “vừa cứng vừa mềm”, “vừa tấn công vừa phòng thủ”, trong đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao sức mạnh cứng của Hoa Kỳ. Chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hoạch định các quy tắc quốc tế và hợp tác quốc tế đối với sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trong lời mở đầu của Chiến lược, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, “thế giới ngày nay cần sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Để củng cố trí thống trị của Hoa Kỳ trong không gian mạng, Chiến lược đưa ra 03 phương hướng lớn (tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao khả năng răn đe bằng công nghệ và đẩy nhanh việc xây dựng các quy tắc quốc tế), đề xuất 09 ưu tiên chính sách trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng một cách toàn diện
Chiến lược An ninh Quốc gia do chính quyền Obama công bố năm 2010 đã đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thiết lập các quy tắc và quy định trong không gian mạng, luật pháp về tội phạm mạng, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu và phản ứng tập thể đối với các cuộc tấn công mạng. Hợp tác quốc tế về an ninh mạng do chính quyền Joe Biden đề xuất tiếp tục hoàn thiện con đường và phương thức hợp tác quốc tế dựa trên chính sách do chính quyền Obama đề xuất. Các biện pháp chính như sau:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh để phát triển các tiêu chuẩn cho cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm tăng khả năng phục hồi không gian mạng và xây dựng khả năng phòng thủ tập thể để nhanh chóng ứng phó với các cuộc tấn công mạng.
Thứ hai, xây dựng quan hệ đối tác sáng tạo để mở rộng hợp tác thực thi pháp luật trong không gian mạng, hợp tác cùng chống lại tội phạm mạng và các hoạt động rửa tiền trực tuyến để đối phó với các cuộc tấn công phá hoại từ bọn tội phạm.
Thứ ba, đẩy nhanh việc xây dựng các tiêu chuẩn về không gian mạng để giảm thiểu các mối đe dọa mạng và tăng cường sự ổn định của không gian mạng. Mục tiêu là ngăn chặn các cuộc tấn công mạng từ các tổ chức nhà nước và phi nhà nước, đồng thời sẽ sử dụng tất cả các công cụ thích hợp của nhà nước để đáp trả một cách dứt khoát các hành vi thù địch trong không gian mạng, bao gồm cả những cuộc tấn công phá vỡ hoặc làm suy yếu các chức năng quan trọng của nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy khuôn khổ về hành vi có trách nhiệm của nhà nước trên không gian mạng trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, từ đó thúc đẩy việc thực hiện một bộ quy tắc ứng xử rộng rãi cho các quốc gia.
Cải thiện khả năng răn đe kỹ thuật
Chiến lược đã đề xuất khái niệm "răn đe tổng hợp" (Integrated deterrence), đòi hỏi Hoa Kỳ phải có năng lực răn đe trên nhiều lĩnh vực, bao gồm 5 lĩnh vực hoạt động quân sự là đất liền, trên biển, trên không, không gian và không gian mạng. Để đạt được khả năng răn đe toàn diện như vậy, chính quyền Joe Biden một mặt đã tăng cường đầu tư vào các công nghệ mới nổi, đồng thời đẩy nhanh việc tích hợp các công nghệ quân sự và phi quân sự. Cụ thể là:
Đầu tiên, đầu tư vào một loạt công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quân sự, bao gồm nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực không gian và không gian mạng, năng lực tấn công tên lửa đạn đạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống lượng tử, đồng thời triển khai các công nghệ và khả năng tiên tiến này cho các chiến trường một cách kịp thời.
Thứ hai, tích hợp lĩnh vực quân sự (bao gồm cả không gian mạng) với lĩnh vực phi quân sự (bao gồm cả thông tin và công nghệ) để thực hiện khả năng răn đe toàn diện.
Thứ ba, thông qua công nghệ truy xuất nguồn gốc để tăng cường khả năng phòng thủ và cải thiện khả năng phục hồi an ninh mạng. Nghĩa là thông qua theo dõi, truy nguyên và ngăn chặn các tác nhân độc hại trong không gian mạng để bảo vệ các tài sản quan trọng và tăng cường khả năng phục hồi an ninh mạng.
Hai chính sách đầu tiên tập trung vào tăng cường đầu tư công nghệ và là các biện pháp tích cực nâng cao khả năng răn đe, trong khi chính sách thứ ba là biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng và khả năng phục hồi, nhằm loại bỏ những lo ngại về các mối đe dọa.
Xây dựng các quy tắc quốc tế
Chiến lược lần này có nhiều điểm tương đồng so với phiên bản do chính quyền Obama công bố năm 2010. Ngoài việc nhấn mạnh vào hợp tác quốc tế, nó còn nêu bật việc theo đuổi việc “xây dựng các quy tắc”. Cụ thể:
Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ cập nhật và định hình các quy tắc quốc tế trong các lĩnh vực bao gồm công nghệ mới nổi, không gian mạng, kinh tế, thương mại toàn cầu….
Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tăng cường hơn nữa ngoại giao không gian mạng, tập trung vào các công nghệ mới nổi và cung cấp các dịch vụ an ninh mạng toàn diện hơn từ Bộ An ninh nội địa. Đánh giá từ các định hướng và ưu tiên chính sách nêu trên, chiến lược của Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh mạng là "cả đối nội và đối ngoại", "cả cứng và mềm". Chiến lược không chỉ tập trung vào quản trị an ninh mạng trong nước, mà còn theo đuổi sự thống trị trong các vấn đề an ninh mạng quốc tế. Đồng thời, cố gắng xây dựng một trật tự quốc tế trong không gian mạng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cho rằng môi trường không gian mạng hiện nay rất phức tạp và cạnh tranh khốc liệt. Để đảm bảo an ninh mạng của mình và đi đầu trong các cạnh tranh quốc tế, chính quyền Joe Biden đã áp dụng một chiến lược kết hợp "đầu tư, liên minh và cạnh tranh" (được đề xuất bởi Ngoại trưởng Blinken), tập trung hơn nữa vào thúc đẩy đầu tư công nghệ, xây dựng cơ chế và liên minh khu vực. Cụ thể:
- Mở rộng đầu tư của Hoa Kỳ vào các công nghệ mới nổi. Chiến lược tập trung nhiều vào giải quyết các thách thức trong nước của Hoa Kỳ, nhấn mạnh sự cần thiết phải xóa bỏ sự chia rẽ giữa chính sách đối nội và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tăng cường hơn nữa an ninh chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực chip và các ngành công nghiệp khác, duy trì vị trí dẫn đầu công nghệ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như siêu máy tính, sinh học, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch,…. Với việc thực hiện "Đạo luật về chip và khoa học" (Chips and Science Act), đầu tư của chính phủ liên bang vào phát triển các công nghệ mới nổi cũng sẽ tăng. Cùng với đó, chính sách di dời chuỗi công nghiệp và tách công nghệ khỏi Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của chính phủ liên bang cũng sẽ tiếp tục.
- Nỗ lực hơn nữa trong việc định hình lại các cơ chế quốc tế trong các lĩnh vực như công nghệ, an ninh mạng và thương mại. Chiến lược đề cập đến những thành tựu của chính quyền Biden trong việc thúc đẩy "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" (IPEF), thực hiện sáng kiến "Đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu" (GPII), và xây dựng "Quan hệ Đối tác Châu Mỹ vì sự thịnh vượng kinh tế" (APEP); các cơ chế trên không chỉ liên quan đến thương mại kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thông tin toàn cầu, mà còn là các "dự án tiêu biểu" kể từ khi Joe Biden nhậm chức. Một mặt, các dự án và cơ chế này đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin toàn cầu, mặt khác, chúng hỗ trợ việc xây dựng các quy tắc thương mại kỹ thuật số khu vực. Nếu Đảng Dân chủ vẫn có thể duy trì đa số ghế trong Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, việc thực hiện và thúc đẩy c chế nói trên sẽ được cả Quốc hội và chính phủ ủng hộ.
- Tăng cường liên kết giữa Châu Âu và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, hai hệ thống liên minh quan trọng nhất hiện đang nằm ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ hy vọng sẽ tạo ra một hệ thống liên minh có thể hành động theo cách sáng tạo hơn. Chúng bao gồm hợp tác giữa Hoa Kỳ và Châu Âu trong lĩnh vực dữ liệu xuyên biên giới và thương mại kỹ thuật số, cũng như liên minh mới với Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip.
Ngoài ra, “vòng bạn bè” mà Hoa Kỳ đang cố gắng xây dựng không chỉ bao gồm các lực lượng chính phủ, mà còn chú ý đến việc thu hút các lực lượng tư nhân như doanh nghiệp, truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự để tạo thành một “liên minh công tư” mà vai trò đã được thể hiện trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cần lưu ý rằng khi các trở ngại đối với hợp tác giữa Hoa Kỳ và Châu Âu trong luồng dữ liệu xuyên biên giới dần được loại bỏ, việc tạo ra các quy tắc kỹ thuật số xuyên biên giới rộng lớn hơn sẽ là trọng tâm chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
- Tăng tính linh hoạt của các chính sách ở Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Chính quyền Biden nhận ra rằng sự phân đôi giữa "dân chủ và chủ nghĩa độc tài" khiến nhiều quốc gia trên thế giới không hài lòng, từ đó sẽ cản trở việc xây dựng một liên minh quốc tế có thể chiến thắng Trung Quốc. Chiến lược đề xuất rằng Hoa Kỳ sẽ không chỉ nhìn thế giới từ lăng kính cạnh tranh chiến lược, mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đáp ứng các nhu cầu kinh tế và phát triển của các nước đối tác liên quan để đảm bảo rằng họ vẫn có thể duy trì quyền tự chủ của mình khi đối mặt với Trung Quốc.
Công thức này, ở một mức độ nhất định, có thể làm giảm bớt sự xung đột của các nước trong khu vực khi đối diện với mâu thuẫn Mỹ - Trung. Tuy nhiên, xét về hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, Hoa Kỳ sẽ không ngừng tay trong việc loại trừ một cách có hệ thống các công nghệ độc lập và các sản phẩm tự phát triển của Trung Quốc.
Hàm ý đối với Trung Quốc
Về bản chất, chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Joe Biden vẫn bị chi phối bởi sự cạnh tranh giữa các quốc gia, với xuất phát điểm cơ bản là duy trì và tiếp nối lợi thế của Hoa Kỳ trong lĩnh vực không gian mạng. Nhưng khác với chính quyền trước đó, chiến lược an ninh quốc gia này thể hiện tầm quan trọng và sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với hợp tác quốc tế và các cơ chế quốc tế, bao gồm các liên minh và các cơ chế của Liên hợp quốc. Đối với Trung Quốc, Chiến lược này về cơ bản đã phác thảo chính sách cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm tới, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy chính sách tách biệt công nghệ và cô lập dữ liệu khỏi Trung Quốc. Chiến lược nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh lấy dữ liệu của Hoa Kỳ, công nghệ của đồng minh, cố gắng tách biệt Trung Quốc khỏi hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Chiến lược cho biết, Hoa Kỳ cần phải đảm bảo rằng các đối thủ cạnh tranh chiến lược không thể khai thác các công nghệ, dữ liệu của Hoa Kỳ và đồng minh để phá hoại an ninh của Hoa Kỳ và đồng minh; đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực liên kết các đồng minh của mình để chống lại việc sử dụng bất hợp pháp dữ liệu và công nghệ nhạy cảm, bao gồm:
- Thông qua các nỗ lực của Ủy ban Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ - EU nhằm thúc đẩy sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương về các lĩnh vực như chuỗi cung ứng chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng, trí tuệ nhân tạo, thông tin giả, lạm dụng các công nghệ đe dọa an ninh và nhân quyền, kiểm soát xuất khẩu và đánh giá đầu tư.
- Thông qua cơ chế Bộ tứ (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc) về các công nghệ quan trọng và mới nổi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thế hệ tiếp theo. Dựa trên cơ sở này, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ dần dần thu hẹp khoảng cách pháp lý và quy định, tăng cường an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường hợp tác về quyền riêng tư, chia sẻ dữ liệu và thương mại kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ có tính mở và toàn diện, cuối cùng củng cố vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các công nghệ mới nổi.
Thứ hai, củng cố các liên minh của Hoa Kỳ để thúc đẩy quá trình xây dựng quy tắc quốc tế, hạn chế tiếng nói quốc tế và không gian sinh tồn của Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, đề ra các tiêu chuẩn cho cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm tăng chi phí phục hồi không gian mạng của đối thủ, xây dựng năng lực tập thể để phản ứng nhanh với các cuộc tấn công. Ví dụ, "Cơ chế Đối thoại Bộ tứ", "Ủy ban Công nghệ và Thương mại Hoa Kỳ - EU"….
Ngoài ra, trong việc đối phó với tội phạm mạng, Hoa Kỳ sẽ đổi mới quan hệ đối tác, mở rộng hợp tác thực thi pháp luật xuyên quốc gia nhằm trấn áp các tội phạm có nguồn gốc từ mạng. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy Khung ứng xử của quốc gia có trách nhiệm trong Không gian mạng, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, công nhận khả năng áp dụng luật pháp quốc tế trong không gian mạng. Đối với Trung Quốc, con đường quản trị không gian mạng toàn cầu lấy Liên hợp quốc là “sân khấu chính” chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ ba, xây dựng hệ thống kinh tế quốc tế phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, bao gồm tiền tệ kỹ thuật số và hệ thống tài chính quốc tế, thu hẹp cơ hội phát triển kỹ thuật số của Trung Quốc. Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thảo luận về lợi thế của tài sản kỹ thuật số với các đồng minh và dẫn đầu sự phát triển của tài sản kỹ thuật số một cách có trách nhiệm, bao gồm đồng đô la kỹ thuật số và cung cấp các cơ chế bảo vệ tài sản tiêu chuẩn cao, ổn định và an toàn vì lợi ích của nền tài chính Hoa Kỳ và củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này.
Hoa Kỳ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức này cũng sẽ cần tiếp tục phát triển để đáp ứng những thách thức của kỷ nguyên mới, chẳng hạn như thách thức của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế. Ngoài ra, trong phần chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cũng sẽ làm việc với các đối tác khu vực để thúc đẩy các lợi ích chung trong một nền kinh tế có khả năng phục hồi, công bằng, kỹ thuật số và các-bon thấp.
Hoa Kỳ cũng sẽ cố gắng thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng vai trò lãnh đạo trên các lĩnh vực như phát triển khu vực và thương mại kỹ thuật số. Đối với Trung Quốc, hệ thống tài chính toàn cầu và hệ thống thương mại kỹ thuật số đều là xương sống của chiến lược cường quốc kỹ thuật số Trung Quốc. Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong hệ thống toàn cầu chắc chắn sẽ mang lại những hạn chế to lớn cho sự phát triển và hội nhập của Trung Quốc vào các hệ thống nói trên.
Từ việc triển khai các chính sách cụ thể nêu trên thấy rằng, Chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ 2022 của chính quyền Biden tiếp tục tư duy "cạnh tranh nước lớn"; huy động tổng lực sự tham gia của hệ thống liên minh và các cơ chế khu vực trong quá trình triển khai và thực hiện. Đối với Trung Quốc, trong tương lai, nước này sẽ phải đối mặt với một Hoa Kỳ “luôn luôn thù địch” trên mọi lĩnh vực.
Tài liệu tham khảo |
Trần Văn Liệu