Gắn kết đào tạo với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp – Hướng đi phù hợp của chuyên ngành ATTT

17:00 | 27/07/2020 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ Chính phủ Việt Nam đang hướng tới một chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, việc đổi mới phương thức giảng dạy, cách thức tiếp cận người học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực an toàn thông tin trở thành yếu tố then chốt. Vậy hướng đi nào phù hợp với chuyên ngành an toàn thông tin trong tình hình hiện nay?

Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin không chỉ có tầm quan trọng đối với quốc phòng, an ninh mà còn cả trong phát triển kinh tế - xã hội. Sớm nhận thức được vấn đề đó, năm 2004, Học viện Kỹ thuật mật mã (KTMM) đã đề xuất và được Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở chuyên ngành đào tạo an toàn thông tin (ATTT), thuộc ngành công nghệ thông tin, nay là ngành ATTT, đồng thời Khoa An toàn thông tin cũng được thành lập.

Trải qua 15 năm xây dựng, phát triển, hiện nay, để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ Chính phủ Việt Nam đang hướng tới một chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, Khoa ATTT đã mạnh dạn đổi mới từ phương thức giảng dạy, cách thức tiếp cận người học và đặc biệt xác định hướng đi phù hợp cho đơn vị mình đó là: gắn kết đào tạo với nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp.

Gắn kết đào tạo với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục... nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện. Những chỉ dẫn đó không chỉ có giá trị trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục của đất nước thời đó, mà vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay. Theo quan điểm của Bác, giáo dục phải gắn với với mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong từng thời kỳ; nội dung giáo dục toàn diện; học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn.

Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã

Nhận thức được ý nghĩa to lớn của việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác về giáo dục, được tư tưởng của Người chỉ lối, trên cơ sở quán triệt nghiêm túc và thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của các Cấp ủy đảng về việc đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhằm xây dựng một đơn vị vững mạnh, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, gắn liền với việc đẩy mạnh phong trào đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, Khoa ATTT đã triển khai lựa chọn hướng đi cho khoa: “Gắn kết đào tạo với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp”.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, Khoa ATTT đã vươn lên trở thành một Khoa có uy tín của Học viện, một địa chỉ đào tạo uy tín được các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành đánh giá cao, là đơn vị chủ chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ATTT theo Đề án 99 của chính phủ mà Học viện KTMM là 1 trong số 8 trường trọng điểm. Khoa ATTT có chức năng, nhiệm vụ đào tạo Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành ATTT và đào tạo chứng chỉ quốc tế về Công nghệ thông tin - Điện tử viễn thông, An ninh mạng của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco System, Microsoft, EC Council… Có thể kể đến: chứng chỉ CCNA, CCNP, CCNA Security (của Cisco System); MCSA, MCSE, MCITP… (của Microsoft); CEH, Security+ (của EC Council).

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và trên mặt trận công nghệ thông tin, ATTT nói riêng ngày càng được khẳng định rõ rệt và cần thiết. Trên thế giới, hình thức hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp là các trường đại học, trường cao đẳng đã trở nên phổ biến và là tất yếu, đặc biệt ở các nước phát triển như: Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Canada, Mỹ…

Tại Việt Nam, khẩu hiệu “học đi đôi với hành” vốn đã quen thuộc trong mỗi người và cũng là “khẩu hiệu” trong các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, hình thức đào tạo sinh viên chủ yếu vẫn áp dụng theo phương thức truyền thống, tức là nhà trường hay cơ sở đào tạo tự xây dựng chương trình đào tạo, kể cả lý thuyết và thực hành. Sản phẩm là các sinh viên ra trường, được gửi tới các doanh nghiệp để làm việc. Vấn đề đặt ra là mặc dù các sinh viên có kết quả học tập rất xuất sắc nhưng vẫn không đáp ứng ngay được nhu cầu từ phía doanh nghiệp. Nói cách khác là các doanh nghiệp cần đào tạo bổ sung, đào tạo lại đối với sinh viên trước khi sinh viên có cơ hội làm việc chính thức tại doanh nghiệp, tổ chức. 

Có một nghịch lý đang tồn tại giữa giáo dục và nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp đó là: Sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi đó các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân là việc đào tạo trong nhà trường vẫn chưa “gần” với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường thiếu nhiều kỹ năng mềm, nhiều kiến thức thực tế công việc... Để giải quyết bài toán nan giải này, việc nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay” nhau trong việc đào tạo là nhu cầu tất yếu.

Lễ ký Biên bản hợp tác và tiếp nhận phòng thực hành giữa Học viện Kỹ thuật mật mã và Tập đoàn công nghệ Samsung

Trong những năm gần đây, Khoa ATTT - Học viện KTMM đã chủ động đề xuất, tìm kiếm các cơ hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp như Samsung, Misoft, FPT, CMC... nhằm giúp cho sinh viên có cơ hội giao lưu tiếp cận với thực tế. Nhà trường cũng có các thông tin làm cơ sở để thay đổi các chuyên ngành, đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Khoa đã khai trương phòng thực hành và tổ chức lớp học miễn phí với sự tài trợ của Samsung nhằm nâng cao tư duy thuật toán, kỹ năng lập trình ứng dụng cho sinh viên; đưa một số môn học theo nhu cầu đề xuất của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo như: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật nâng cao, Học máy trong ATTT, Lập trình an toàn cho các thiết bị di động... Xây dựng 3 chuyên ngành ATTT chuyên sâu và chương trình Kỹ sư chất lượng cao, bao gồm: An toàn hệ thống thông tin, Kỹ nghệ an toàn mạng, Công nghệ phần mềm an toàn. Ngoài ra sinh viên được tiếp cận các kỹ năng làm việc cho doanh nghiệp thông qua các khóa thực tập ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp, tham quan tại cơ sở doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu thay đổi theo xu hướng chung của thế giới, trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ATTT, năm 2018, Khoa được giao chủ trì thực hiện việc đổi mới chương trình Kỹ sư ATTT với ba chuyên ngành: An toàn hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm an toàn và Kỹ nghệ an toàn mạng, trong đó chuyên ngành Kỹ nghệ an toàn mạng được đào tạo theo định hướng chất lượng cao.

Cùng với các chương trình đã có, Khoa đã xây dựng được nhiều bài giảng, giáo trình cho đào tạo thạc sĩ, đào tạo ngắn hạn và 23 bộ giáo trình cho đào tạo kỹ sư ATTT. Các chương trình, giáo trình được biên soạn, đổi mới theo hướng chú ý đến việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngoài kỹ năng phòng thủ; sinh viên tốt nghiệp ra trường còn có các kỹ năng tác nghiệp an toàn mạng chuyên sâu như: điều tra số, đánh giá và kiểm thử an toàn thông tin, khai thác lỗ hổng phần mềm và phân tích mã độc. Đây chính là hành trang để sinh viên Học viện tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu của doanh nghiệp đối với ngành nghề ATTT nói riêng, cũng như ngành công nghệ thông tin nói chung.

Lễ khánh thành và khai trương phòng Samsung Lab

Với mô hình trên, kết quả đạt được luôn có trên 80% sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, trong đó rất nhiều sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc ngay lập tức tại các tập đoàn lớn như Samsung, Viettel, FPT, CMC... Đặc biệt năm 2017 có 05 sinh viên được nhận học bổng tài năng Samsung với mỗi sinh viên 54 triệu đồng/năm, được nhận thực tập và ký hợp đồng chính thức khi ra trường. Qua thực tế, trong những năm gần đây đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Học viện KTMM nắm giữ vai trò quan trọng trong bộ máy của các doanh nghiệp, đặc biệt, trong lĩnh vực bảo mật ATTT. Đây chính là những tín hiệu rất đáng mừng đối với khoa ATTT cũng như Học viện KTMM khi nguồn nhân lực được đào tạo tại nhà trường đã và đang được các doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng.

Lời kết

Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Học viện KTMM nói chung, Khoa ATTT nói riêng đã tích cực thực hiện chủ trương hợp tác về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp, góp phần quảng bá hình ảnh Học viện, đào tạo thế hệ trẻ phù hợp với con đường hội nhập của đất nước.

Nguyễn Hữu Hùng - Nguyễn Tân Đăng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới