Đồng bộ pháp luật viễn thông với pháp luật cơ yếu

10:00 | 06/12/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Sáng ngày 24/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Đáng lưu ý, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã thể hiện được sự đồng bộ pháp luật viễn thông với pháp luật cơ yếu.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với nhiều điểm mới phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Việc sửa đổi Luật Viễn thông năm 2009 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng viễn thông tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số; xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; kịp thời khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành, các cam kết quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. So với Luật Viễn thông năm 2009, Luật Viễn thông (sửa đổi) có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Đồng bộ pháp luật viễn thông với pháp luật cơ yếu

Khoản 2 Điều 6 Luật Viễn thông (sửa đổi) đã giữ nguyên quy định về bảo đảm bí mật thông tin phù hợp với Luật Cơ yếuLuật Bảo vệ bí mật nhà nước: “2. Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu”.

Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, do lực lượng chuyên trách triển khai trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã quy định lĩnh vực cơ yếu độc lập với lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Chẳng hạn: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 18), lĩnh vực cơ yếu (Điều 19) và lĩnh vực an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 20); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về phạm vi bí mật nhà nước bao gồm “thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu” (khoản 2 Điều 7); Luật An ninh mạng quy định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia gồm có “hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu” (khoản 2 Điều 10)...

Để giúp việc dẫn chiếu pháp luật được rõ hơn và dễ triển khai thực hiện, so với Luật Viễn thông năm 2009, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã quy định lĩnh vực cơ yếu độc lập với lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cụ thể: khoản 1 Điều 7 Luật quy định thông tin ưu tiên truyền qua mạng viễn thông bao gồm thông tin khẩn cấp phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu (khoản 4 Điều 19).

Để đảm bảo thống nhất với quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước về cơ yếu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại Luật Cơ yếu, khoản 3 Điều 69 Luật quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như sau: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ yếu”.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh phù hợp với chuyển đổi số

Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin. Quản lý 03 dịch vụ mới theo cách tiếp cận “quản lý nhẹ” có độ mở, linh hoạt, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh và tạo thuận lợi cho các dịch vụ phát triển; không hạn chế sở hữu nước ngoài đầu tư kinh doanh các dịch vụ mới, giảm bớt một số nghĩa vụ so với dịch vụ viễn thông truyền thống (ví dụ, không phải đóng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, không phải đóng phí quyền hoạt động viễn thông,...).

Tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông

Luật bổ sung quy định cho phép công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công; tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành giữa viễn thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng,... trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông; bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, Bộ, ngành liên quan xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.

Khắc phục bất cập của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam

Luật kế thừa duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Điều 31), tuy nhiên bổ sung, hoàn thiện quy định để khắc phục bất cập trong hoạt động của Quỹ giai đoạn trước như: bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động viễn thông công ích; quy định phương thức thực hiện; trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động viễn thông công ích.

Trước đó, tại báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế nhiều nước cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như dự thảo Luật; đồng thời giao Chính phủ quy định việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế (khoản 2 Điều 32).

Về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet

Khắc phục các hạn chế của Luật Viễn thông năm 2009, Luật quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông đấu giá sẽ do thị trường quyết định.

Đồng thời Luật quy định cụ thể giá khởi điểm cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet đưa ra đấu giá. Việc xác định một mức giá khởi điểm cho số thuê bao thực hiện đấu giá cũng như lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến và bước giá là phù hợp quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành (tương tự triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô) sẽ hạn chế rào cản tạo điều kiện cho nhiều người tham gia, tạo điều kiện để xác định được chính xác giá trị số thuê bao theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền cọc.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông, quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (khoản 4, khoản 5 và khoản 10 Điều 50) bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản. Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, quyền sử dụng mã, số viễn thông, quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thuộc loại tài sản phải thực hiện theo phương thức trả giá lên (Điểm n khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản).

Bổ sung quy định về xử lý "rác viễn thông"

Luật (sửa đổi) bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng.

Bổ sung việc thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng

Đây là nội dung mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, phát sinh nghĩa vụ tài chính (mặc dù mức thu không lớn), do đó cần rà soát kỹ lưỡng và đánh giá tác động.

Qua nghiên cứu, rà soát, xem xét đánh giá tác động, việc thu, nộp lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng số hiệu mạng là nghĩa vụ bắt buộc, thực hiện theo quy định quốc tế. Nếu Việt Nam không có quy định này, các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sử dụng nhiều số hiệu mạng sẽ gặp khó khăn trong đăng ký, sử dụng số hiệu mạng và ảnh hưởng đến hoạt động mạng, dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới. Tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 04 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC (cơ quan đăng ký địa chỉ Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Việc thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng sẽ thực hiện tương tự như đối với địa chỉ Internet (đã triển khai từ trước đến nay). Mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ miễn, giảm đối với phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ được quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Phí và lệ phí. Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý cấp, phân bổ số hiệu mạng) sẽ có trách nhiệm tổ chức việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng.

Chủ thể có trách nhiệm nộp lệ phí, phí là tổ chức, doanh nghiệp đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại Việt Nam. Lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng được nộp 100% vào ngân sách nhà nước.

Để phù hợp, đồng bộ với Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế, Luật đã bổ sung quy định việc nộp phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet; lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet tại điểm d khoản 9 Điều 50 (đã bao gồm việc bổ sung về nộp lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, phí duy trì số hiệu mạng) và khoản 3 Điều 71.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới