Công nghệ trí tuệ nhân tạo làm tăng nguy cơ tấn công mạng xã hội
Nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thay đổi bản chất hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Các công ty trên thế giới đã chi hơn 328,34 tỷ USD cho AI vào năm ngoái và con số này đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, được dự đoán sẽ đạt gần 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2029.
Nhiều công ty đã bắt đầu sử dụng công nghệ AI để hợp lý hóa và tự động hóa nhiều khía cạnh trong hoạt động của họ, bao gồm cả tiếp thị nội dung, thông tin thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số rủi ro mới khi ngày càng có nhiều tin tặc lợi dụng công nghệ AI để thực hiện các cuộc tấn công vi phạm dữ liệu hoặc kiểm soát toàn bộ hệ thống mạng. Ngoài ra, chúng cũng đang sử dụng các chiến lược tấn công do AI điều khiển để đánh cắp các hồ sơ trên mạng xã hội nhằm lừa các nạn nhân khác, đánh cắp dữ liệu hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu.
Trong quý III/2022, người dùng Internet trên toàn thế giới đã phải hứng chịu khoảng 15 triệu vụ vi phạm dữ liệu, tăng 167% so với quý trước và con số này vẫn đang tăng lên mỗi năm. Do đó, các công ty, thương hiệu, người dùng mạng xã hội cần ý thức rõ để có những biện pháp bảo vệ hồ sơ của mình khỏi tin tặc vì công nghệ AI bên cạnh những lợi ích thì nó cũng đang tạo ra hàng loạt mối đe dọa an ninh mạng mới.
Xử lý rủi ro an ninh mạng trong thời đại bị chi phối bởi các mối đe dọa từ công nghệ AI
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người dùng không còn xa lạ với những câu chuyện tài khoản mạng xã hội bị tấn công, thông tin cá nhân bị rò rỉ, bị đánh cắp. Những rủi ro này đang trở nên nghiêm trọng hơn khi công nghệ AI đang được tin tặc tận dụng hiệu quả để xác định những đối tượng mục tiêu mới và thực hiện các cuộc tấn công nguy hiểm hơn.
Thêm vào đó, có một thực tế là người dùng mạng xã hội đang rất chủ quan, hầu hết mọi người không nhận ra những mối nguy hiểm xung quanh họ, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân và thậm chí nó có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hằng ngày của chính mình.
Đánh cắp danh tính
Mạng xã hội đã trở thành một nơi phổ biến để chia sẻ các hoạt động và thông tin cá nhân, nhưng việc chia sẻ thông tin này có thể khiến người dùng có nguy cơ bị đánh cắp danh tính và lừa đảo. Chia sẻ tên, địa chỉ, số thẻ tín dụng và các chi tiết cá nhân khác trên mạng xã hội có thể tạo điều kiện cho tin tặc dễ dàng đánh cắp danh tính truy cập vào tài khoản tài chính và thông tin cá nhân khác. Ngoài ra, tin tặc cũng có thể sử dụng thông tin đánh cắp để tạo hồ sơ giả và sử dụng thông tin đó để thực hiện các hoạt động tấn công khác.
Mạng xã hội là một phương tiện khá phổ biến để tin tặc đánh cắp tài khoản và thông tin cá nhân của người dùng, đặc biệt là người cao tuổi. Trên thực tế, người dùng lớn tuổi thường không có nhiều kỹ năng sử dụng nên khó có thể nhận ra điều gì đáng ngờ đang diễn ra. Do đó, người dùng cao tuổi thường có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của gian lận danh tính hơn những người trẻ tuổi.
Khi công nghệ AI ngày càng phát triển, nó thực sự hữu ích trong việc ngăn chặn các hoạt động gian lận, trộm cắp danh tính trực tuyến. Ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng AI để xác minh danh tính dễ dàng hơn, điều này có thể giúp ngăn chặn một số hành vi vi phạm dữ liệu nhất định.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà công nghệ này mang lại, nó cũng giúp tin tặc dễ dàng nhắm mục tiêu vào nạn nhân hơn. Chúng thường sử dụng AI để thu thập thêm thông tin và đưa ra những phỏng đoán có cơ sở hơn về mật khẩu và câu hỏi bảo mật và cũng có thể khởi động các cuộc tấn công nguy hiểm hơn như xâm nhập vào nhiều máy tính hơn để tạo ra các botnet lớn bằng cách sử dụng các công cụ bẻ khóa do AI điều khiển.
Lây lan phần mềm độc hại
Phần mềm độc hại lây lan qua mạng xã hội đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến, đáng báo động. Trên thực tế, cứ 5 tổ chức, doanh nghiệ thì có 1 tổ chức bị ảnh hưởng bởi hình thức tấn công này. Trong khi tấn công qua email vẫn là một mối đe dọa đáng kể. Phần mềm độc hại lây lan qua mạng xã hội là phương thức xâm nhập phổ biến thứ ba. Do đó, người dùng cần hết sức thận trọng khi nhấp vào các liên kết, hình ảnh hoặc quảng cáo đáng ngờ.
Phần mềm độc hại cũng đang được sử dụng để khai thác thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội. Tin tặc có thể đánh cắp, truy cập vào tài khoản và thông tin cá nhân của người dùng để gửi yêu cầu và tin nhắn giả mạo cho bạn bè hoặc đồng nghiệp của người đó, nhằm thực hiện một số hành vi lừa đảo hoặc gửi các đường link có chứa phần mềm độc hại.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại này sẽ tiếp tục gia tăng trong vài năm tới, vì vậy các tổ chức, doanh nghiệp nên thực hiện các bước bảo mật cần thiết để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công không mong muốn.
Đặc biệt, khi phần mềm độc hại là mối đe dọa đối với người dùng mạng xã hội thì công nghệ AI cũng khiến hình thức tấn công này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Tin tặc đang sử dụng các thuật toán học máy để tìm ra những cách thức phát triển mới và có thể vượt qua các ứng dụng phát hiện phần mềm độc hại hiện đại. Chúng cũng đang sử dụng AI để xác định rõ hơn những điểm yếu có thể khai thác khi viết mã độc.
Đánh cắp thông tin xác thực
Đánh cắp thông tin xác thực là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp. Một thông tin xác thực có thể cho phép tội phạm mạng truy cập thông tin nhạy cảm và kiểm soát hệ thống mạng của một tổ chức. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp nên sử dụng thông tin tình báo về mối đe dọa mạng nhằm xác định và ngăn chặn mối đe dọa này để giảm thiểu rủi ro.
Một trong những biện pháp bảo mật quan trọng nhất là thường xuyên thay đổi mật khẩu. Điều này là do nếu mật khẩu được chia sẻ hoặc sử dụng lại, những kẻ tấn công sẽ có quyền truy cập vào nhiều hệ thống khác nhau. Do đó, việc sử dụng các chính sách mật khẩu mạnh là điều cần thiết. Sử dụng cùng một mật khẩu trên một số tài khoản sẽ tăng gấp đôi nguy cơ bị đánh cắp thông tin xác thực.
Bước đầu tiên để ngăn chặn việc tấn công phương tiện truyền thông xã hội là đảm bảo rằng tất cả các mật khẩu của người dùng đều an toàn nhất có thể. Mật khẩu yếu là mục tiêu hàng đầu của tin tặc mạng xã hội. Bên cạnh việc sử dụng mật khẩu yếu, tin tặc cũng có thể tìm kiếm thông tin đăng nhập bị rò rỉ và nhắm mục tiêu người dùng bằng các chiến dịch lừa đảo. Với hơn 15 tỷ thông tin bị rò rỉ trực tuyến, tội phạm mạng thậm chí không cần kỹ năng kỹ thuật phức tạp để truy cập tài khoản.
Tài khoản giả mạo
Tài khoản trùng lặp là một trong những cách phổ biến nhất mà các mạng truyền thông xã hội bị tấn công. Bằng cách sử dụng tài khoản giả, tin tặc có thể sao chép hồ sơ của người khác, bao gồm thông tin cá nhân, ảnh và video, sau đó sử dụng các tài khoản này để mạo danh một người hay tổ chức, doanh nghiệp nào đó để phát tán ngôn từ kích động thù địch, quảng cáo lừa đảo hoặc lừa người khác nhấp vào liên kết có chứa phần mềm độc hại.
Bên cạnh đó, khi tài khoản mạng xã hội bị đánh cắp, tin tặc có thể truy cập thông tin cá nhân và đăng bất kỳ thông báo nào chúng muốn. Hậu quả của việc này là có thể phá hủy danh tiếng, uy tín của một người, tổ chức hay một thương hiệu nào đó. Sử dụng trình quét Darkweb để kiểm tra các tài khoản trùng lặp sẽ bảo vệ người dùng khỏi điều này.
Khi tài khoản người dùng bị tấn công, kẻ tấn công có thể truy cập thông tin cá nhân của người đó và đăng bất kỳ thông báo nào chúng muốn. Hậu quả của việc này có thể dẫn đến việc danh tiếng của các cá nhân, tổ chức bị tổn hại, thậm chí khách hàng của họ có thể bị tổn hại và bị tống tiền.
Hạn chế các kết nối mạng xã hội với những người biết ngoài đời thực cũng rất quan trọng. Điều quan trọng nữa là tắt tính năng gắn thẻ vị trí trong các bài đăng của bạn và tránh đăng thông tin tiết lộ vị trí chung của người dùng.
Một số cách bảo vệ tài khoản mạng xã hội khỏi các cuộc tấn công
Bước đầu tiên giúp ngăn chặn một cuộc tấn công vào tài khoản mạng xã hội là hãy đảm bảo rằng tất cả các mật khẩu của người dùng đều ở mức an toàn nhất có thể. Mật khẩu yếu là mục tiêu hàng đầu của tin tặc.
Một trong những biện pháp bảo mật quan trọng nhất là thường xuyên thay đổi mật khẩu. Vì nếu mật khẩu được chia sẻ hoặc sử dụng lại, tin tặc sẽ có thể truy cập vào nhiều hệ thống khác nhau. Sử dụng cùng một mật khẩu trên nhiều tài khoản sẽ tăng gấp đôi nguy cơ bị đánh cắp thông tin xác thực. Do đó, sử dụng chính sách mật khẩu mạnh là điều cần thiết. Một mật khẩu mạnh và an toàn phải bao gồm tám ký tự trở lên và kết hợp các chữ cái viết hoa/viết thường, số và ký tự đặc biệt. Ngoài ra, tránh chọn mật khẩu có những từ dễ đoán như tên hoặc ngày kỷ niệm.
Ngoài ra, sử dụng xác thực hai yếu tố là cách đáng tin cậy nhất để giữ an toàn cho tài khoản mạng xã hội. Việc xác thực bằng thiết bị thứ hai khiến tin tặc khó truy cập vào tài khoản hơn.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần chú ý đến các dấu hiệu cho thấy tài khoản có thể đã bị tấn công, chẳng hạn như tài khoản nhận được yêu cầu kết bạn từ những người mà họ không quen biết, thấy các bài đăng mới xuất hiện mà bạn chắc chắn không viết hoặc nhận được tin nhắn từ bạn bè có vẻ không bình thường.
Nếu đột nhiên nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này xảy ra, rất có thể tài khoản của bạn đã bị tấn công, vì vậy bạn nên thực hiện một số hành động như thay đổi mật khẩu và bật xác thực hai yếu tố ngay lập tức.
Đặc biệt, người dùng cũng có thể đảm bảo an toàn cho tài khoản mạng xã hội của mình bằng cách sử dụng VPN. Bằng cách mã hóa lưu lượng truy cập, VPN giúp ngăn không cho tin tặc xem hoạt động của người dùng ngay cả khi sử dụng Wifi công cộng.
Cuối cùng, hạn chế các kết nối mạng xã hội với những người mà không quen biết ngoài đời thực; đồng thời, tắt tính năng gắn thẻ vị trí trong các bài đăng và tránh đăng thông tin tiết lộ vị trí của bạn cũng rất quan trọng.
Mai Trần