Bước đột phá trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam

09:31 | 21/09/2015 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của CNTT và hiệu quả cao của ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội cùng với những đòi hỏi, những yêu cầu mới, ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 36). Đây là văn bản hết sức quan trọng, mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển ngành CNTT nước ta trong thời kỳ mới.
Những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong Nghị quyết 36 là tiền đề quan trọng để CNTT Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghị quyết 36 đã xác định: “CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước”.

Để cụ thể hóa một số định hướng và nội dung cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, ngày 15/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW (Nghị quyết 26). Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 36 , thực hiện thành công nhiệm vụ đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông. Theo Chương trình, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 36 đề ra.



Chương trình hành động của Chính phủ cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 36. Nhiệm vụ đầu tiên đối với các Bộ, ngành, địa phương là nâng cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và của mỗi cán bộ, người dân về 4 quan điểm cơ bản của Đảng và vai trò, vị trí của công tác đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trong giai đoạn mới. Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT; đảm bảo ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như trong các đề án, dự án đầu tư của quốc gia, Bộ, ngành và địa phương và đưa chỉ tiêu ứng dụng, phát triển CNTT vào chỉ tiêu Thi đua - Khen thưởng của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội, bảo đảm CNTT là một trong các nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp.

Mục tiêu và các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 36 và Nghị quyết 26 mang tính bao quát, liên quan cả trên bình diện rộng lẫn chiều sâu với những định hướng, tiêu chí thiết thực, trước mắt và lâu dài. Có thể nhìn nhận hệ thống CNTT hiện đại, đồng bộ với nhiều yếu tố tự động, khả năng tương tác cao, nhiều cơ sở dữ liệu đầy đủ, quan trọng không chỉ giúp cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và các nhiệm vụ chuyên môn của mình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao dân trí, mở rộng tầm nhìn, đổi mới tư duy…. Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt, tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đặc biệt, khi CNTT được ứng dụng và phát triển ở mức độ cao sẽ từng bước hình thành sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Chính phủ trên nền tảng CNTT với khái niệm “Đảng điện tử”, “Chính phủ điện tử”. Một hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa, liên thông có các yếu tố giao lưu, hợp tác quốc tế đòi hỏi một loạt các giải pháp bảo mật, an toàn, an ninh thông tin trên cơ sở quy định chặt chẽ của các văn bản pháp lý nhằm giữ vững độ an toàn của các thông tin giao dịch trên không gian mạng. Với nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng - an ninh, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chủ trì Chương trình đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT bảo đảm an toàn thông tin và xây dựng lực lượng tác chiến mạng giai đoạn 2015 – 2020; Bộ Công an chủ trì và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Chiến lược an ninh thông tin, an ninh mạng quốc gia.

Để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững, tin cậy của hệ thống thông tin nhiều Bộ, ngành, địa phương đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, các định hướng chính, các quy chuẩn đối với hệ thống CNTT. Qua đó, hình thành các hệ thống mạng diện rộng, mạng cục bộ trên cơ sở kết nối mạng số liệu chuyên dùng với các cơ chế an toàn, xác thực truy cập và tích hợp các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin bằng mật mã của Ban Cơ yếu chính phủ nhằm đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành từ Trung ương tới địa phương được thông suốt, an toàn, bảo mật.

Quán triệt nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, một số Bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã triển khai hệ thống Chứng thực điện tử Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ không chỉ cho các văn bản điện tử, mà còn tích hợp vào các trang, cổng thông tin điện tử, hệ điều hành tác nghiệp, hệ thống thông tin chuyên ngành, các dịch vụ như dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu đặc biệt như cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bản đồ, khí tượng thủy văn, giấy phép lái xe đường bộ, y tế, tư pháp, quốc phòng, an ninh…. Các hệ thống thông tin chuyên ngành được kết nối xuyên suốt, đồng bộ, an toàn, bí mật từ Trung ương tới các địa phương và trong một số ứng dụng chuyên ngành có thể kết nối với các hệ thống thông tin quốc tế.

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo công tác an toàn thông tin mạng, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, Cơ yếu, Thông tin và Truyền thông để sẵn sàng chủ động phòng ngừa và xử lý các tình huống phát sinh trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin; tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát an toàn, bảo mật cho các hệ thống thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm vụ đảm bảo bí mật, an toàn, an ninh mạng phải thực hiện hài hòa, phù hợp với cơ chế, quy định về thuê dịch vụ CNTT trong CQNN. Một trong những ưu tiên quan trọng là ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước, có thương hiệu Việt Nam trong các hạ tầng hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước. Đây là nội dung có ý nghĩa to lớn, là động lực thúc đẩy nền công nghiệp CNTT và các nhánh công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng khoa học, có hiệu quả kinh tế cao. Thông qua đó, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ cao. Hơn nữa, các sản phẩm CNTT do trong nước tự nghiên cứu, phát triển, thiết kế, chế tạo sẽ đảm bảo tin cậy, đảm bảo khả năng an toàn, an ninh của thiết bị, kịp thời đáp ứng cho nhu cầu trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên trách về bảo mật và chuyên trách về CNTT là một trong những nhiệm vụ bản lề. Bên cạnh đó, cần phải có chính sách thu hút, chế độ khen thưởng đối với các sáng chế, cải tiến, phát minh có giá trị; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến thức, kỹ năng về CNTT đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong công tác. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Từng bước kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin, xây dựng các chính sách và đề án tăng cường năng lực bảo đảm an toàn, an ninh thông tin....

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 26 của Chính phủ là những quyết sách quan trọng, đúng đắn, kịp thời và là bước đột phá, mang lại cơ hội thuận lợi, mở ra vận hội mới cho CNTT Việt Nam phát triển bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới