10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin năm 2022 tại Việt Nam

14:00 | 20/02/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Năm 2022 đã qua đi, một mùa xuân mới đang về trên mọi miền Tổ quốc. Một năm cũ với nhiều khó khăn thách thức và nhiều biến động trong mọi lĩnh vực của đời sống trong đó có lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Tình hình tội phạm mạng ngày càng gia tăng về số lượng cũng như cách thức, vấn nạn lừa đảo trực tuyến, lộ lọt thông tin cá nhân… trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã ban hành những chính sách, hành động quyết liệt, thu được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Bản tin video số đặc biệt chào xuân 2023 sẽ giới thiệu đến Quý độc giả 10 sự kiện an toàn, an ninh mạng Việt Nam nổi bật trong năm qua, dựa trên bình chọn, đánh giá của Tạp chí An toàn thông tin.

1. Phê duyệt chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 phê duyệt chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Nội dung nổi bật của chiến lược là cần phải xây dựng hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, Internet, dịch vụ nội dung số.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là duy trì, nâng cao năng lực, thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn, an ninh mạng hàng đầu châu Á.

2. Việt Nam giành ngôi vô địch Cyber Sea Game 2022

Sau 7 năm kể từ năm 2015, đội KMA. L3N0V0 gồm 4 sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã đã mang về cho Việt Nam ngôi vô địch cuộc thi kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin Cyber SEA Game 2022. Trước đó vào năm 2021, đội Pawsitive đại diện Việt Nam đã giành ngôi vị Á quân. Theo thống kê những năm trước, các đội tuyển của Việt Nam đã giành giải Nhất trong năm 2015, giải Nhì các năm 2019 và 2020 và giải Ba vào các năm 2017, 2018.

Cyber SEA Game là cuộc thi về kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin dành cho các đối tượng trẻ (gồm sinh viên và kỹ sư) từ 15 - 29 tuổi của các nước ASEAN, với sự hợp tác tài trợ của Nhật Bản. Cuộc thi được Trung tâm nâng cao năng lực an toàn thông tin ASEAN - Nhật Bản tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các sinh viên, kỹ sư trẻ hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin của các nước trong khu vực ASEAN được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

3. 6.641 vụ tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đã có 6.641 cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, có 1.696 sự cố tấn công lừa đảo, 859 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 4.086 cuộc tấn công cài cắm mã độc.

Đặc biệt, ngày 8/7/2022 một tài khoản có tên “meli0das” đã rao bán thông tin dữ liệu của 30 triệu người dân Việt Nam với giá 3.500 USD trên một diễn đàn tin tặc. Cũng trong tháng 7 này, Công an Hà Nội đã phát cảnh báo về tình trạng lộ lọt thông tin dữ liệu đăng nhập và mật khẩu của 429 tài khoản cá nhân trong một số cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau đó không lâu, vào đầu tháng 8/2022 trên diễn đàn Br*.to, thành viên có tên “ARES_BF_ACCOUNT” đã rao bán cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng,... của 100.000 tài khoản ngân hàng tại Việt Nam với giá 500 USD.

4. Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 lần thứ 15 với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”. Đây là một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, là sự kiện hàng đầu, nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2022 tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ của sự kiện, VNISA đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội.

5. Hội thảo nghiên cứu ứng dụng mật mã và an toàn thông tin năm 2022

Vào ngày 28/4, Học viện Kỹ thuật mật mã phối hợp với Viện Khoa học - Công nghệ mật mã và Tạp chí An toàn thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã tổ chức thành công Hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin”.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng về mật mã, an toàn thông tin tại Việt Nam; kết nối và hình thành cộng đồng các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về mật mã, an toàn thông tin.

Hội thảo là diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi và trình bày các công trình khoa học và kết quả nghiên cứu mới của bản thân về các lĩnh vực trong khuôn khổ của Hội thảo; tạo cơ hội tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa Học viện Kỹ thuật mật mã với các trường đại học trong nước và quốc tế.

6. Ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) chính thức ra mắt và tiến hành đại hội thành lập ngày 17/5 sau một thời gian dài chuẩn bị nhân lực. Hiệp hội Blockchain Việt Nam được kỳ vọng góp phần tích cực vào sự tăng tốc của nền kinh tế số, từ đó, tạo ra nhiều thành tựu hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Theo Quyết định số 343/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 27/4/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam chính thức trở thành tổ chức có pháp nhân đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiệp hội hứa hẹn sẽ trở thành cầu nối có tính pháp nhân duy nhất giữa Cộng đồng Blockchain Việt Nam với các cơ quan, ban ngành Nhà nước nhằm xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ Blockchain Việt Nam hướng đến mục tiêu quốc gia kỹ thuật số, kinh tế số.

7. Thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin

Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng đã chính thức được thành lập vào ngày 24/11. Liên minh hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT đã đánh dấu lần đầu tiên một liên minh về an toàn, an ninh mạng được thành lập và hoạt động chính thức tại Việt Nam. Sứ mệnh của liên minh là thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia ký kết thành lập liên minh gồm: Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, VNISA, Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, Bkav, VNG, Cốc Cốc và Tiktok Việt Nam.

8. Ra mắt Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia

Ngày 23/6/2022, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã chính thức cho ra mắt và đưa vào vận hành Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Nền tảng sẽ hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận thông tin liên quan đến các nguy cơ, mối đe doạ được chia sẻ từ Cục An toàn thông tin một cách kịp thời. Đồng thời, qua nền tảng này, các đội ứng cứu sự cố của các đơn vị thành viên mạng lưới có thể tiếp nhận, báo cáo, chia sẻ thông tin về sự cố và tổ chức xử lý sự cố trong nội bộ mình hiệu quả, tiện lợi, giúp các thành viên cập nhật kịp thời các lỗ hổng bảo mật, theo dõi và có biện pháp xử lý các chiến dịch tấn công mạng.

9. Tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính

Sáng ngày 28/10, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, liên tục với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Chuyển đổi số góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giảm thủ tục hành chính và giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả. Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã trình bày một số báo cáo và tham luận về tình hình cung cấp, quản lý, triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và kết quả thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.

10. Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trên không gian mạng

Trong năm 2022 đã diễn ra nhiều sự kiện nổi bật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, có thể kể đến như sự kiện Safety Café Vietnam, được tổ chức vào ngày 7/10, do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Tập đoàn Meta và Tổ chức CyberKid Vietnam tổ chức. Sự kiện hướng mục tiêu mang những kiến thức cần thiết về an toàn trực tuyến và quyền riêng tư tới người dùng Internet tại Việt Nam, đặc biệt là thanh, thiếu niên, thông qua thực nghiệm về an toàn trực tuyến.

Hội thảo với chủ đề “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” đã được VNISA phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức vào ngày 24/11 tại Hà Nội. Hội thảo không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp các em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách hiệu quả và an toàn.

Mai Trần

Tin cùng chuyên mục

Tin mới