Tăng cường nhận thức cho trẻ em trên môi trường số (phần II)

16:00 | 30/06/2023 | AN TOÀN THÔNG TIN
Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm do Tạp chí An toàn thông tin tổ chức vào chiều ngày 30/6, với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội và bà Trần Thị Kim Phượng, Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.

Phóng viên: Internet và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của con người, nhất là với trẻ em là vô cùng lớn. Bà Nga có thể chia sẻ về những tác động tích cực khi trẻ em sử dụng Internet?

Bà Nguyễn Thị Nga: Trước hết phải nói trong thời điểm hiện nay, trẻ em nói riêng và mọi người dân chúng ta nói chung không thể tách rời được Internet. Minh chứng rất rõ trong hơn hai năm vừa qua khi chúng ta chịu tác động của đại dịch COVID-19 thì gần như đại đa số trẻ em miền xuôi, ở vùng núi, dân tộc thiểu số đều được trang bị các thiết bị. Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng đã hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 để các em có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội 

Bản thân các nền tảng kể cả Internet và mạng xã hội cũng giúp cho các em tra cứu được các vấn đề các em quan tâm. Hiện nay, chúng ta cũng khuyến khích văn hóa đọc, các em tự tìm hiểu là rất tốt.

Trên nền tảng mạng xã hội có rất nhiều chương trình, trò chơi ngoài mục đích để giải trí thì còn có tác dụng nâng cao hiểu biết về văn hóa văn nghệ. Một số tổ chức, doanh nghiệp hiện cung cấp các sản phẩm, trò chơi phù hợp với trẻ. Một vấn nữa là việc xem phim trực tuyến bây giờ cũng rất phát triển, trong đó có nhiều bộ phim dành cho trẻ em.

Ngoài ra, thông qua Internet và mạng xã hội, các em cũng có thể kết giao với những người nổi tiếng hay thêm bạn bè. Tuy nhiên, những hoạt động đó bao giờ cũng có tính hai mặt, vì trẻ em chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ nên nhiều khi các em chưa nhận diện được đâu là những thông tin đã được kiểm chứng hay những nội dung phản ánh sự thật, đâu là những thông tin giả. Chính vì vậy, không thể phủ nhận rất nhiều lợi ích và mặt tích cực mà Internet cũng như mạng xã hội đem lại cho trẻ em.

Phóng viên: Bên cạnh những tích cực mà Internet đem lại thì cũng tiềm ẩn cả những rủi ro khó lường. Bà Phượng có thể cho biết Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã có những giải pháp gì để giảm thiểu những nguy cơ và rủi ro khi trẻ em tương tác trên môi trường mạng?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Từ năm 2021, khi Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” được triển khai thì Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã tích cực hưởng ứng. Hiệp hội đã phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022, lần thứ 2 tổ chức vào năm 2023. Cuộc thi được bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và được sự đồng hành của Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Vụ Công tác học sinh sinh viên cùng nhiều tổ chức và doanh nghiệp khác.

Mục tiêu của Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của nhà trường, phụ huynh và các em học sinh về vấn đề tự đảm bảo an toàn thông tin trên mạng và cũng mong muốn các em có thêm các kỹ năng để tự bảo vệ mình. Được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh trên cả nước, cuộc thi năm 2023 đã có 740.250 học sinh của hơn 6.000 trường THCS trên toàn quốc tham gia. Qua cuộc thi cũng giúp lan tỏa nhiều thông tin để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng.

Bà Trần Thị Kim Phượng, Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (ngồi bên phải)

Hiệp hội An toàn thông tin rất mong muốn có sự hỗ trợ để phát triển một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam, bảo vệ các em trên không gian mạng. Để triển khai chủ trương này, sắp tới Hiệp hội sẽ thành lập một Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng bao gồm các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức để có những sản phẩm, những hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên mạng. Đồng thời sẽ xây dựng những tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng. Theo khía cạnh đảm bảo an toàn thông tin thì trước mắt, Hiệp hội đang triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.

Phóng viên: Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bà Nga có thể chia sẻ những giải pháp và định hướng trong thời gian tới của Cục trẻ em để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?

Bà Nguyễn Thị Nga: Cục Trẻ em là một thành viên của mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 01/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, với sự tham gia của một số cơ quan quản lý nhà nước của một số Hiệp hội, các cơ quan truyền thông và đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp thì trong 2 năm vừa qua, bước đầu mạng lưới đã triển khai được rất nhiều hoạt động.

Cục trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội được Chính phủ giao cho quản lý tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Trong thời gian vừa qua, Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo để phát triển các ứng dụng của tổng đài 111, người dân và trẻ em có thể nhận được các tư vấn liên quan đến các quy định của pháp luật, các kiến thức, kỹ năng để tham gia mạng an toàn, nhưng đồng thời cũng phản ánh các nội dung, các kênh các thông tin độc hại đến tổng đài 111.

Hiện nay, Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đang phối hợp rất chặt chẽ để xử lý khi tiếp nhận những thông tin thông báo về các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Tổng đài không chỉ nhận qua điện thoại, ứng dụng 111 mà còn trực tiếp xử lý khi các cơ quan truyền thông đưa tin về các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Người dân cũng có thể gửi email qua tổng đài 111 hoặc chat với ứng dụng của tổng đài 111 để thông báo về các vụ việc này.

Bên cạnh đó, Cục Trẻ em cũng đã chủ động sản xuất bộ tài liệu truyền thông mẫu vừa dành cho trẻ em, vừa dành cho cha mẹ, hệ thống cán bộ của ngành Lao động thương binh và xã hội về nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Giải pháp nữa mà chúng tôi cũng đã chủ động triển khai trong năm vừa qua và tiếp tục triển khai trong thời gian tới đó là tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây vừa là để tuyên truyền, giới thiệu những quy định của pháp luật về nội dung này, đồng thời cũng nhắc nhở các địa phương cần quan tâm để triển khai đầy đủ các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Cục Trẻ em cũng cử cán bộ vào nhóm kiểm tra liên ngành do cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập, tiến hành công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp có cung cấp các sản phẩm, ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Tọa đàm “Tăng cường nhận thức cho trẻ em trên môi trường số"

Phóng viên: Một câu hỏi cuối trước khi kết thúc chương trình xin được hỏi hai vị khách mời là những người mẹ, người bà có những cháu nhỏ, về phía gia đình chúng ta có những biện pháp gì để bảo vệ con em mình trên môi trường mạng?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Về phía góc độ gia đình, có rất nhiều biện pháp để có thể cùng đồng hành bảo vệ các em. Một biện pháp được sử dụng phổ biến đó là dùng công nghệ để quản lý, giám sát các em. Ví dụ như các sản phẩm công nghệ có thể giúp bố mẹ quản lý thời gian truy cập internet của trẻ, quản lý những nội dung mà trẻ truy cập. Tuy nhiên, đó là những biện pháp mang tính chất bị động, tạm thời, biện pháp lâu dài nhất là cha mẹ nên cùng đồng hành hỗ trợ và giáo dục cho các con để trang bị cho các con nhận thức, kỹ năng để có thể phát hiện, nhận biết những nguy cơ ở trên mạng. Đồng thời cung cấp kỹ năng để tương tác, học tập, vui chơi trên mạng có thể tránh các nguy cơ độc hại đối với mình.

Bà Nguyễn Thị Nga: Làm thế nào đó mà cha mẹ có thể làm chỗ dựa khi con cảm thấy có những niềm vui hoặc những nỗi bất an, sự an toàn trên môi trường mạng thì bản thân trẻ em, cũng như cha mẹ cần phải thông tin kịp thời tới các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để tránh cho con em mình lo sợ, không muốn chia sẻ với bố mẹ và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Hiện nay, vẫn có rất nhiều bậc phụ huynh không giỏi công nghệ bằng con cháu mình, cho nên các cơ quan tổ chức đã phải rất nỗ lực biên soạn các bộ tài liệu cho các thành viên trong gia đình. Các gia đình có thể vào các trang của tổng đài 111, trang mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trang của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và rất nhiều tổ chức khác để thường xuyên cập nhật, trau dồi các kiến thức, kỹ năng để đồng hành cùng con em mình, để trẻ em tham gia trên môi trường mạng được an toàn nhất.

Phóng viên: Xin cảm ơn những thông tin mà bà Trần Thị Kim Phượng và bà Nguyễn Thị Nga đã chia sẻ trong chương trình hôm nay.

Tạp chí An toàn thông tin

Tin cùng chuyên mục

Tin mới