Sinh viên an toàn thông tin, công nghệ thông tin cần có nền tảng kiến thức vững chắc
Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả: ông Vũ Bảo Thạch, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần và phát triển công nghệ Misoft; ông Hoàng Trọng Tuấn, Phó Trưởng phòng nhân sự Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động SamSung Việt Nam (SVMC); ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS); ông Cáp Khánh Duy, Lãnh đạo nhóm Kiểm thử xâm nhập, Công ty cổ phần an ninh an toàn thông tin CMC InfoSec; ông Lê Tuấn Điệp, chuyên gia tư vấn công ty FPT Information System; ông Lê Đức Cường, Trưởng phòng tuyển dụng công ty TNHH hạ tầng viễn thông miền Bắc, đối tác độc quyền của công ty cổ phần viễn thông FPT; ông Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó giám đốc Trung tâm bảo hành chất lượng Rickkeisoft.
Đại diện các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm trong Ngày hội Công nghệ Học viện KTMM
Đại diện các doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm đều đánh giá sinh viên Học viện KTMM là một nguồn lực quan trọng, đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp với nền tảng kiến thức tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc của sinh viên vẫn cần phải trau dồi thêm. Theo đại diện các doanh nghiệp, điều quan trọng hơn hết đối với sinh viên sau khi ra trường là phải có kiến thức nền tảng tốt.
Ông Nguyễn Thành Đạt chia sẻ, hầu hết các sinh viên của Học viện thực tập tại VNSC đều tiếp tục làm việc tại đây sau khi ra trường. Ông Nguyễn Thành Đạt cho rằng, sinh viên cần vững vàng kiến thức nền tảng bằng cách học tập tốt tại trường, khi đó sẽ có nhiều cơ hội hơn cho bản thân; đồng thời, cần có thái độ học hỏi, sẵn sàng nhận việc, tiếp thu công nghệ. Đồng quan điểm, theo ông Lê Viết Cường, FPT Telecom không quá quan trọng việc sinh viên có kinh nghiệm thực tế, mà đòi hỏi sinh viên cần có kiến thức nền tảng tốt, thì sẽ có thể thực hiện các bài kiểm tra đầu vào một cách dễ dàng. Hơn nữa, ông khuyên sinh viên nên học cách tự tin với bản thân, thật thà, có ý thức học hỏi. Theo ông Cáp Khánh Duy, khi vẫn còn đang học trên giảng đường thì kỹ năng thực tế chưa nhiều là điều chắc chắn, nhưng nếu nghiên cứu sâu và có đam mê thì 1-2 năm hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia về an toàn thông tin. Còn đối với ông Nguyễn Hữu Quỳnh, sinh viên khi mới ra trường chưa cần có kinh nghiệm mà cần kiến thức nền tảng, khả năng linh hoạt để nắm bắt được kỹ thuật và sự nhanh nhạy để học hỏi công nghệ mới. Ông Vũ Bảo Thạch chia sẻ, nhiều sinh viên của Học viện sau khi ra trường đã được nhận vào Misoft làm việc và trở thành nhân viên cốt cán của công ty.
Các đại diện đồng quan điểm với nhau rằng, sinh viên nên làm việc, thực tập ngay khi còn đi học để được tiếp cận với công nghệ mới nhất. Để trở thành chuyên gia về lĩnh vực an toàn thông tin, nên tập trung vào các kiến thức về hệ thống, mạng, hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, lập trình và an toàn thông tin; học và thi lấy các chứng chỉ liên quan, như CCNA, Linux; rèn luyện các kỹ năng như ngoại ngữ, giao tiếp, trình bày vấn đề, lập trình excel…. Sinh viên nên chắc chắn kiến thức nền tảng, công việc sẽ dẫn đường để sinh viên biết được lĩnh vực hẹp để tập trung vào và đi đến thành công.
Bên cạnh đó, ông Lê Tuấn Điệp, chuyên gia tư vấn công ty FPT Information System cho rằng, sinh viên nên tìm hiểu về văn hóa của doanh nghiệp trước để xem liệu mình có phù hợp hay không, sau đó mới xem xét sự phát triển của công ty, lộ trình phát triển của cá nhân và sự phù hợp đối với kiến thức của mình. Sau một thời gian đủ dài, nếu có đam mê, kiên trì, rèn luyện, đồng thời kiến thức nền tảng vững chắc, thì sẽ trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, khi văn hóa doanh nghiệp vẫn còn chưa rõ nét thì theo ông Nguyễn Hữu Quỳnh, nhân lực mới sẽ chính là người giúp xây dựng văn hóa của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các đại diện, hiện tại trên thị trường Việt Nam, các lĩnh vực mà sinh viên an toàn thông tin, công nghệ thông tin nên đi tắt đón đầu là trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, dữ liệu lớn, blockchain, IoT…. Đây là các lĩnh vực đang phát triển mạnh trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn đang còn mới đang bắt đầu phát triển. Ông Lương Thế Dũng, Trưởng khoa An toàn thông tin, Học viện KTMM cho biết, từ khóa 13, Học viện đã đưa môn học Khai phá dữ liệu ứng dụng trong an toàn thông tin vào chương trình học, giúp định hướng khai phá dữ liệu lớn, quản lý các hệ thống mạng lớn sử dụng học máy.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều đề nghị hợp tác với Học viện KTMM, một số doanh nghiệp hứa hẹn sẽ dành một số vị trí tuyển dụng cho sinh viên của Học viện. Ngoài ra, các doanh nghiệp đề xuất tổ chức một số khóa học miễn phí, hoặc đưa ngay vào chương trình học của Học viện các tín chỉ, từ đó giúp sinh viên có kinh nghiệm sát thực tế, được tiếp cận ngay với công việc, ra trường có thể làm việc được luôn. Đặc biệt, Công ty Misoft có đưa ra đề nghị muốn xây dựng mô hình nghiên cứu kết hợp giữa công ty và Học viện, trong đó, các giáo viên trong trường sẽ nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên; sinh viên sẽ được làm việc trực tiếp với dự án của công ty, nghiên cứu, báo cáo và kết thúc dự án.
Thảo Uyên