Liệt sĩ Trần Đắc Quý: Hy sinh để bảo vệ máy mã
Trong chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm công tác cơ yếu đã cống hiến xương máu, trí tuệ cho sự nghiệp cơ mật của Đảng và dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trên mặt trận thầm lặng bảo vệ sự nghiệp cơ mật của Đảng, Nhà nước và Quân đội, nhiều đồng chí đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng, có những đồng chí sau ngày giải phóng hàng chục năm mới được tìm thấy hài cốt đưa về an nghỉ tại quê hương.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác mật mã giai đoạn (1950 - 1955) đã từng nói: “Các đồng chí làm công tác mật mã là những chiến sĩ vô danh, hữu xạ tự nhiên hương. Các đồng chí phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp, của Đảng, vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân”.
Đến nay, theo thống kê, toàn ngành Cơ yếu có gần 800 liệt sĩ. Trong đó, một sô liệt sĩ tiêu biểu như: liệt sĩ Trần Đắc Quý, Bùi Thị Cúc (Cơ yếu Công an), Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Giai (Cơ yếu tình báo) thời kỳ chống Mỹ; Đoàn Tiến Phúc, Nguyễn Hải Nam (Cơ yếu Biên Phòng), Nguyễn Việt Phương thời kỳ chiến tranh biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa….
Trong số các liệt sĩ Cơ yếu đã hy sinh vì sự nghiệp cơ mật của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Đắc Quý được ghi nhận là liệt sĩ Cơ yếu đầu tiên của ngành Cơ yếu Việt Nam. Ông sinh năm 1924, người làng Thể Giao (nay là phố Thể Giao), quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, gồm một anh trai và hai chị gái, ông là học sinh trường Bưởi, sau đó được giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến.
Ông hoạt động cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, khi chiến khu II ở Tổng Sơn Tây được thành lập (khoảng đầu năm 1946), ông đã là thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Hoàng Sâm lúc đó là Khu trưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đắc Quý làm Trưởng ban Mật mã của chiến khu II. Ban Mật mã lúc đó có 3 đồng chí gồm: Đồng chí Trần Đắc Quý - Trưởng Ban; đồng chí Khoa, đồng chí Nguyễn Văn Thân - nhân viên.
Năm 1946, Ông được chiến khu II cử đi học lớp mật mã Hoàng Diệu do Bộ Tổng tham mưu tổ chức (từ ngày 07/10 đến ngày 01/11/1946). Đây là lớp huấn luyện mật mã đầu tiên được tổ chức tại trụ sở Báo Sao Vàng (nay là ngôi nhà số 28 phố Nguyễn Du, Hà Nội). Lớp Hoàng Diệu gồm có 21 học viên của các khu, chiến khu, Ủy ban kháng chiến miền Nam và của Ban Mật mã Bộ Tổng tham mưu cử đi học. Học viên sinh hoạt tại số 17, phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (nay là số 17 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội).
Cuối năm 1946, Thực dân Pháp bội ước Hiệp định sơ bộ 6/3 và bản Tạm ước 14/9 đã ký với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng tăng cường các hoạt động khiêu khích tại Hải Phòng, gây xung đột và chiếm đóng trái phép một số cơ quan của ta tại Hà Nội.
Trước tình hình cấp bách đó, đầu năm 1947, Khu bộ chiến khu II bí mật chuyển về hoạt động trong rừng thuộc địa phận thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn gian khổ, lực lượng cán bộ làm công tác mật mã còn quá mỏng và non trẻ, lại phải sinh hoạt và chiến đấu trên địa hình rừng núi, khó khăn thiếu thốn về mọi mặt.
Trong hoàn cảnh đó, địch ráo riết tiến hành các cuộc càn quét khủng bố, truy tìm và tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Tuy vậy, các đồng chí làm mật mã của Khu bộ chiến khu II do đồng chí Trần Đắc Quý làm Trưởng ban đã vượt lên tất cả, tự tìm tòi nghiên cứu và sử dụng luật mật mã an toàn tuyệt đối, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo thông tin lãnh đạo, chỉ huy từ trung ương xuống Khu bộ được thông suốt, chính xác và kịp thời trong mọi tình huống. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho lực lượng của Khu bộ chiến khu II, tiếp tục cùng với quân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến kiến quốc thần kỳ của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Chân dung liệt sĩ Trần Đắc Quý (1924 - 1948)
Đồng chí Nguyễn Văn Thân, nguyên là nhân viên viên Ban mật mã chiến khu II, Sư đoàn trưởng Sư 361 Phòng không Hà Nội, xúc động kể lại: “Đêm ngày 06/01/1948, để tránh cái rét thấu xương của vùng rừng núi đá vôi Hòa Bình, anh em trong Ban Mật mã chiến khu II cùng với một chiến sĩ thông tin, báo vụ nhóm lửa sưởi ấm. Không may vương tàn lửa, lán làm việc của Ban Mật mã bốc cháy. Đồng chí Trần Đắc Quý bình tĩnh chỉ huy anh em dập lửa, cứu tài liệu. Khi cặp đựng các tài liệu mật mã đã được đưa ra an toàn cũng là lúc toàn bộ lán của Ban Mật mã bắt lửa cháy nghi ngút. Bỗng có tiếng thét: cẩn thận, trong ba lô của đồng chí Môn có một quả lựu đạn! Đồng chí Môn là báo vụ viên nghỉ cùng lán với anh em Ban Mật mã. Mọi người liền dạt ra xa. Tuy nhiên, lúc này trong lán vẫn còn xót lại chiếc máy chữ - một công cụ làm việc quý báu của người lính Cơ yếu lúc bấy giờ. Vì vậy, cho dù mọi người can ngăn nhưng đồng chí Quý vẫn kiên quyết quay trở lại lán, tìm và chuyển bằng được chiếc máy chữ ra ngoài. Anh em đứng ở xa bên ngoài theo dõi đồng chí Quý và rất lo lắng vì biết rằng trong lán có lựu đạn. Một lát sau, từ xa anh em nhìn thấy đồng chí Quý xuất hiện nụ cười tươi, tay ôm chiếc máy chữ. Đột nhiên, một có tiếng nổ lớn - tiếng lựu đạn nổ, quả lựu đạn bắt lửa nổ tung và đồng chí Quý ngã sấp xuống đất, ngay cạnh lán. Một mảnh lựu đạn đã găm xuyên từ lưng vào tới tim của đồng chí. Đồng chí Quý hy sinh tại chỗ, trong tay vẫn ôm chiếc máy chữ. Sau khi đồng chí Qúy hy sinh, nhân dân nơi Ban Mật mã đóng quân đã lấy tên đồng chí đặt tên cho một trường học ở địa phương”.
Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến khu II, Bộ Quốc phòng đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ đối với đồng chí Trần Đắc Quý. Đầu năm 1955, gia đình đồng chí Trần Đắc Quý và đồng đội đã tổ chức cải táng và đưa hài cốt của đồng chí về mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch, lúc đó nghĩa trang còn rất hoang sơ, chỉ có vài ngôi mộ. Trong số những đồng đội và người thân của đồng chí Quý, có đồng chí Nguyễn Quang Đích - người bạn chiến đấu thời kỳ đầu và anh trai ruột đồng chí Quý là đồng chí Trần Đại Thọ - cán bộ lão thành cách mạng.
Liệt sĩ Cơ yếu Trần Đắc Quý là một trong 6 Trưởng ban mật mã chiến khu đầu tiên của Quân đội, là người năng động, hoạt bát và sáng tạo. Anh em trong Ban mật mã và Khu bộ chiến khu II hết sức thương tiếc và đau xót trước sự hy sinh cao cả của đồng chí. Tuy không phải hy sinh trên chiến trận nhưng tấm gương anh dũng, quả cảm của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân viên Cơ yếu học tập và noi theo.
Năm 2007, đoàn cán bộ của Ban Cơ yếu Chính phủ do đồng chí Nguyễn Chiến, Trưởng ban đã đến thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Trần Đắc Quý tại gia đình. Trong bảng vàng Tổ quốc ghi công của gia đình (số 48 Hàng Than, Hà Nội) ghi rõ: “Đồng chí Trần Đắc Quý - Trưởng Ban Mật mã Bộ đội chủ lực hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Lạc Thủy, Hòa Bình, ngày 06 tháng 01 năm 1948”.
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2020) cán bộ, chiến sĩ và nhân viên Cơ yếu hôm nay tỏ lòng ghi nhớ và biết ơn sâu sắc đối với lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nguyện tiếp tục phấn đấu cống hiến xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ cơ mật của Đảng, Nhà nước.
Anh Ngô