Nhiều ứng dụng antivirus trên Android cảnh báo sai, trong đó có BKAV
Theo kết quả đánh giá, dưới 1/10 ứng dụng có thể bảo vệ thiết bị Android trước sự tấn công của 2.000 mã độc mẫu mà AV-Comparatives đưa vào với mục đích thử nghiệm. Hơn nữa, trên 2/3 số ứng dụng có tỷ lệ phát hiện mã độc dưới 30%.
Cụ thể, có 138/250 ứng dụng có khả năng phát hiện dưới 30% mã độc Android hoặc có tỷ lệ cảnh báo sai tương đối cao trên các tập tin sạch phổ biến tải về từ Google Play Store. Phần mềm BKAV Mobile Security của BKAV nằm trong nhóm 138 ứng dụng này.
Hầu hết các ứng dụng mà AV-Comparatives kiểm tra đều được tạo ra để hiển thị quảng cáo và chỉ mang danh ứng dụng antivirus. "Mục đích chính của các ứng dụng này là tạo ra doanh thu cho nhà phát triển (bằng cách hiển thị quảng cáo) chứ không thực sự bảo vệ người dùng", nhóm nghiên cứu của AV-Comparatives tuyên bố.
Trong số này, khoảng 23/250 ứng dụng thực sự phát hiện ra tất cả các mã độc mẫu mà AV-Comparatives thử nghiệm. Đó là sản phẩm của các hãng có tên tuổi trong làng antivirus như Norton và Avast.
Một số ứng dụng antivirus khác lại mặc định đưa những ứng dụng của các công ty lớn (như Facebook và Google) vào danh mục an toàn để tránh các cảnh báo sai. Điều này thực sự nguy hiểm, bởi những phần mềm độc hại giả mạo ứng dụng sẽ dễ dàng vượt qua lớp bảo mật này.
AV-Comparatives cũng phát hiện ra rằng, có những ứng dụng antivirus đảm bảo an toàn cho thiết bị Android bằng cách khóa tất cả các ứng dụng khác. "Một số ứng dụng antivirus khóa hầu hết các ứng dụng khác trên thiết bị mà không phân biệt các ứng dụng đó được tải từ Google Play Store hay từ bất cứ đâu. Thậm chí, một vài trong số chúng còn quên liệt kê các gói phần mềm của mình vào danh mục an toàn và coi chính bản thân nó là ứng dụng không an toàn".
AV-Comparatives cũng đưa ra lời khuyên cho người dùng Android, cần cân nhắc sử dụng các phần mềm antivirus từ các hãng nổi tiếng, đã được xác minh. Nếu không tìm được lựa chọn nào đáng tin cậy thì không nên cài phần mềm antivirus cho smartphone Android của mình.
Bích Thủy