Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra
Tại Kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Luật Thanh tra năm 2022 ban hành khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Thanh tra năm 2010, thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Luật Thanh tra năm 2022 giao Chính phủ quy định chi tiết các chương, điều, khoản, bao gồm: Điều 38 về Thanh tra viên; Điều 56 về thanh tra lại; Điều 60 về Đoàn thanh tra; Điều 79 về công khai kết luận thanh tra; Điều 87 về trưng cầu giám định; Điều 90 về yêu cầu tổ chức tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra… Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022 (sau đây viết tắt là Nghị định số 43) cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện.
Đồng thời, Nghị định số 43 quy định cụ thể về biện pháp thi hành Luật Thanh tra nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các quy định pháp luật; giải quyết các bất cập đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyền của người tiến hành thanh tra nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; bảo đảm tính hiệu lực, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thanh tra.
Nghị định số 43 gồm 10 chương, 70 điều, áp dụng đối với cơ quan nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập và người làm công tác thanh tra nội bộ.
Theo Nghị định số 43, Thanh tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); Thanh tra viên chính hưởng mức 20% và Thanh tra viên hưởng mức 25%.
Thanh tra viên dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên chính phải có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên và tương đương tối thiểu từ 09 năm trở lên; Thanh tra viên chính dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên cao cấp có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên chính và tương đương tối thiểu từ 06 năm trở lên, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch Thanh tra viên chính chuyển sang cơ quan thanh tra (Điều 9).
Những nội dung về người làm công tác cơ yếu tại cơ quan Thanh tra Cơ yếu được quy định tại Điều 11, Điều 13 và Điều 16 Nghị định số 43: Người làm công tác cơ yếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn các ngạch thanh tra theo quy định tại các Điều 39, 40, 41 của Luật Thanh tra năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, bổ nhiệm vào ngạch thanh tra tương ứng theo điều kiện, tiêu chuẩn và nhu cầu vị trí công tác. Hội đồng xét bổ nhiệm người làm công tác cơ yếu vào các ngạch thanh tra do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập. Thanh tra viên là người làm công tác cơ yếu được hưởng chế độ theo quy định đối với lực lượng vũ trang và chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra được cấp trang phục và thẻ thanh tra theo quy định.
Theo Nghị định số 43, điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên là người làm công tác cơ yếu tại Thanh tra Cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ áp dụng như đối với sỹ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Hiện nay, Thanh tra Cơ yếu là cơ quan thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, có chức năng giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mật mã để bảo vệ bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ, mật mã dân sự. Thanh tra Cơ yếu chịu sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 43, Ban Cơ yếu Chính phủ đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên và Hội đồng xét bổ nhiệm các ngạch thanh tra do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập, bao gồm thanh tra viên cơ yếu.
Việc ban hành Nghị định số 43 ảnh hưởng sâu sắc, tích cực đến hoạt động thanh tra nói chung và việc bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên của Thanh tra Cơ yếu nói riêng; tạo tiền đề cho việc xây dựng và quản lý đội ngũ thanh tra viên cơ yếu ổn định, chính quy; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra cơ yếu, xây dựng ngành Cơ yếu cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
Bích Ngoan