Đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự (phần 1)

15:00 | 28/07/2022 | MẬT MÃ DÂN SỰ
Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm do Tạp chí An toàn thông tin tổ chức vào sáng ngày 27/7, với sự tham dự của Đại tá, TS. Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trước nhu cầu về bảo mật an toàn thông tin trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngày càng gia tăng, hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự tăng lên nhanh chóng với quy mô rộng trên phạm vi cả nước. Sản phẩm mật mã dân sự không ngừng cải tiến công nghệ và các tính năng mật mã, ngày càng phong phú về chủng loại thiết bị, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường trong nước; yêu cầu triển khai các giải pháp và sản phẩm mật mã dân sự trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng...

Các nguy cơ về mất an toàn, an ninh thông tin cũng luôn xảy ra trên mọi lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng sản phẩm mật mã dân sự cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về điều kiện về kinh doanh, xuất nhập khẩu và sử dụng mật mã dân sự và đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mật mã dân sự.

Bên cạnh công tác quản lý chủ thể doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mật mã dân sự, công tác quản lý mật mã dân sự phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm và quản lý việc sử dụng sản phẩm mật mã dân sự, đặc biệt là việc sử dụng sản phẩm mật mã dân sự trong các hệ thống thông tin để triển khai Chính phủ điện tử theo yêu cầu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.   

Trước bối cảnh đó, công tác quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã cũng có những nét đổi mới để phù hợp với tình hình mới.

Tọa đàm trực tuyến “Đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự”

Buổi Tọa đàm trực tuyến “Đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự” được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến chuyên gia trả lời và đăng tải trên Tạp chí An toàn thông tin điện tử (website Antoanthongtin.vn)

Dưới đây là nội dung buổi Tọa đàm trực tuyến “Đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự”. 

Phóng viên: Từ khi Luật An toàn thông tin mạng chính thức có hiệu lực tới nay đã được 6 năm, song hành với đó là công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự. Thưa ông Hồ Văn Hương, ông có thể chia sẻ về công tác quản lý mật mã dân sự trong thời gian qua đã diễn ra như thế nào?

Ông Hồ Văn Hương: Đối với công tác quản lý mật mã dân sự, được xác định là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ và Ngành Cơ yếu Việt Nam, mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về mật mã dân sự được đặt lên hàng đầu, trong đó đã tiến hành các giải pháp đồng bộ và hiệu quả như tiếp tục triển khai thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và triển khai Nghị định số 58/2016/NĐ-CP, Nghị định số 53/2018/NĐ-CP.

Song song quá trình triển khai các nghị định về quản lý mật mã dân sự, quy định luật an toàn thông tin mạng thì thời gian vừa qua Cục đã tiếp nhận và xử lý 694 hồ sơ đề nghị cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và 1.237 hồ sơ đề nghị cấp phép xuất, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; nâng tổng số doanh nghiệp hiện tại đã được cấp phép lên tới 200 doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm mật mã dân sự; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đối với 100% thủ tục hành chính về mật mã dân sự trên cổng dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng mục tiêu của Ban Cơ yếu Chính phủ về chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính.

Phóng viên: Qua chia sẻ của ông có thể nhận thấy, bước đầu công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hành lang pháp lý về cơ bản đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, nhu cầu về bảo mật an toàn thông tin trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngày càng gia tăng, hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự tăng lên nhanh chóng với quy mô rộng trên phạm vi cả nước. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? Theo ông thực trạng này là thuận lợi hay khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự trong thời gian tới?

Đại tá, TS. Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Ông Hồ Văn Hương: Trong những năm qua, nhu cầu về bảo mật an toàn thông tin trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tăng lên nhanh chóng, cùng với đó các hoạt động kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự cũng tiếp tục gia tăng. Vấn đề này cũng đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự không ít những khó khăn như: cần tiếp tục phải sửa đổi hoàn thiện văn bản pháp lý, tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về mật mã dân sự; hệ thống dịch vụ công trực tuyến được đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ và quy mô hoạt động quản lý cấp phép trên phạm vi cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động 24/7; phòng thử nghiệm phục vụ cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm mật mã dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn lực và chất lượng chuyên môn chưa theo kịp với sự phát triển.

Bởi vậy, trong thời gian tới có hai yêu cầu mới và rất quan trọng đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự như sau:

Một là, triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính về mật mã dân sự một cách an toàn và hiệu quả, đi đôi với chuyển đổi số toàn bộ các hoạt động quản lý, cấp phép về mật mã dân sự trong cả nước theo yêu cầu tại chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo quyết định 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, triển khai cấp chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm mật mã dân sự bắt buộc phải áp dụng quy chuẩn thực hiện Thông tư 23/TT-BQP. Ngoài ra trong năm 2022, theo yêu cầu nhiệm vụ được giao, Cục đã triển khai trực tiếp các hoạt động quản lý nhà nước về mật mã dân sự tại cơ sở phía Nam.

Đây là những yêu cầu mới nhiều thách thức song cũng mở ra hướng đi đúng đắn và phù hợp cho công tác quản lý mật mã dân sự.

Phóng viên: Một điều rất mới là ngay đầu tháng 4, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 23 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặt tính kỹ thuật mật mã trong các sản phẩm mật mã dân sự thuộc nhóm sản phẩm bảo mật luồng IP sử dụng công nghệ IPsec và TLS. Ông đánh giá như thế nào về những tác động khi thông tư chính thức có hiệu lực thi hành?

Ông Hồ Văn Hương: Để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã dân sự, thời gian vừa qua Ban Cơ yếu Chính phủ đã giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Ban trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 23/2022/TT-BQP ban hành QCVN 12:2022/BQP.

Hiện nay, tại Việt Nam, do nhu cầu về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin ngày càng gia tăng, việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm mật mã dân sự thuộc nhóm sản phẩm bảo mật luồng IP sử dụng công nghệ IPsec và TLS ngày càng trở nên phổ biến chiếm hơn 80% sản phẩm mật mã dân sự đang quản lý. Do vậy, khi thông tư chính thức có hiệu lực thi hành sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động quản lý mật mã dân sự:

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước: việc quản lý chất lượng là cốt lõi trong quản lý mật mã dân sự, sản phẩm khi lưu thông trên thị trường đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật có chất lượng tốt, an toàn giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh: giúp sàng lọc các sản phẩm không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu, chất lượng kém ra khỏi thị trường, chỉ có sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng đến tay khách hàng.

- Đối với người sử dụng: được sử dụng sản phẩm mật mã dân sự chất lượng tốt, đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định QCVN 12:2022/BQP ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BQP, trong thời gian tới Cục cần phải: tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong Ban Cơ yếu Chính phủ và trên phạm vi cả nước; tập huấn, hướng dẫn áp dụng quy định của QCVN 12:2022/BQP cho các tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức triển khai cấp giấy chứng nhận hợp quy; cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của Cục để tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm mật mã dân sự.

*Còn tiếp....

Tạp chí An toàn thông tin

Tin cùng chuyên mục

Tin mới