Facebook rò rỉ hình ảnh riêng tư của gần 7 triệu người dùng
Facebook cho biết, theo mặc định các nhà phát triển ứng dụng bên thứ 3 sẽ được phép truy cập các hình ảnh được người dùng chia sẻ lên trang Facebook cá nhân ở chế độ công khai. Tuy nhiên, với lỗi mà Facebook vừa công bố, các nhà phát triển ứng dụng có thể xem được cả những hình ảnh mà người dùng chia sẻ lên mục Facebook Stories (chức năng “tin của bạn” - vốn chỉ cho phép bạn bè trên Facebook xem được) và thậm chí có thể xem được cả những hình ảnh mà người dùng chỉ mới dự định đăng tải lên Facebook nhưng chưa bấm nút chia sẻ (nghĩa là đã chọn ảnh để đăng lên Facebook, quá trình tải ảnh lên Facebook đã hoàn tất nhưng người dùng sau đó hủy bỏ quá trình này). Với lỗi này, các nhà phát triển ứng dụng của Facebook có thể sao chép hình ảnh của người dùng và thực hiện chia sẻ trái phép.
Lỗi này xảy ra trong khoảng thời gian từ 13 - 25/9/2018 và được Facebook đồng thời khắc phục từ ngày 25/9/2018. Facebook xác định, lỗi liên quan đến chức năng đăng nhập và giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API) trong chức năng đăng tải ảnh lên Facebook. Người dùng đăng nhập các ứng dụng thứ ba bằng tài khoản Facebook sẽ bị ảnh hưởng bởi lỗi này.
Facebook ước tính, gần 7 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi lỗi mới được công bố. Có tổng cộng hơn 1.500 ứng dụng đến từ 876 nhà phát triển khác nhau đã có được quyền truy cập vào các hình ảnh của người dùng Facebook.
Những người dùng bị rò rỉ hình ảnh do ảnh hưởng bởi lỗi này sẽ nhận được thông báo từ chính Facebook. Mạng xã hội này cũng cho biết sẽ làm việc với các nhà phát triển ứng dụng bên thứ 3 để yêu cầu xóa đi các hình ảnh của người dùng mà đáng ra họ không có quyền truy cập.
Để kiểm tra tài khoản Facebook có bị ảnh hưởng bởi lỗi mới được công bố của Facebook hay không và nếu có thì ứng dụng nào đang có quyền truy cập vào hình ảnh trên Facebook, người dùng có thể truy cập tại đây.
Nếu sau khi truy cập và người dùng nhận được thông báo: “Tài khoản Facebook của bạn không bị ảnh hưởng vì vấn đề này và các ứng dụng bạn dùng không có quyền truy cập vào những ảnh khác của bạn” nghĩa là hình ảnh trên Facebook của người dùng đó không bị truy cập trái phép.
Trong trường hợp ngược lại, Facebook sẽ liệt kê danh sách các ứng dụng đã có thể xem được hình ảnh của người dùng trên Facebook. Tuy nhiên, người dùng không thể làm gì khác mà chỉ biết được rằng các hình ảnh của mình có nguy cơ bị rò rỉ và chờ đợi động thái từ Facebook.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland cơ quan được giao quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật của Facebook tại châu Âu vừa xác nhận sẽ tiến hành điều tra đối với Facebook sau khi nhận được nhiều báo cáo về việc dữ liệu người dùng bị rò rỉ. Vì trụ sở Facebook châu Âu đặt tại thủ đô Dublin (Ireland) nên theo điều khoản của GDPR, DPC sẽ thông báo tới công ty trong vòng 72 giờ sau khi phát hiện vi phạm. Theo quy định, bất kỳ công ty nào vi phạm quy định của GDPR đều có khả năng bị phạt 23 triệu USD hoặc 4% doanh thu toàn cầu, tùy điều kiện nào cao hơn. Với Facebook, tổng doanh thu của hãng này trong năm 2017 là 40 tỷ USD. Vì vậy, mức phạt có thể lên đến 1,6 tỷ USD nếu họ bị kết luận vi phạm quy định của GDPR và doanh thu của năm 2018 ở mức tương tự.
Bích Thủy