Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết như vậy tại cuộc họp ban điều hành Đề án TP thông minh của UBND TP.HCM chiều 6/2.
Thành phố gồm các yếu tố cơ bản: Kinh tế thông minh, con người thông minh, chính quyền thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, cuộc sống thông minh.
Liên quan đến kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu mở của TP, lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết sẽ thiết kế phần mềm giúp cho lãnh đạo Thành ủy và UBND TP trực tiếp theo dõi, nắm bắt thông tin, số liệu, kiểm tra tiến độ công việc phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành bằng thiết bị di động cầm tay thông minh.
Phần mềm này được thiết kế trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, dữ liệu từ hoạt động đầu tư nước ngoài (dữ liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu Nam, Ban quản lý khu công nghệ cao), cơ sở dữ liệu từ đường dây nóng, đơn thư khiếu nại tố cáo (dữ liệu từ Ban tiếp công dân TP, Thanh tra TP, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - môi trường, Văn phòng UBND TP), cơ sở dữ liệu từ hệ thống một cửa điện tử, các văn bản điều hành và lịch công tác…
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý, kho dữ liệu chung của TP cần xây dựng theo hướng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, nhằm tăng khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền TP.
Đại diện tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết đã tiến hành khảo sát thực tế, lấy ý kiến góp ý của các đơn vị chuyên ngành về các hạng mục trong đề án xây dựng TP thông minh.
Theo tiến độ dự kiến, đến cuối tháng 2/2017 sẽ hoàn tất các chuyên đề của đề án. Đến tháng 3/2017 hoàn tất báo cáo lấy ý kiến người dân và trình Ban điều hành đề án.