Hội thảo quốc gia VNICT 2023 lần thứ XXVI
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: PGS, TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo; GS, TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch CLB Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (FISU); Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân, đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo... cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các trường, viện nghiên cứu trên toàn quốc....
Với chủ đề chính của Hội thảo là “Các công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số”, có thể thấy, chuyển đổi số đang là một xu thế diễn ra rất mạnh mẽ và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội hiện nay. Để giải quyết các thách thức, khó khăn thực tế đặt ra, Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi nhất của chuyển đổi số nhằm đưa ra những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số thành công, cung cấp những công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần có sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, lĩnh vực, ngành nghề, trong đó công nghệ số giữ vai trò then chốt. Vì lý do đó, Hội thảo quốc gia “Các công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số” là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chiến lược chuyển đổi số quốc gia”.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin cho biết: Hội thảo quốc gia VNICT 2023 năm nay được tổ chức thành công, ngoài sự nỗ lực của hai đơn vị đồng tổ chức và các đơn vị hỗ trợ còn có sự nhiệt tình tham gia gửi bài của hàng trăm tác giả trong cả nước, cũng như của các thầy cô và các chuyên gia đã dành thời gian đọc và cho ý kiến đánh giá về các bài gửi đăng Hội thảo.
PGS, TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội thảo
Mở đầu Phiên toàn thể của Hội thảo, các đại biểu và khách mời tham dự đã được nghe 03 báo cáo mời bao gồm: “Nền tảng số trong Công an nhân dân” do Thiếu tướng, TS. Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Công an trình bày; “Bảo mật cơ sở dữ liệu hỗ trợ truy vấn trên dữ liệu mã hóa” do PGS,TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã trình bày; “Malware preventation technology update” do Ông Nguyễn Quang Trọng, Giám đốc Kinh doanh Bitdefender Việt Nam trình bày. Đây là những tham luận thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã có rất nhiều câu hỏi cũng như những ý kiến khác nhau được đưa ra trao đổi về những chủ đề này. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các báo cáo tham luận, phát biểu của các nhà khoa học đã góp phần tiếp nối sự thành công của Hội thảo và tạo ra định hướng quan trọng cho công tác chuyển đổi số quốc gia.
PGS.TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã trình bày báo cáo mời tại Hội thảo
Tiếp đó Hội thảo được chia thành 06 tiểu ban chuyên đề về: An toàn thông tin; Công nghệ mạng, điều khiển và tự động hóa; Khai phá dữ liệu và học máy; Nhận dạng đa phương tiện và mô phỏng; Công nghệ phần mềm và xử lý ngôn ngữ; Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin. Các báo cáo tại các Tiểu ban đã thể hiện mọi hoạt động của cộng đồng công nghệ thông tin trong các hướng nghiên cứu cơ bản, triển khai ứng dụng, đào tạo và quản lý và được phân bổ theo các chủ đề chính bao gồm: Trí tuệ nhân tạo; Học máy; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Tin - Sinh học; An toàn thông tin; Truyền thông và mạng máy tính;…
Hội thảo năm nay thu hút và nhận được sự quan tâm đóng góp của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu với hơn 150 báo cáo đăng ký trên toàn quốc, trong đó 79 bài chất lượng cao được lựa chọn để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo, 07 bài đăng trên Ấn phẩm Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin (Tạp chí An toàn thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ); 07 bài đăng trên chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông (Tạp chí Thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng nhiều chuyên san, tạp chí khoa học khác trên toàn quốc.
Tạp chí An toàn thông tin là đơn vị phối hợp và truyền thông cho Hội thảo trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) đã thực hiện kêu gọi bài viết cũng như tích cực truyền thông cho Hội thảo đến nhiều độc giả trên cả nước. Cùng với Ban tổ chức, Tạp chí đã lựa chọn những bài có chất lượng cao để đăng trên ấn phẩm Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin của Tạp chí.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Với lịch sử tổ chức lâu đời và thường niên, kể từ lần tổ chức đầu tiên tại Vĩnh Phúc vào năm 1997 đến nay, Hội thảo VNICT đã trải qua 25 lần liên tục được Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng với các trường đại học, Học viện trong cả nước tổ chức. Hội thảo là diễn đàn thường niên để những người làm công tác nghiên cứu, triển khai, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác. Đặc biệt, Hội thảo khuyến khích các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia báo cáo trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập của mình.
Trường An