Hội nghị khoa học Quốc gia lần thứ XV "Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin"
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí: GS. Viện sĩ. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; GS. TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức Hội nghị; PGS.TS. Trần Văn Lăng, Trưởng ban Chương trình Hội nghị.
Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có các đồng chí: Đại tá. TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Đồng trưởng Ban tổ chức Hội nghị; Trung tướng. TS. Đặng Vũ Sơn, Nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng. TS. Nguyễn Nam Hải, Nguyên Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng lãnh đạo một số các cơ quan đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Vũ Đức Thi cho biết: “Hiện nay, thế giới đang tiến hành Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thực chất là nhân loại đi xây dựng một xã hội thông tin và tri thức. Trong cuộc cách mạng này, công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò rất then chốt. Công nghệ thông tin không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một ngành công nghệ cao. Mặt khác, không chỉ ứng dụng mà việc nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng phát triển nhanh chóng. Vì vậy, Hội nghị FAIR 2022 chính là nơi để các nhà khoa học, đặc biệt là các cán bộ ở các trường Đại học và các Viện nghiên cứu trong cả nước trao đổi và đưa ra các kết quả nghiên cứu mới nhất của mình”.
GS.TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị FAIR 2022 năm nay có chủ đề “An toàn và bảo mật thông tin trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV” được diễn ra trong 02 ngày 03-04/11/2022 với 02 phần chính: Báo cáo mời phiên toàn thể và các phiên tiểu ban chuyên đề. Mở đầu Hội thảo là 04 báo cáo toàn thể được những chuyên gia hàng đầu về bảo mật và an toàn thông tin trình bày bao gồm: PGS. TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ; PGS, TS. Lê Sỹ Vinh, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Trần Đình Khang, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS. TS. Đỗ Thanh Nghị, Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông, Đại học Cần Thơ. Các phiên tiểu ban chuyên đề được chia thành 05 tiểu ban (Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, Xử lý ảnh và thị giác máy tính, Mật mã và an toàn an ninh mạng).
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá. TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: “Hội nghị FAIR 2022 là một diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo, bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ, đồng thời đặt ra những yêu cầu đối với các nghiên cứu sinh và học viên cao học trong cả nước. Tại Hội nghị lần này, các nhà khoa học sẽ trình bày những thành quả học thuật, được lắng nghe những ý kiến phản biện và được trao đổi với các chuyên gia đến từ mọi miền đất nước về các lĩnh vực khoa học đổi mới hiện đại”.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng cũng bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi Học viện Kỹ thuật mật mã được Ban Chỉ đạo Hội nghị cấp Quốc gia tin tưởng và giao cho Học viện đăng cai tổ chức Hội nghị FAIR 2022. Để làm tốt vai trò của mình, Học viện đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Hội nghị và Ban Chương trình Hội nghị nhằm thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo các công tác chuẩn bị để hướng tới thành công chung của Hội nghị năm nay.
Trong Hội nghị lần này, nổi bật và thu hút sự quan tâm của các đại biểu là một số tham luận tại phiên toàn thể của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực thuộc khuôn khổ Hội nghị như:
Báo cáo mời "Công nghệ Blockchain trước thách thức của máy tính lượng tử" của PGS.TS. Nguyễn Hiếu Minh, Viện Khoa học Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ. Nội dung tập trung trình bày các vấn đề liên quan đến công nghệ Blockchain; Nguyên thủy mật mã trong Blockchain; Máy tính lượng tử và khả năng phá vỡ các nguyên thủy mật mã;... Đây đều là các vấn đề mới và phức tạp khi thực hiện nghiên cứu và triển khai.
Báo cáo mời "Nghiên cứu và ứng dụng hệ gen người" của PGS. TS. Lê Sỹ Vinh, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giới thiệu một số vấn đề quan trọng trong phân tích hệ gen liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Đồng thời giới thiệu các ứng dụng của phân tích hệ gen vào chẩn đoán một số bệnh di truyền có ảnh hưởng lớn đến xã hội như bệnh tự kỉ hay các bệnh ung thư.
Đại tá. TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Có thể thấy được, Hội nghị FAIR 2022 là sự kiện khoa học có uy tín rất cao dành cho các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh và giảng viên đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin. Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị đã tiếp nhận hơn 130 báo cáo, trong đó Ban Chương trình của Hội nghị đã tiến hành phản biện độc lập và lựa chọn được 73 báo cáo xuất sắc nhất để trình bày tại 05 phiên tiểu ban của Hội nghị và đều được Ban Chương trình độc lập do các nhà khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Việt Nam đảm nhiệm. Đặc biệt, các báo cáo xuất sắc nhất tại Hội nghị sẽ được lựa chọn và đăng trên Kỷ yếu Báo cáo khoa học của FAIR.
Tại Hội nghị, Đại tá. TS. Nguyễn Hữu Hùng đại diện Học viện Kỹ thuật mật mã - đơn vị đăng cai tổ chức FAIR 2022 và GS.TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức Hội nghị đã thực hiện trao cờ đăng cai Hội nghị FAIR 2023 cho Đại học sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng.
Trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị FAIR 2023 cho Đại học sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng
Quốc Trường