Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, ngày 14/9/2016 Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ký mới Biên bản ghi nhớ về khung hợp tác trong lĩnh vực TT&TT. Thỏa thuận này khẳng định hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện trong lĩnh vực viễn thông, tần số, bưu chính, phát thanh truyền hình và CNTT.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại phiên đối thoại
Thứ trưởng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam coi CNTT-TT là yếu tố then chốt, là động lực quan trọng tạo lập phương thức phát triển mới, hiện đại hoá đất nước, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập và phát triển, ngành TT&TT Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất cho hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường ra quốc tế.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Jiro Akama phát biểu tại phiên đối thoại
Phát biểu trong phiên khai mạc, ông Jiro Akama khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thông tin, viễn thông, CNTT, 4G, 5G và Internet của vạn vật - Xu hướng Internet of Things (IoT) với Việt Nam. Đồng thời, Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các xu hướng chính sách TT&TT mới nhất của Việt Nam để qua đó thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này được hiệu quả hơn.
Đại diện Cục Tần số Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã thực hiện xong việc số hóa truyền hình và giải phóng băng tần 600 MHz. Băng tần này sau đó được sử dụng cho di động LTE và hệ thống giao thông thông minh ITS.... Dịch vụ ITS được thương mại hóa chính thức từ tháng 10/2015, đến nay đã có hơn 50.000 xe ô tô tại Nhật Bản sử dụng. Ba nhà mạng của Nhật đang sử dụng băng tần 3500 MHz cho 4G. Từ tháng 6/2016, các nhà mạng đã chuyển sang cung cấp công nghệ LTE-Advanced với tốc độ truyền số liệu lên tới 1Gbps. Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai 5G vào năm 2020 bởi công nghệ 5G có tốc độ truyền số liệu nhanh (lên tới 10 Gbps), kết nối đồng thời nhiều thiết bị đa phương tiện, thiết bị đầu cuối. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy IoT và xe ô tô không người lái. Với công nghệ 5G thì cấu trúc của các ngành sản xuất và công nghiệp sẽ có nhiều thay đổi. 5G sẽ được ứng dụng trong ngành sản xuất ô tô, chế tạo máy, an ninh.
Chia sẻ về công tác đảm bảo ATTT, một vấn đề nóng được cả phía Việt Nam và Nhật Bản quan tâm. Đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã giới thiệu về các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATTT mà Nhật Bản tham gia và khởi xướng. Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Trung tâm phân tích sự cố mạng, ứng cứu khẩn cấp các sự cố máy tính mang tên NICTER. NICTER giám sát trên diện rộng, phân tích mã độc tự động, theo dõi 300.000 địa chỉ IP tại 300 quốc gia theo thời gian thực và có hệ thống cảm biến (sensor) đặt tại Thái Lan, Malaysia, Philippines. Theo thông kê, trong năm 2015, NICTER đã phát hiện 50 tỷ trường hợp tấn công mạng. Hiện nay, NICTER đang cung cấp dịch vụ thông tin mạng cho 10 nước ASEAN. Bên cạnh NICTER, Nhật Bản còn có hệ thống Daedalus có khả năng phát hiện tấn công mạng outbound, gửi cảnh báo tự động khi phát hiện tấn công mà không cần lắp đặt cảm biến, không cần thay đổi cấu trúc mạng.