Cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức

04:31 | 13/06/2017 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Còn nhiều điều mà chúng ta cần tìm hiểu về cuộc cách mạng 4.0, nhưng có một điều rõ ràng: cần phải ứng phó với cuộc cách mạng này một cách đồng bộ và toàn diện, có sự tham gia của tất cả các chủ thể của nền chính trị toàn cầu, từ các khu vực công và tư cho đến giới học thuật và các tổ chức xã hội. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã có bài viết phân tích về các khía cạnh này trên tạp chí Foreign Affairs. Tạp chí ATTT giới thiệu nội dung chính của bài viết này.
 Giáo sư người Đức Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 khẳng định: Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua”. 

Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng hơi nước để cơ giới hóa các ngành sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất quy mô lớn. Đến lần thứ 3, các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin đã được sử dụng để tự động hóa sản xuất. Giờ đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được tiếp nối, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học.

Có ba lý do tại sao những thay đổi này không phải là sự kéo dài của cuộc cách mạng công nghiệp  lần thứ 3 mà là sự xuất hiện của một cuộc cách mạng mới, khác biệt. Đó là: tốc độ, phạm vi và các tác động. Tốc độ của bước đột phá hiện tại là không có tiền lệ lịch sử. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng lần thứ 4 được phát triển với tốc độ của một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Cuộc cách mạng này cũng sẽ tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp, các chính phủ và toàn thể người dân trên thế giới. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.

Cơ hội và thách thức

Giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có khả năng nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Những lợi ích cơ bản mà nó mang lại, bao gồm việc đơn giản hoá trong thực hiện đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống. Gọi một chiếc taxi, đặt chỗ một chuyến bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc, xem một bộ phim hoặc chơi một trò chơi bất kỳ... đều có thể được thực hiện từ xa.

Trong tương lai, đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài trong hiệu quả và năng suất lao động. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống. Hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn và các chi phí thương mại sẽ giảm bớt. Tất cả sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cách mạng có thể mang lại tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Trong tương lai, tài năng, tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất trong Công nghiệp 4.0, hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt, phân đoạn thành“kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”, do đó sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng về việc làm và thu nhập trong xã hội, nhất là ở các xã hội không chuẩn bị tốt.

Nguy cơ cũng có thể gây ra do công nghệ kỹ thuật số thâm nhập vào việc chia sẻ thông tin của truyền thông xã hội. Hơn 30% dân số thế giới hiện nay sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter... để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Trong một thế giới lý tưởng, những tương tác này sẽ là cơ hội cho sự hiểu biết liên văn hóa và liên kết toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra và tuyên truyền cho những kỳ vọng không thực tế, cũng như tạo cơ hội cho những ý tưởng cực đoan và tội lỗi lây lan.
Thời đại IoT cũng tạo ra những thách thức nhất định, do đó các quốc gia cần phải có sự chuẩn bị trước. Chẳng hạn như việc gia tăng sử dụng hệ sinh thái IoT sẽ làm tăng nguy cơ xâm phạm đời tư, an ninh mạng và những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của con người trong sử dụng các sản phẩm kết nối không dây hay các phương tiện không người lái.

Các vấn đề bảo mật sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Độ tin cậy và ổn định là rất cần thiết cho giao tiếp giữa những máy móc (M2M), bao gồm cả thời gian trễ rất ngắn và ổn định. Ngoài ra cần phải duy trì tính toàn vẹn của quá trình sản xuất, cần phải tránh bất kỳ rủi ro nào về CNTT, những yếu tố sẽ gây hậu quả đối với sản xuất và cần bảo vệ bí quyết công nghệ.



Tác động nhiều mặt

Đối với các doanh nghiệp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có những tác động lớn đến họ. Về phía cung, nhiều ngành công nghiệp nhìn thấy công nghệ mới ra đời tạo ra những cách hoàn toàn mới giúp phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ đáng kể các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có. Nhờ tiếp cận với các nền tảng kỹ thuật số cho nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối... nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng. Cùng với đó, thay đổi lớn về phía cầu cũng đang xảy ra, như yêu cầu minh bạch của khách hàng ngày càng tăng, người tiêu dùng tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngày càng tích cực và chủ động.

Đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ, công nghệ mới ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia cùng chính phủ, nói lên ý kiến của mình, phối hợp các nỗ lực của họ và thậm chí phá vỡ sự giám sát của cơ quan công quyền. Ngược lại, chính phủ sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Tuy nhiên, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này. Tốc độ ra quyết định, phản ứng với các sự kiện cũng cần phải nhanh chóng hơn.

Với tốc độ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng những thay đổi và tác động rộng khắp, các nhà lập pháp và các nhà quản lý đang bị thách thức ở mức độ chưa từng có về yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định. Trong nhiều trường hợp, đã xảy ra sự chậm trễ, điều đó cho thấy đối phó với những thách thức của thời đại mới không hề dễ dàng.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất của an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột. Lịch sử của chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của đổi mới công nghệ và ngày nay cũng không phải là ngoại lệ. Những tiến bộ trong công nghệ sẽ tạo ra khả năng giảm quy mô hoặc tác động của chiến tranh, thông qua việc giới hạn phạm vi chiến tranh hoặc độ chính xác cao hơn trong tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí điều khiển từ xa, tội phạm mạng hoặc vũ khí sinh học trở nên dễ dàng hơn để sử dụng, cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ ngày càng có cơ hội tham gia vào các hoạt động chiến tranh và có khả năng gây tổn thất hàng loạt. Lỗ hổng mới này sẽ dẫn đến những lo ngại mới, thực sự là một nguy cơ đối với nhân loại.

Tác động đến bản thân con người

Cuối cùng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà cả ngay chính con người chúng ta. Nó sẽ làm thay đổi bản sắc của chúng ta và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, bao gồm: Sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, phương thức tiêu dùng, thời gian chúng ta dành cho công việc và giải trí, cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ. Nó đã và đang làm thay đổi sức khỏe của chúng ta và dẫn tới một cái tôi nhất định và có thể dẫn tới sự gia tăng dân số nhanh hơn.... Danh sách đó là vô tận, bởi lẽ nó được gắn bó chặt chẽ với trí tưởng tượng của chúng ta. 

Điều đó sẽ đặt ra câu hỏi liệu sự hội nhập tất yếu của công nghệ trong cuộc sống có thể làm suy giảm một số bản năng tinh tuý của con người, chẳng hạn như lòng thương cảm và sự hợp tác. Mối quan hệ của chúng ta với điện thoại di động là một trường hợp như vậy. Sự kết nối thường xuyên, liên tục với điện thoại di động có thể cô lập chúng ta khỏi một trong những tài sản quan trọng nhất của cuộc sống, đó là thời gian để ngừng nghỉ, suy ngẫm hay đơn giản là tham gia vào một cuộc hội thoại có ý nghĩa.

Một trong những thách thức mang tính cá nhân lớn nhất mà công nghệ thông tin mang lại là sự riêng tư. Thông tin về cá nhân sẽ dễ dàng có thể tra cứu và tìm kiếm vì chúng ta buộc phải kết nối với các hệ thống điện tử. Tương tự, các cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo giúp xác định lại khả năng của con người bằng cách thay đổi những giới hạn hiện tại về tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực. Chúng buộc chúng ta phải định hình lại những ranh giới về đạo đức và tiến bộ công nghệ. 

Rủi ro tiềm ẩn

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, các hệ thống chính trị, xã hội hay kinh doanh của chúng ta chưa thực sự sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển đổi mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại, nhưng trong tương lai, những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội sẽ là điều tất yếu xảy ra.

Schwab nhận định “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay  đổi tương lai loài người như thế nào”.

Các cuộc xung đột hiện nay giữa các quốc gia đang ngày càng “lai tạp” về bản chất, kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống và các yếu tố có liên quan trước đó với các đối tượng phi nhà nước. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chẳng hạn như chiến tranh mạng) đang trở nên ngày càng mong manh. Khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí tự động và vũ khí sinh học trở nên dễ dàng sử dụng hơn, từng cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ sở hữu khả năng gây ra những tổn thương hàng loạt không thua kém các quốc gia. Nguy cơ đó sẽ dẫn tới những nỗi sợ hãi mới. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng đồng thời tạo ra tiềm năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới, chẳng hạn như độ chính xác cao hơn trong ngắm bắn mục tiêu. 

Không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Con người cần nắm lấy cơ hội và sức mạnh sẵn có, để hình thành nên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng nó tới một tương lai phản ánh những mục tiêu và giá trị chung của chúng ta.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống, cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Chưa bao giờ xuất hiện sự hứa hẹn hoặc nguy cơ tiềm tàng nào lớn như hiện nay. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thường bị mắc kẹt trong tư duy truyền thống và đơn giản hoặc quá bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng đòi hỏi họ phải lưu tâm. Điều đó cản trở họ có tư duy chiến lược về các lực lượng đột phá và sáng tạo giúp hình thành tương lai của chúng ta.

Định hình tương lai

Công nghệ kỹ thuật số đã và sẽ tiếp tục tác động đến ngành công nghiệp sản xuất. Các công ty sản xuất đứng trước cơ hội có một không hai để chuyển đổi hoặc bị bỏ lại phía sau. Những công ty bỏ qua cơ hội này có thể sẽ bị loại khỏi thị trường. Những công ty biết tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng kỹ thuật số và chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp Công nghiệp 4.0 nhiều khả năng sẽ gặt hái quả ngọt.

Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại di động, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn. Thậm chí, những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng  tử.

Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta sẽ thấy sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, các nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con  người.

Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà  các  cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra.

Những sản phẩm sẽ xuất hiện vào năm 2025

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 9/2015, đã xác định 21 sản phẩm công nghệ sẽ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối. Các sản phẩm này được xác định thông qua một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hội đồng nghị sự toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó có hơn 800 Giám đốc điều hành và chuyên gia từ các lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông tham gia.

Sau đây là 21 sản phẩm được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần:

- 10% dân số mặc trang phục kết nối với Internet.

- 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo).

- 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với Internet.

- Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ.

- 10% mắt kính kết nối với Internet.

- 80% người dân hiện diện số trên Internet.

- Chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.

- Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn.

- Điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa.

- 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D.

- 90% dân số dùng điện thoại thông minh.

- 90% dân số thường xuyên truy cập Internet.

- 10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái.

- Cấy ghép đầu tiên gan làm bằng công nghệ in 3D.

- 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

- Thu thuế được thực hiện qua một blockchain.

- Hơn 50% lượng truy cập Internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng.

- Việc di chuyển sẽ được thực hiện qua các phương tiện công cộng nhiều hơn so với các phương tiện cá nhân.

- Thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông.

- 10% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu được lưu trữ trên blockchain (một giao thức an toàn trong đó một mạng các máy tính cùng nhau xác thực một giao dịch trước khi được lưu trữ và chấp thuận).

- Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới