Cơ hội tiếp cận thị trường gia công phần mềm Nhật Bản của ngành phần mềm Việt Nam

14:07 | 25/10/2013 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ trở thành đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm hải ngoại, với 23% lượng đơn đặt hàng so với 13,7% của Ấn Độ. Từ năm 2009, Việt Nam liên tục là đối tác được ưa thích nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là những thông tin được công bố trong lễ khai mạc Tuần Công nghệ thông tin Nhật Bản do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam và Câu lạc bộ hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam – Nhật Bản tổ chức ngày 23/10/2013 tại Hà Nội.
Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng “đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây”. Trước đây, các doanh nghiệp Công nghệ thông tin Nhật Bản chủ yếu tìm kiếm đối tác kinh doanh đến từ các quốc gia Đông Bắc Á. Tuy nhiên, từ năm 2011, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển dần đối tác kinh doanh sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam đang là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Nhật Bản hiện là một quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, chỉ đứng thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Tổng doanh thu ngành CNTT Nhật Bản đạt 20.000 tỷ yên với hơn 1 triệu người đang hoạt động trong ngành này, sánh ngang với ngành công nghiệp điện tử. Theo bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), các doanh nghiệp Công nghệ thông tin Nhật Bản đang có xu hướng đặt hàng phần mềm tại nước ngoài, công ty có quy mô càng lớn, nhu cầu outsourcing phần mềm tại nước ngoài càng mạnh mẽ.

Toàn cảnh Hội thảo Tuần Công nghệ thông tin Nhật Bản 2013

Xu hướng này của doanh nghiệp Nhật Bản chính là cơ hội tốt cho ngành phần mềm Việt Nam nắm bắt, đặc biệt trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Theo Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm Việt Nam chỉ đạt 3,1% trong năm 2012 so với tốc độ 15-40% của những năm trước.
Việt Nam có nhiều lợi thế cho ngành công nghiệp phần mềm tăng trưởng. Ông Akira Watanabe, Tổng Giám đốc NTT Data Việt Nam đánh giá cao trình độ kỹ thuật của lao động Việt Nam, giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn nhân công Trung Quốc tuy nhiên bên cạnh kiến thức, trình độ kỹ thuật, lao động Việt Nam cần được bồi dưỡng thêm về kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) để có thể tham gia tốt hơn vào lực lượng lao động của các công ty Nhật Bản. Đại diện Công ty NEC Việt Nam chia sẻ muốn cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực gia công phần mềm, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường áp dụng quy trình quản lý chất lượng, sở hữu chứng chỉ CMMI và quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.
Thị trường Nhật Bản với cơ hội rộng mở, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tìm chọn đối tác đặt hàng phần mềm tại Việt Nam nhưng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các đối tác Nhật Bản vô cùng khắt khe. An toàn thông tin, đảm bảo bảo mật tại nơi làm việc cũng là một đòi hỏi của các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản. Doanh nghiệp Việt Nam muốn trở thành đối tác của phía Nhật phải giao hàng đúng hạn, có khả năng chịu đựng sự thay đổi liên tục về yêu cầu đối với sản phẩm, nhân lực biết dùng tiếng Nhật. Khó khăn như vậy, nhưng các công ty Việt Nam như Vinicorp, Tinh Vân Outsourcing, Luvina… đã và đang xây dựng uy tín và thương hiệu với các đối tác Nhật Bản và liên tục nhận được đơn đặt hàng từ phia Nhật Bản.
Tuần Công nghệ thông tin Nhật Bản 2013 được tổ chức đồng thời tại Hà Nội và Đà Nẵng kéo dài từ ngày 23 đến 26/10/2013, đã thu hút được sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới