Bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành Đường bộ
Làm không tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước có thể liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, thậm chí hình sự. Do đó, cán bộ công chức phải nghiên cứu tìm hiểu, nắm bắt được quy trình để xử lý công việc không vi phạm quy định của công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải có kế hoạch tổ chức tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đối với công tác quản lý, giao cho thủ trưởng các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát trong các đơn vị theo định kỳ 1 đến 2 lần mỗi năm, văn thư lưu trữ là khâu trọng yếu.
Cũng tại Hội nghị, Thượng tá Đặng Hồng Nhung, Phó trưởng phòng Bảo vệ bí mật nhà nước, Cục Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ đã phổ biến điểm mới của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Quốc hội thông qua so với Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, bao gồm: các quy định về tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật Nhà nước; phạm vi bí mật Nhà nước; trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước; thẩm quyền quyết định danh mục bí mật Nhà nước; đóng dấu độ mật đối với bí mật Nhà nước dạng văn bản; về thẩm quyền cho phép in, sao, chụp; phổ biến, nghiên cứu bí mật Nhà nước.
Trong các năm qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là một trong các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải làm tốt tất cả quy định về bảo vệ bí mật của nhà nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số hạn chế trong công tác ban hành, tiếp nhận văn bản mật và trong công tác lưu trữ. Quy trình tiếp nhận xử lý, lưu trữ văn bản mật nhiều khi còn chưa đúng quy định. Việc bố trí các trang thiết bị phục vụ cho việc soạn thảo văn bản mật chưa có sự bố trí riêng biệt trong môi trường bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay
Gia Minh