Kế hoạch thúc đẩy IPv6 năm 2017 có những nội dung chính như sau:
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách: Nghiên cứu đề xuất chuyên đề IPv6 trong hoạt động của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); Xây dựng văn bản, chính sách để tăng cường ứng dụng IPv6 trong cơ quan Đảng và Nhà nước; Bổ sung nội dung yêu cầu hỗ trợ, sử dụng IPv6 trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chương trình, đề án về viễn thông và CNTT của Bộ TT&TT; Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách tạo lập thị trường; Bổ sung các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn yêu cầu khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng với IPv6 của các thiết bị, hạ tầng thông tin, mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp; Thực hiện báo cáo, đánh giá khen thưởng hàng năm cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tổ chức Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2017; Duy trì và phát triển trang tin về mức độ sẵn sàng IPv6 tại Việt Nam (www.vietnamipv6ready.vn); Tổ chức tọa đàm chuyên đề về ứng dụng IPv6 trong khối cơ quan Đảng và Nhà nước; Bổ sung nội dung về IPv6 vào các hội nghị, hội thảo, sự kiện chuyên môn trong lĩnh vực viễn thông, CNTT của Bộ TT&TT; Duy trì chuyên mục về IPv6 trên trang web của Bộ TT&TT; Đưa tin bài và thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, các sự kiện IPv6 và hiện trạng triển khai IPv6 của Việt Nam; Tăng cường thông tin tới khách hàng về các dịch vụ hỗ trợ IPv6 của doanh nghiệp; Thúc đẩy việc xin cấp và sử dụng địa chỉ IPv6 của các thành viên địa chỉ IP của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC); Chia sẻ kinh nghiệm, bài học từ việc triển khai thành công dịch vụ IPv6.
Tổ chức và đào tạo, hợp tác quốc tế: Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về công nghệ IPv6 cho các Sở TT&TT; Tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu về triển khai IPv6 trong mạng lưới và dịch vụ cho khối các cơ quan Đảng và Nhà nước; Đào tạo về công nghệ IPv6 trong chuyên ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; Tổ chức đoàn công tác đi làm việc và học tập kinh nghiệm triển khai IPv6; Tham gia các diễn đàn, sự kiện quốc tế về IPv6.
Phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6: Tăng cường kết nối và lưu lượng IPv6 trao đổi qua mạng IPv6 quốc gia; Mở rộng phạm vi triển khai IPv6 và tăng cường lưu lượng IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Tổ chức chương trình làm việc của Ban công tác với các đơn vị, doanh nghiệp để đánh giá mức độ triển khai và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ thực tế trên nền IPv6, tăng cường tỉ lệ người sử dụng và lưu lượng IPv6 của Việt Nam; Thực hiện kích hoạt hỗ trợ và dán nhãn IPv6 ready logo cho các trang web thông tin.
Bên cạnh các chính sách mang tính chất khuyến khích, các thành viên Ban công tác nghiên cứu xem xét xây dựng các chính sách có tính chất bắt buộc trong các văn bản pháp lý phù hợp. Ban công tác cũng tăng cường làm việc với doanh nghiệp để doanh nghiệp có các cam kết tự nguyện trong việc triển khai IPv6. Trên cơ sở kết quả thực hiện của doanh nghiệp, Lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ có các hình thức khen thưởng phù hợp cho doanh nghiệp có kết quả triển khai tốt.
Trước đó, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chỉ đạo Thường trực Ban phối hợp với các đơn vị triển khai xây dựng văn bản của Bộ TT&TT nhắc nhở, khuyến nghị các đơn vị triển khai IPv6. Văn bản kèm theo tài liệu hướng dẫn về các tính năng, ưu điểm của địa chỉ IPv6.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ bổ sung các nội dung về IPv6 trong xây dựng, triển khai các VBQPPL, chương trình, đề án về viễn thông và CNTT của Bộ TT&TT theo nội dung đã thống nhất và trên cơ sở ý kiến của các Lãnh đạo Bộ.