Lãnh đạo các nước G20 lo ngại mã độc phá vỡ hệ thống tài chính thế giới

14:28 | 12/07/2017 | CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Trong tuyên bố sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), lãnh đạo các nước G20 quan ngại về mã độc tấn công hệ thống thông tin tài chính thế giới.



Các nhà lãnh đạo G20 đồng quan điểm về những lợi ích của công nghệ số đối với hệ thống tài chính và cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu. 

Tuyên bố cho biết, một hệ thống tài chính cởi mở và bền vững dựa trên các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận là rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ, khi cần thiết sẽ đưa ra giải pháp khắc phục rủi ro và lỗ hổng an toàn thông tin trong hệ thống tài chính. G20 nhận định rằng, mã độc tấn công hệ thống công nghệ thông tin cũng gây ra hệ lụy mất ổn định về tài chính. Điều này sẽ được xem xét kỹ sau khi có báo cáo chính thức của Hội đồng quản trị tài chính (Financial Stability Board - FSB) – được thành lập sau Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 tại Luân Đôn (Anh).

Mặc dù không nhắm mục tiêu cụ thể đến các tổ chức tài chính, nhưng các cuộc tấn công bằng mã độc như Petya/NotPetya gần đây đã gây tổn thất lớn cho một số tập đoàn lớn. Hãng cung cấp Hàng tiêu dùng khổng lồ Reckitt Benckiser – liên doanh của Hà Lan và Anh có khoảng 37.000 nhân viên làm việc tại hơn 60 quốc gia, nhận định rằng, khoản lỗ của Hãng có thể lên tới 171 triệu USD. Công ty vận tải biển Maersk Đan Mạch – một trong bảy hãng vận tải biển hàng đầu thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công mã độc Petya/NotPetya. Công ty này mất gần 3 ngày để khắc phục sự cố, đưa các hệ thống CNTT trở lại hoạt động trực tuyến sau vụ tấn công không gian mạng và dự kiến khoảng một tuần để đưa 1.500 ứng dụng vào hoạt động. Tập đoàn chuyển phát nhanh quốc tế TNT Express cũng bị thiệt hại nặng nề, mất gần một tuần để khắc phục hệ thống giao hàng ở Úc và trên toàn thế giới sau khi bị tấn công bởi mã độc Petya….

Các tội phạm mạng cũng đã nhắm mục tiêu mạng lưới thông tin tài chính SWIFT để đánh cắp tiền từ ngân hàng, trong đó có một cuộc đột kích ngân hàng nổi tiếng ở Bangladesh.

Mạng lưới SWIFT, bao gồm cả ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới tạo thành hệ thống chuyển khoản ngân hàng toàn cầu. Các cuộc tấn công mạng nhắm mục tiêu vào hệ thống này đã thành công trong việc ăn cắp tiền từ ngân hàng trung ương Bangladesh hồi tháng 2/2016 cho thấy, các tin tặc trở nên tinh vi hơn trong chiến thuật tấn công mạng.

SWIFT đã phải cảnh báo về mối đe dọa leo thang đối với hệ thống của họ khi mà liên tiếp xảy ra các cuộc tấn công đánh cắp tiền từ như: tin tặc đã lấy cắp 250.000 USD từ ngân hàng Sonali của Bangladesh vào năm 2013; hơn 12 triệu USD đã bị đánh cắp từ Banco del Austro của Ecuador vào năm 2015; Ngân hàng Tiên Phong của Việt Nam cho biết, đã đánh bại một nỗ lực để ăn cắp tiền qua SWIFT vào tháng 5/2016….

Vào tháng 10/2017, Hội đồng quản trị tài chính của G20 sẽ công bố báo cáo chính thức, khi đó  thế giới sẽ được chứng kiến bức tranh tổng thể về kinh tế và thông tin về tội phạm mạng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới