Trên cơ sở các Luật, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, tích hợp nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Tỉnh đã được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi, là căn cứ cho các cấp, các ngành định hướng triển khai. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, Khung Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) của Tỉnh đã được xây dựng kịp thời. Thông qua kiến trúc, các chuẩn kỹ thuật được hình thành và cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản tạo nền tảng và định hướng kỹ thuật nhằm đảm bảo tính tập trung và chuẩn hóa trong lộ trình xây dựng CQĐT tại địa phương.
Hạ tầng thông suốt
Đến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước theo ngành dọc từ cấp Tỉnh đến cấp Xã trên địa bàn được xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), qua đó đã kết nối toàn bộ thiết bị CNTT của các đơn vị, địa phương và đảm bảo triển khai các ứng dụng chung trên môi trường mạng. Hệ thống mạng diện rộng của Tỉnh được triển khai kết nối các hệ thống mạng LAN các cơ quan nhà nước tạo ra một hệ thống kết nối thống nhất để trao đổi dữ liệu. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở TT&TT nhằm triển khai thống nhất hệ thống các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước của địa phương.
Ứng dụng đồng bộ
Việc công khai thông tin để phát huy vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình cải cách hành chính của Tỉnh. Cổng Thông tin điện tử (http://thuathienhue.gov.vn) được hình thành theo mô hình liên thông 3 cấp (Tỉnh, Huyện, Xã). Đến nay đã cung cấp gần 400 thủ tục hành chính trực tuyến với gần 1000 hồ sơ đăng ký và nhận kết quả trực tuyến. Số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến ngày càng tăng, đặc biệt là thu hút sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Cổng thông tin điện tử có nhiệm vụ cung cấp toàn diện mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, quy hoạch....
Các văn bản về chế độ, chính sách, pháp luật của Tỉnh được cập nhật kịp thời, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền để kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân và xã hội.
Hệ thống các ứng dụng trong cơ quan nhà nước đã đi vào vận hành ổn định, tạo thành nề nếp và đã phát huy hiệu quả. Hệ thống các ứng dụng dùng chung như: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Đăng ký lịch họp và phát hành giấy mời qua mạng; Theo dõi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và các hệ thống ứng dụng chuyên ngành... đã thúc đẩy, chuyển đổi mô hình làm việc hiện đại trên môi trường mạng, thay đổi nhận thức của công chức, viên chức từ đó làm tăng hiệu quả của quá trình thực thi công vụ của cán bộ, nhân viên cũng như hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung đã được Tỉnh xây dựng như: CSDL danh mục thủ tục hành chính; CSDL cán bộ, công chức, viên chức; CSDL tài sản công; CSDL GIS Huế... có tính liên thông và kế thừa đã giúp cho công tác triển khai hệ thống thông tin được khoa học, tiết kiệm và hạn chế trùng lặp thông tin.
Cải cách thủ tục hành chính, đồng hành với việc cải cách lề lối làm việc, nâng cao chất lượng cung cung ứng dịch vụ hành chính công phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức là bước đột phá thông qua việc ứng dụng CNTT tại Tỉnh. Qua đó, hệ thống ứng dụng một của điện tử đã được triển khai đồng bộ tại bộ phận Một cửa của các cơ quan hành chính các cấp đã phần nào phát huy hiệu quả. Không dừng lại ở đó, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai cung cấp cho người dân, doanh nghiệp hình thức đăng ký trực tuyến (https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn).
Bảo đảm an toàn thông tin phục vụ chính quyền điện tử
Một trong những thách thức rất lớn trong quá trình xây dựng CQĐT đó là vấn đề đảm bảo ATTT. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những hành động thiết thực, cụ thể. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo ATTT mạng trực thuộc Tỉnh ủy do đồng chí Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Phó ban và Giám đốc Công an tỉnh là Phó Ban thường trực, Giám đốc Sở TT&TT là thành viên Ban chỉ đạo. Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo bao gồm cán bộ nòng cốt của Công an Tỉnh, Sở TT&TT. Ngoài ra, UBND Tỉnh cũng đã thành lập tổ nghiệp vụ CNTT trực thuộc Tỉnh do đồng chí Phó Giám đốc Sở TT&TT làm Tổ trưởng, với một trong những nhiệm vụ chính là đảm bảo ATTT trong việc triển khai hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sở TT&TT đã thành lập Tổ ứng cứu sự cố máy tính để trực tiếp, kịp thời ứng cứu sự cố mạng và giải quyết các vấn đề ATTT tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Tuy nhiên, thực tiễn về vấn đề ATTT còn đặt ra khá nhiều thách thức, đòi hỏi có sự quyết tâm và đầu tư không nhỏ về các nguồn lực của Tỉnh; có thể điểm qua một số nguy cơ chính sau:
Thứ nhất và quan trọng nhất là nhận thức về vấn đề ATTT của người sử dụng. Nhìn chung, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về vấn đề này còn hạn chế, kỹ năng sử dụng mạng an toàn chưa cao. Do đó, việc mã độc, virus cũng như ý đồ xâm nhập vào hệ thống của các đối tượng thông qua các phương tiện mà người dùng sở hữu là nguy cơ thường trực.
Thứ hai, nhân lực quản trị hệ thống mạng thực hiện các nhiệm vụ về ATTT đòi hỏi phải có trình độ cao, am hiểu chuyên sâu. Nhưng trên thực tế môi trường nhà nước khó tuyển dụng và “giữ chân” được những cá nhân có trình độ cao, từ đó, việc triển khai các quy định, tiêu chuẩn bảo mật không được đảm bảo, dẫn đến công tác bảo đảm ATTT trở nên bị động.
Thứ ba, hệ thống mạng nội bộ đã góp phần thúc đẩy việc ứng dụng CNTT, đồng thời cũng là môi trường rất thuận lợi cho việc lây nhiễm các vấn đề gây mất ATTT trong hệ thống.
Thứ tư, mạng diện rộng với vai trò kết nối các mạng LAN với nhau, đảm bảo cho việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy vai trò chuyển tải dữ liệu cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn việc lây nhiễm mã độc gây mất ATTT từ cơ quan này sang cơ quan khác và trên toàn mạng diện rộng.
Thứ năm, Trung tâm dữ liệu là nơi tập trung các ứng dụng trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là nơi triển khai hệ thống các CSDL quan trọng. Việc đảm bảo ATTT tại Trung tâm dữ liệu có ý nghĩa “sống còn” của quá trình xây dựng CQĐT. Với sự gia tăng mạnh mẽ các ứng dụng CNTT, Trung tâm này đòi hỏi có sự đầu tư nghiêm túc và chất lượng của các cơ quan, đơn vị.
Thứ sáu, các ứng dụng CNTT được phát triển chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn về bảo mật; việc kiểm tra, đánh giá trước khi đưa vào vận hành còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực. Bên cạnh đó, việc theo dõi để kịp thời vá các lỗ hổng bảo mật chưa được thực hiện thường xuyên cũng là nguy cơ không nhỏ ảnh hưởng đến ATTT....
Có thể đánh giá, các điều kiện cơ bản để xây dựng và phát triển CQĐT tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng và bước đầu phát huy hiệu quả. Quá trình hoàn thiện theo đúng tiêu chuẩn cần có sự đầu tư thích đáng của Tỉnh cũng như sự định hướng của Chính phủ, Bộ TT&TT. Thêm vào đó, xây dựng và phát triển CQĐT đòi hỏi một quá trình liên tục và phải có sự quan tâm và quyết tâm của các cấp lãnh đạo cũng như trách nhiệm tham gia cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.
Từ thực tiễn xây dựng CQĐT tại Thừa Thiên Huế, có thể thấy rằng ATTT là vấn đề thường trực cho tất cả các hệ thống, có tính xuyên suốt từ khâu nhận thức, chính sách, nhân lực, hạ tầng và các điều kiện khác. Nguy cơ mất ATTT đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng và phát triển CQĐT. Việc đánh giá không đúng mức cũng như việc không quan tâm, không coi trọng về ATTT sẽ tạo thành nguy cơ thường trực về an ninh, an toàn mạng và ảnh hưởng lớn đến kết quả xây dựng và phát triển CQĐT.