Quy hoạch phát triển Thông tin và Truyền thông 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (giai đoạn 2021 - 2025)

09:00 | 09/08/2022 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Tháng 11/2021, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công bố Quy hoạch phát triển ngành Thông tin và Truyền thông 5 năm lần thứ 14 (gọi tắt là Quy hoạch). Quy hoạch đề ra lộ trình chi tiết cho phát triển ngành Thông tin và Truyền thông của nước này trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây được coi là tài liệu mang tính chiến lược để định hướng cho phát triển chất lượng cao của ngành Thông tin và Truyền thông, hướng dẫn các bên tham gia thị trường, phân bổ các nguồn lực công của chính phủ trong triển khai chiến lược Trung Quốc kỹ thuật số (Trung Quốc số).

Quy hoạch gồm 4 phần, dài 49  trang, gồm những nội dung chính sau:

Về mục tiêu phát triển

Quy hoạch đề ra 20 mục tiêu được định lượng, chia thành các nhóm: Cơ sở hạ tầng Thông tin và Truyền thông Trung Quốc duy trì ở mức tiên tiến trên thế giới; Năng lực phục vụ của các cơ sở dữ liệu và sức mạnh tính toán được nâng cao hơn nữa; Đạt được đột phá quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tích hợp; Mức độ ứng dụng kỹ thuật số được cải thiện đáng kể (công nghệ số hội nhập sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trình độ ứng dụng dữ liệu trong công nghiệp được nâng cao rõ rệt; các hình thức kinh doanh mới của Internet phát triển mạnh mẽ; số lượng các công ty nền tảng và đám mây tăng lên đáng kể, mức độ xã hội hóa kỹ thuật số được cải thiện đáng kể...); Quản lý ngành nghề và bảo vệ quyền người dùng đạt được bước nhảy vọt; Nâng cao khả năng bảo vệ an ninh mạng và an toàn dữ liệu; Mức độ phát triển xanh được nâng cao hơn nữa (phát triển gắn với bảo vệ môi trường, tập trung vào tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải các bon).

Quy hoạch định hướng xây dựng mạng 5G độc lập lớn nhất thế giới phủ sóng toàn quốc (Trung Quốc đang dẫn đầu về xây dựng mạng 5G với 1,15 triệu trạm gốc, người dùng thiết bị đầu cuối 5G đạt 450 triệu, chiếm 80% thế giới); mạng cáp quang Gigabit đạt phạm vi phủ sóng đến các khu vực thành thị và nông thôn; hệ sinh thái toàn diện của IoT di động được hình thành; xây dựng mạng Internet công nghiệp chất lượng cao bao phủ tất cả các khu vực và ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra một loạt các tiêu chuẩn "5G + Internet công nghiệp"; các tuyến đường cao tốc và đường đô thị chính đạt được mức độ phủ sóng quy mô lớn của mạng phương tiện di động (C-V2X).

Về các chỉ số cụ thể, Quy hoạch đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025, doanh thu của ngành Thông tin và Truyền thông tăng từ 2,64 nghìn tỷ NDT lên 4,3 nghìn tỷ NDT, đạt tăng trưởng 10%, số trạm 5G tăng từ 5 lên 26/10.000 dân, lượng truy cập mạng di động IPv6 tăng từ 17,2% lên 70%, tỷ lệ thâm nhập của người dùng 5G tăng từ 15% lên 56%, tỷ lệ truy cập 5G của các làng hành chính đã tăng từ 0 lên 80%, 56% dân số sử dụng mạng Gigabit....

Những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển

Quy hoạch chia ra 5 lĩnh vực với 26 hạng mục ưu tiên phát triển, gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng số mới; Mở rộng không gian phát triển kỹ thuật số; Xây dựng hệ thống quản lý ngành nghề mới; Tăng cường toàn diện năng lực bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu; Tăng cường phối hợp tổng thể xuyên vùng và liên ngành. Quy hoạch nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới, trong đó triển khai toàn diện hạ tầng mạng 5G, cáp quang Gigabit, IPv6, Internet di động IoT, mạng truyền thông vệ tinh và cơ sở hạ tầng mạng truyền thông thế hệ mới khác (tháng 4/2020, Internet vệ tinh lần đầu được đưa vào chính sách "cơ sở hạ tầng mới" của Trung Quốc để thúc đẩy tích hợp hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh với hệ thống thông tin liên lạc mặt đất, hình thành mạng thông tin phủ khắp thế giới), trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, năng lực tính toán.

Về mở rộng của không gian phát triển kỹ thuật số, Quy hoạch nhấn mạnh cần thúc đẩy nhu cầu trong nước và phát triển mở rộng lĩnh vực tiêu thụ thông tin mới, tập trung số hóa các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới như 5G, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; tập trung nghiên cứu công nghệ mũi nhọn, phát triển sản phẩm đầu cuối, ứng dụng tích hợp để tối ưu hóa môi trường phát triển công nghiệp,.... Trong việc xây dựng hệ thống quản lý ngành mới, Quy hoạch tập trung vào ba khía cạnh là quản lý bộ máy hành chính, quản lý nguồn lực và quản lý hành vi vi phạm pháp luật.

Trong việc đảm bảo an ninh mạng, Quy hoạch nhấn mạnh cần tập trung đảm bảo an ninh, an toàn cho cơ sở hạ tầng trọng yếu; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý quốc gia, hình thành mô hình an ninh mạng quốc gia mới, phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng và tạo ra môi trường sinh thái mạng tin cậy, cải thiện toàn diện phản ứng khẩn cấp về an ninh mạng của ngành,.... Đây cũng là lần đầu tiên, Quy hoạch coi sự phát triển đổi mới của ngành công nghiệp an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng; nâng cao mức độ kiểm soát các công nghệ cốt lõi trong ngành an ninh mạng; đảm bảo hỗ trợ phát triển lành mạnh của nền kinh tế kỹ thuật số.

Về nhóm các giải pháp

Trong thời gian tới, Trung Quốc tập trung vào bốn nhóm giải pháp:

Một là thúc đẩy kiện toàn hệ thống pháp luật và các quy định, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực Thông tin và Truyền thông; sửa đổi các luật và quy định liên quan đến quyền dữ liệu, lưu thông và giao dịch dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới. Tổ chức mô hình quản lý ba cấp cho ngành Thông tin và Truyền thông là cấp bộ, cấp tỉnh và cấp thành phố.

Hai là tăng cường hỗ trợ tài chính cho phát triển ngành công nghiệp Thông tin và Truyền thông, phát huy hiệu quả các quỹ đầu tư của chính phủ và các quỹ đặc biệt của địa phương, khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa.

Ba là đẩy mạnh hỗ trợ các dự án lớn quốc gia về phát triển nhân tài; phát huy hết vai trò của doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, trường học, hiệp hội ngành, cơ sở đào tạo,..; xây dựng các chương trình giới thiệu nhân tài, thu hút chất xám từ nước ngoài.

Bốn là chú ý tăng cường kết nối giữa quy hoạch địa phương với quy hoạch doanh nghiệp, thiết lập cơ chế phối hợp giữa bộ với tỉnh, liên bộ và bộ với doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp như giám sát và đánh giá thực hiện kế hoạch.

Quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực hiện tham vọng trở thành cường quốc kỹ thuật số

Theo Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, Quy hoạch 2021 - 2025 đã định vị rõ chức năng ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tiếp theo là “ngành chiến lược, cơ bản và đi đầu trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật số quốc gia mới, cung cấp dịch vụ mạng và thông tin, hỗ trợ toàn diện cho phát triển kinh tế - xã hội”. So với quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016 - 2020), Quy hoạch lần này có 8 chỉ tiêu mới được bổ sung, trong đó chủ yếu thể hiện ở việc triển khai và ứng dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới như 5G, mạng quang Gigabit và Internet công nghiệp. Việc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới sẽ là nền tảng để phát triển của kinh tế số, là động lực quan trọng để thúc đẩy một vòng tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc. Mục tiêu thúc đẩy “tiêu dùng trong nước” và xây dựng “hệ sinh thái an ninh mạng Trung Quốc” là những giải pháp chính của nước này để ứng phó với tình hình cạnh tranh công nghệ và các nguy cơ đe dọa an ninh thông tin tiếp tục gia tăng.  

Quy hoạch phát triển ngành Thông tin và Truyền thông này tương thích và kết nối với các chiến lược khác về công nghệ và kỹ thuật của nước này như:

“Made in China 2025” (công bố năm 2015, được mô tả là “sáng kiến để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc”, định vị các công ty Trung Quốc ở vị trí hàng đầu trong đổi mới toàn cầu; mục tiêu đến 2025 Trung Quốc đạt 70% mức “tự cung tự cấp” trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đến 2049 sẽ “thống trị” thị trường toàn cầu);

“Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (công bố năm 2020, thể hiện cho tham vọng thiết lập tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu của Trung Quốc trong 15 năm tiếp theo; trong đó tập trung phát triển 10 ngành công nghiệp công nghệ cao mũi nhọn như: IoT, điện toán đám mấy, bigdata, 5G và AI...);

Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR)” (năm 2017, Trung Quốc công bố chiến lược Digital Silk Road với mục đích: cải thiện kết nối khu vực và quốc tế, thúc đẩy đổi mới các ngành công nghiệp ở các nước dọc chiến lược Vành đai - Con đường, tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm);

“Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới” (công bố tháng 12/2018, tập trung vào: (i) Cơ sở hạ tầng thông tin: được tạo ra dựa trên phát triển của công nghệ mới như 5G, IoT, Internet công nghiệp, Internet vệ tinh, công nghệ AI, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ blokchain, các trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán thông minh; (ii) Cơ sở hạ tầng tích hợp: chỉ việc ứng dụng Internet, công nghệ bigdata, công nghệ AI để chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện có thành cơ sở hạ tầng tích hợp, như hạ tầng giao thông thông minh, hạ tầng năng lượng thông minh; (iii) Cơ sở hạ tầng sáng tạo: là việc hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm); trong đó Quy hoạch là chiến lược để phát triển Thông tin và Truyền thông trong nước còn DSR là chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu công nghệ Trung Quốc ra thế giới.

Các chỉ tiêu đặt ra cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực hiện tham vọng trở thành cường quốc kỹ thuật số, nổi bật là lĩnh vực 5G. Tính đến năm 2020, kinh tế số toàn cầu đạt 8,98 nghìn tỷ USD, có 74 công ty nền tảng số có giá trị hơn 10 tỷ USD, trong đó Mỹ có 35 và Trung Quốc có 30 công ty. Theo dự báo của IDC, đến năm 2025, dữ liệu toàn cầu sẽ hình thành ba thị trường chính là TQ chiếm 28%, Mỹ chiếm 17,5%, khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi chiếm  27,6%;

Song song với việc thúc đẩy phát triển trong nước, Trung Quốc sẽ thúc đẩy xuất khẩu công nghệ ra thế giới và khu vực ASEAN trở thành vùng đệm cho các bigtech như Huawei, ZTE, Alibaba, Bytedance, Tencent.... Công nghệ và kỹ thuật số của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, một mặt đem lại cơ hội cho các quốc gia trong khu vực ASEAN, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro do vấn đề cạnh tranh công nghệ giữa một bên là Trung Quốc còn một bên là Mỹ và đồng minh.

Trần Văn Liệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới