Quy định rõ trách nhiệm quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

12:00 | 03/03/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới. Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, cần rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật này theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ về chữ ký số chuyên dùng công vụ.


Quản lý hiệu quả chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

Pháp luật hiện hành có nhiều quy định về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ. Theo Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011, Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu. Khoản 1, Điều 49 Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm: “Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử”.

Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định cụ thể chữ ký điện tử. Trách nhiệm Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã được quy định rõ tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật này và Nghị định số 09/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Quản lý nhà nước về chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng dùng riêng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là hai nhiệm vụ riêng. Hai nhiệm vụ này khác nhau về đối tượng, mục tiêu, chủ thể, phương thức quản lý và hạ tầng kỹ thuật. Từ năm 2007 đến nay, đã hình thành 2 tổ chức quản lý: Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia quản lý hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng dùng riêng cấp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) và Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin quản lý hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội), hoạt động không chồng chéo, có hiệu quả.

Thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giúp Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sửa “chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” thành “chữ ký số chuyên dùng công vụ) ổn định, đồng bộ, toàn diện trên các mặt: hoàn thiện hành lang pháp lý; mở rộng hạ tầng kỹ thuật quy mô quốc gia; cung cấp, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng; kiểm tra, đánh giá, sơ tổng kết công tác quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (chuyên dùng công vụ).

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành Cơ yếu, ngày 05/3/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 là “Phát triển hạ tầng cơ sở mật mã quốc gia hiện đại... Bảo đảm cán bộ, công chức được sử dụng chữ ký chuyên dùng Chính phủ...”; đến năm 2030 là “Phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại”...; trong phần nhiệm vụ, giải pháp đã nêu “lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chữ ký chuyên dùng Chính phủ”.

Quy định cụ thể trách nhiệm

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, đồng thời không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành hiện nay. Khoản 2, Điều 7 (trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử) của dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước đối với giao dịch điện tử theo quy định của Luật này.

Qua nghiên cứu cho thấy, chữ ký số dùng để xác nhận sự chấp thuận và chống chối bỏ của chủ thể ký đối với nội dung văn bản. Về mặt kỹ thuật, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Theo Điểm C, Khoản 2, Điều 21 Luật Cơ yếu thì “Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý, kiểm soát việc sử dụng các loại sản phẩm mật mã trong cả nước” và Khoản 4, Điều 52 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định rõ “Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự".

Theo đó, ngoài giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (chuyên dùng công vụ), Ban Cơ yếu Chính phủ còn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã sử dụng trong chữ ký số (mật mã bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và mật mã dân sự). Vì vậy, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng dùng riêng hay chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (chuyên dùng công vụ) sử dụng mật mã để ký, xác thực mà mật mã đã được giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý với vai trò là Cơ quan mật mã quốc gia.

Chính vì vậy, Điều 15, Điều 16 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định trước khi cấp phép cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng dùng riêng thì Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm tra hồ sơ và cấp phép, thay đổi nội dung giấy phép, cấp lại giấy phép. Theo đó, nội dung quản lý nhà nước về chữ ký số bao gồm trách nhiệm của cả Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đề nghị rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Cụ thể, tại Điều 7 (trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử) sửa khoản 2 và bổ sung khoản 3 như sau: “(2). Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử theo quy định của Luật này, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ. (3). Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của Luật này”.

Tại Điều 26 (Chữ ký số chuyên dùng công vụ) sửa khoản 1 cho rõ hơn và bổ sung khoản 4 như sau: “(1). Chữ ký số chuyên dùng công vụ được cung cấp bởi Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ”. (4). Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký số chuyên dùng công vụ, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ”.

Đoàn Phúc Thịnh (daibieunhandan.vn)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới