Quản trị trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc (Phần 1)
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên phát triển của số hóa, thông minh hóa và kết nối mạng. Là một trong những công nghệ mũi nhọn, AI đã thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội. Mười năm qua được coi là “thập kỷ vàng” của AI được đại diện bằng công nghệ học sâu (deep learning). Thông qua học sâu và công nghệ mạng nơron (neural networks) mà lĩnh vực AI đã mở ra nhiều hướng đi mới.
Kể từ khi khái niệm “trí tuệ nhân tạo” được đề xuất tại Hội nghị Dartmouth năm 1956, lĩnh vực AI đã trải qua những thăng trầm. Sự phát triển của nhiều kỹ thuật liên quan như thuật toán học máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chip dành riêng cho AI và framework phần mềm nguồn mở đã thúc đẩy sự tiến bộ vượt bậc của AI. AI không chỉ có khả năng nhận thức, hiểu biết, học tập và ra quyết định mà còn nhanh chóng trở thành một công nghệ đa năng và là nền tảng thông minh, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của kinh tế và xã hội, mang lại những sản phẩm mới và dịch vụ mới. Với tư cách là công nghệ chiến lược, dẫn đầu một chu kỳ cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), AI được kỳ vọng sẽ định hình lại nền kinh tế và hoạt động xã hội, có tác động lớn đến năng suất, việc làm, phân phối thu nhập và toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh đó, AI đã trở thành trọng tâm mới của cạnh tranh quốc tế, các nước đã đưa ra chiến lược và chính sách phát triển AI để nắm bắt cơ hội phát triển. Tháng 7/2017, Trung Quốc công bố "Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới" [2], AI trở thành một phần trong chiến lược quốc gia của nước này. Tháng 4/2018, Liên minh Châu Âu (EU) ban hành Chiến lược AI [3], nhằm đưa EU trở thành trung tâm AI hàng đầu và đảm bảo rằng AI hướng đến con người và đáng tin cậy. Tháng 2/2019, Hoa Kỳ công bố “Kế hoạch AI của Mỹ” nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của nước này trong lĩnh vực AI. Tháng 9/2021, Vương quốc Anh đưa ra chiến lược AI, với hy vọng Anh sẽ thành một siêu cường AI trong kế hoạch 10 năm.
Từ chiến lược AI của các quốc gia, có thể thấy rằng cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực AI không chỉ liên quan đến đổi mới công nghệ và kinh tế công nghiệp mà còn liên quan đến khía cạnh quản trị AI. Với việc ứng dụng rộng rãi AI, nhiều vấn đề đạo đức khoa học và công nghệ (đạo đức công nghệ) AI thu hút sự quan tâm của xã hội như: Phân biệt đối xử về thuật toán, AI ra quyết định không công bằng, kén thông tin (Information Cocoons), lạm dụng thông tin cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư, bảo mật AI, hộp đen thuật toán, lạm dụng công nghệ, rủi ro tác động đến việc làm, tác động đến đạo đức xã hội.
Nhận thức được vấn đề này, bên cạnh tăng cường phát triển công nghệ AI, Trung Quốc đã tăng cường các cơ chế, biện pháp để quản trị như như luật pháp, khuôn khổ đạo đức, tiêu chuẩn, chứng nhận để thúc đẩy AI có trách nhiệm (Responsible AI), tin cậy và lấy con người làm trung tâm, thể hiện trên các khía cạnh sau:
Một là: Chủ động ban hành chiến lược vĩ mô và chính sách cụ thể
Tháng 2/2013, "Ý kiến chỉ đạo về thúc đẩy phát triển có trật tự và lành mạnh của Internet vạn vật" [4] được ban hành, đề xuất "phát triển kinh tế và xã hội thông minh", từ đó AI đã trở thành một chủ đề quan trọng trong các chính sách phát triển của Trung Quốc. Năm 2015 “Ý kiến chỉ đạo tích cực thúc đẩy hành động ‘Internet +’ ”, lần đầu tiên đề cập “phát triển ngành công nghiệp mới AI”. Kể từ đó, sự quan tâm của Trung Quốc vào AI ngày càng tăng lên, triển khai nhiều chính sách phát triển AI ở quy mô quốc gia, đảm bảo sự kiểm soát độc lập đối với các công nghệ cốt lõi, phát huy tính tự chủ về các công nghệ tiên phong.
Các chính sách thực thi cũng nhanh chóng được ban hành, trong đó nổi bật là xây dựng các khu vực thí điểm AI. Bộ Khoa học & Công nghệ đã xúc tiến xây dựng 18 khu thí điểm phát triển và đổi mới AI thế hệ mới trên toàn quốc, đóng vai trò dẫn dắt về công cụ chính sách, mô hình ứng dụng, phương pháp tiếp cận thực nghiệm. Từ năm 2019, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã phê duyệt xây dựng 11 khu thí điểm ứng dụng đổi mới sáng tạo AI quốc gia nhằm thúc đẩy tích hợp sâu rộng của AI và nền kinh tế thực. Tháng 7/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì ban hành "Ý kiến chỉ đạo về tăng cường ứng dụng AI thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao”, tập trung vào giải quyết các vấn đề về ứng dụng và công nghiệp hóa AI; thúc đẩy tích hợp sâu rộng của AI vào phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chất lượng cao.
Với sự hỗ trợ của chiến lược vĩ mô và các chính sách thực thi cụ thể, sự đổi mới và khởi nghiệp lĩnh vực AI của Trung Quốc diễn ra tích cực, các phòng thí nghiệm quốc gia lần lượt được thành lập; các phương diện như đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghiệp, phát triển nhân tài có nhiều thành tựu lớn. "Báo cáo chỉ số đổi mới AI toàn cầu năm 2021" [5] do Viện Thông tin khoa học và Công nghệ Trung Quốc công bố cho thấy, phát triển AI toàn cầu hiện nay thể hiện bức tranh do Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đầu, các nước lớn cạnh tranh với nhau khốc liệt; khoảng cách của Trung Quốc với Hoa Kỳ ngày càng thu hẹp; quy mô doanh nghiệp, số lượng đăng ký bằng sáng chế, đội ngũ nhân tài và năng lực nghiên cứu khoa học của Trung Quốc nằm trong số những nước dẫn đầu thế giới.
Nghiên cứu của PwC dự báo rằng, đóng góp của AI cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt 15,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030, trong đó Trung Quốc sẽ thu được lợi ích kinh tế nhiều nhất, đạt 7 nghìn tỷ USD, Hoa Kỳ và Bắc Mỹ đạt 3,7 nghìn tỷ USD.
Hai là: Không ngừng hoàn thiện đạo đức công nghệ
Các công nghệ kỹ thuật số mới nổi như AI có tính đặc thù và phức tạp, khác biệt so với các ứng dụng công nghệ trong thời đại công nghiệp trước đây, được thể hiện ở: (1) Tính Kết nối rộng: kết nối mạng cũng như thu thập và xử lý dữ liệu ở khắp mọi nơi; (2) Quyền tự chủ mạnh mẽ: hệ thống AI thúc đẩy nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người; (3) Độ mờ sâu hơn: “hộp đen thuật toán” của hệ thống AI khó hiểu và khó giải thích; (4) Độ mô phỏng cao hơn: nội dung, dữ liệu và thế giới ảo do AI tạo ra ngày càng gần với thực tế hơn.
Do đó, ứng dụng công nghệ AI đặt ra những thách thức mới đối với việc quản trị đạo đức công nghệ. Hơn nữa, khi cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt, đạo đức công nghệ không chỉ liên quan đến việc ngăn chặn các thách thức rủi ro an ninh công nghệ mà còn liên quan đến việc tạo ra khả năng cạnh tranh công nghệ quốc gia.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 (năm 2012), Trung Quốc đã quan tâm vấn đề đạo đức công nghệ, đưa vấn đề đạo đức công nghệ vào các chính sách quốc gia như một yêu cầu trong đổi mới khoa học và công nghệ. Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc kiên trì và hoàn thiện hệ thống XHCN đặc sắc Trung Quốc thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý quốc gia (2019) [6] và Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và đề cương mục tiêu dài hạn đến 2035 [7] đã đưa ra định hướng chiến lược và yêu cầu hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý đạo đức công nghệ. Trung Quốc xây dựng hệ thống đạo đức công nghệ phản ánh ở ba khía cạnh sau:
Thứ nhất, thành lập Ủy ban đạo đức công nghệ quốc gia, chịu trách nhiệm hướng dẫn, điều phối, thúc đẩy xây dựng hệ thống quản lý đạo đức công nghệ toàn quốc. Tháng 7/2019, cuộc họp lần thứ chín của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương đã thông qua "Kế hoạch thành lập Ủy ban đạo đức công nghệ quốc gia", chính thức thành lập cơ quan quản lý đạo đức công nghệ cấp quốc gia. Tháng 3/2022, "Ý kiến về tăng cường quản lý đạo đức công nghệ" được ban hành, quy định rõ thêm về trách nhiệm quản lý của Ủy ban này.
Thứ hai, ban hành chính sách, quy định liên quan để hỗ trợ quản lý đạo đức công nghệ. Luật Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (sửa đổi tháng 12/2021) của Trung Quốc bổ sung các quy định liên quan đến đạo đức công nghệ; một mặt đưa ra quy định tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý đạo đức công nghệ; mặt khác, các chủ thể liên quan (như tổ chức nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, tổ chức giáo dục đại học, doanh nghiệp) phải chịu trách nhiệm chính về quản lý đạo đức công nghệ và tiến hành đánh giá đạo đức trong hoạt động khoa học và công nghệ. "Ý kiến về tăng cường quản lý đạo đức công nghệ" đưa ra các yêu cầu toàn diện hơn, bao gồm sáu khía cạnh (Yêu cầu tổng thể, nguyên tắc, hệ thống, bảo đảm thể chế, đánh giá và giám sát, giáo dục và tuyên truyền), đặt nền móng cho việc thực hiện công tác quản lý đạo đức công nghệ. Tiếp đó, các quy định hỗ trợ như phương pháp rà soát đạo đức công nghệ, danh sách các hoạt động khoa học và công nghệ có rủi ro cao về đạo đức công nghệ, các chuẩn mực đạo đức công nghệ trong các lĩnh vực… cũng được xây dựng, ban hành.
Thứ ba, nhấn mạnh việc quản lý khoa học và công nghệ có đạo đức đối với lĩnh vực AI. Trung Quốc liên tiếp ban hành “Nguyên tắc quản trị AI thế hệ mới - Phát triển AI có trách nhiệm” và “Quy tắc đạo đức AI thế hệ mới”, qua đó đưa ra các hướng dẫn đạo đức để phát triển AI có trách nhiệm. Các luật và quy định như "Luật bảo mật dữ liệu", “Quy định về quản lý đề xuất thuật toán dịch vụ thông tin Internet” [14] và “Ý kiến hướng dẫn về tăng cường quản lý toàn diện thuật toán dịch vụ thông tin Internet"… đưa ra các yêu cầu về đạo đức công nghệ, các biện pháp quản lý đối với hoạt động dữ liệu và thuật toán. "Ý kiến về tăng cường quản lý đạo đức công nghệ" liệt kê AI, khoa học đời sống và y học là 3 lĩnh vực chính; yêu cầu phải xây dựng các chuẩn mực và hướng dẫn về đạo đức công nghệ đặc biệt, tăng cường pháp luật về đạo đức công nghệ, đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp giám sát đạo đức công nghệ. Ngoài ra, ở cấp địa phương cũng ban hành các chính sách liên quan như “Quy định thúc đẩy ngành AI của Thâm Quyến” và “Quy định về thúc đẩy phát triển ngành AI của Thượng Hải” đều coi quản trị đạo đức AI là sự đảm bảo quan trọng để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp AI.
Có thể thấy ở Trung Quốc, trong quản trị đạo đức công nghệ AI, một xu hướng đáng chú ý là giao trách nhiệm quản lý đạo đức công nghệ cho chủ thể đổi mới sáng tạo. Điều này phù hợp với việc nhấn mạnh trách nhiệm của nhà mạng trong giám sát nền tảng Internet. Pháp luật liên quan trong lĩnh vực quản lý Internet đã thiết lập hệ thống nghĩa vụ toàn diện của các nền tảng trước, trong và sau sự kiện.
"Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm đối với chủ thể của nền tảng Internet (Dự thảo lấy ý kiến)" [8] đã cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể cung cấp nền tảng. Sự giám sát của chính phủ đối với AI cũng cho thấy ý tưởng tương tự. Các chính sách và quy định liên quan hiện hành đang dần hoàn thiện trách nhiệm của các chủ thể quản lý đạo đức công nghệ, yêu cầu các chủ thể thành lập ủy ban đạo đức, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của đạo đức công nghệ, tiến hành đánh giá đạo đức công nghệ, thực hiện giám sát rủi ro đạo đức công nghệ, cảnh báo sớm, thực hiện đào tạo về đạo đức công nghệ,....
Ba là: Tăng cường ứng dụng thuật toán trong lĩnh vực Internet
Các ứng dụng thuật toán trong lĩnh vực Internet như đề xuất thuật toán, ra quyết định tự động bằng thuật toán, tổng hợp sâu AI,... đã trở thành trọng tâm giám sát của Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Gần đây, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định nhằm điều chỉnh việc ứng dụng thuật toán trong lĩnh vực Internet. "Ý kiến hướng dẫn về tăng cường quản lý toàn diện các thuật toán dịch vụ thông tin Internet" [9] do Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc ban hành đã đưa ra các yêu cầu quản lý tương đối toàn diện; kỳ vọng trong ba năm cơ quan này sẽ thiết lập một cơ chế quản trị hợp lý, một hệ thống giám sát hiệu quả và một hệ sinh thái thuật toán tiêu chuẩn. Ý kiến này cũng nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, bao gồm trách nhiệm bảo mật thuật toán và đánh giá đạo đức công nghệ.
Về mặt đề xuất thuật toán, "Quy định về quản lý hệ sinh thái nội dung thông tin mạng" [10] đề xuất cải thiện sự can thiệp của con người và cơ chế tự lựa chọn của người dùng đối với công nghệ đề xuất thuật toán. "Quy định quản lý đề xuất thuật toán dịch vụ thông tin Internet" [11] có hiệu lực từ tháng 3/2022 là văn bản luật đầu tiên của Trung Quốc tập trung vào quản trị thuật toán; đặt ra đầy đủ yêu cầu và nghĩa vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ đề xuất thuật toán, đưa ra một loạt biện pháp quản lý nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các công ty nền tảng.
Về mặt ra quyết định tự động bằng thuật toán, "Luật bảo vệ thông tin cá nhân của ", "Luật Thương mại điện tử", "Quy định tạm thời về Dịch vụ quản lý và Khai thác du lịch trực tuyến" đều có điều khoản quy định đối với các hành vi ra quyết định thuật toán không công bằng, không chính đáng như phân biệt đối xử về mặt thuật toán, lừa đảo dữ liệu lớn (Big data swindling).
Về mặt tổng hợp sâu AI (deep synthesis; chủ yếu đề cập đến việc sử dụng công nghệ AI để tạo và tổng hợp nội dung thông tin), luật pháp liên quan tích cực phân định ranh giới ứng dụng cho công nghệ tổng hợp sâu AI và thúc đẩy ứng dụng mang tính tích cực của công nghệ này. Ví dụ: “Quy định về quản lý dịch vụ thông tin âm thanh, hình ảnh trên mạng” [12], “Quy định về quản lý hệ sinh thái nội dung thông tin mạng” [13], “Quy định quản lý đề xuất thuật toán dịch vụ thông tin Internet”,... đều cấm sử dụng thuật toán tổng hợp sâu cho thông tin sai sự thật và các hoạt động bất hợp pháp khác. Tháng 11/2022, “Quy định về quản lý tổng hợp sâu các dịch vụ thông tin Internet" [15] quy định toàn diện việc ứng dụng công nghệ tổng hợp sâu, đảm bảo tính an toàn và tin cậy của ứng dụng công nghệ này thông qua các biện pháp cần thiết như nhận dạng nội dung, kiểm tra sự khác biệt, truy xuất nguồn gốc nội dung.
(còn tiếp…)
Trần Văn Liệu