Những vi phạm của Tiktok cần phải được ngăn chặn kịp thời
Những vi phạm của Tiktok về bảo mật và an toàn thông tin
Thời gian gần đây, giới chức nhiều nước đã bày tỏ mối lo ngại đối với TikTok về vấn đề vi phạm quyền riêng tư, tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.
Chính sách quyền riêng tư của TikTok cho biết, công ty này thu thập địa chỉ email, số điện thoại, tuổi, lịch sử tìm kiếm và duyệt web của người dùng, thông tin về nội dung trong ảnh và video tải lên, nội dung trong bộ nhớ tạm của thiết bị. Cùng với đó là lượng dữ liệu tương đối lớn, bao gồm thông tin về video đã xem, bình luận, tin nhắn riêng tư và thông tin cá nhân nếu đồng ý cấp quyền truy cập danh sách liên hệ và vị trí định vị chính xác của người dùng. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc thông tin cá nhân của người dùng có thể bị đánh cắp hoặc sử dụng với mục đích khác.
TikTok đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng trình duyệt trong ứng dụng của họ theo dõi các mục nhập trên bàn phím của người dùng. Hành vi này vốn không phải là một hoạt động độc hại, nhưng về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là TikTok có thể thu thập mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng hoặc dữ liệu nhạy cảm khác mà người dùng có thể gửi đến các trang web khi họ truy cập chúng thông qua trình duyệt trong ứng dụng của TikTok.
Một trong những vấn đề bảo mật khác mà TikTok ít nói đến là không có xác thực hai yếu tố. TikTok cung cấp tùy chọn đăng nhập bằng mã xác minh được gửi đến điện thoại của người dùng, nhưng đây là mã truy cập một lần. Xác thực một yếu tố không phải là hiếm trên các nền tảng mạng xã hội. Cùng với một mật khẩu yếu, điều này có thể tạo ra một vấn đề bảo mật vì nó có thể dẫn đến các cuộc tấn công lừa đảo, tấn công mã độc tống tiền và các mối đe dọa khác.
Mối lo tiềm ẩn không chỉ là về an ninh dữ liệu, mà còn về những trào lưu nguy hiểm hay nội dung không phù hợp lan truyền trực tuyến. Có thể kể đến một số video như: nhịn ăn, uống thuốc dị ứng quá liều để tạo ảo giác hay mới đây nhất là trào lưu “kiểm tra sức khỏe lá phổi” (nín thở lâu nhất có thể để chứng tỏ sức khoẻ tim phổi của mình tốt). Những video này thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận và thực hiện theo. Nhưng theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế thì điều này là cực kỳ nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Những trào lưu độc hại, phản cảm trên TikTok ngày càng nở rộ đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với chính người dùng và xã hội, đôi khi nó đi ngược lại với những giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa của đất nước.
Các quốc gia trên thế giới đưa ra lệnh trừng phạt đối với những vi phạm của Tiktok
Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia (Mỹ), trong năm 2022, TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu với 672 triệu lượt. Thống kê cho thấy hiện tại, hàng ngày có hơn 800 triệu người dùng TikTok trên toàn toàn thế giới. Với số lượng người dùng đông đảo như vậy, nhưng TikTok hiện không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các thông tin xấu độc,... Những lo ngại về mất an toàn thông tin cũng như tình trạng quản lý thiếu trách nhiệm từ TikTok đã buộc chính phủ các nước phải có những biện pháp mạnh tay để giải quyết vấn đề này.
Một trong những quốc gia có phản ứng mạnh mẽ nhất đối với việc mất an ninh, an toàn thông tin của người dùng TikTok là Mỹ. Chính phủ Mỹ đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị chính thức và cho biết sự lo lắng khi Trung Quốc có thể sử dụng quyền lực chính trị của mình để yêu cầu truy cập lượng thông tin cá nhân khổng lồ mà TikTok có thể thu thập từ người dùng.
Trong khi đó, nhà chức trách Afghanistan đã cấm TikTok vào năm 2022 với lý do để bảo vệ thế hệ trẻ, thanh thiếu niên trước những chiêu trò lừa đảo. Ứng dụng này cũng phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người dùng ở Indonesia và Bangladesh do phát tán nội dung được cho là không phù hợp.
Cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) là Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 23/2 vừa qua đã cấm các nhân viên cài đặt TikTok trên các thiết bị mà họ sử dụng do quan ngại tính bảo mật dữ liệu, trong bối cảnh EU đang nỗ lực tăng cường an ninh mạng của toàn khối. Theo lệnh cấm, nhân viên của EC cũng không được phép sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân, trong đó có điện thoại di động đã cài đặt các ứng dụng đàm thoại của EU. Ngoài ra, EC yêu cầu các nhân viên của cơ quan này phải xóa ứng dụng TikTok càng sớm càng tốt và khuyến nghị thời điểm phù hợp nhất là đến trước ngày 15/3/2023.
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ngày 01/3/2023, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân của quốc gia này đã quyết định phạt TikTok 1,75 triệu Lira (93.000 USD) vì không thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh dữ liệu cá nhân. Ủy ban cũng cho rằng TikToK nên dịch các điều khoản sử dụng dịch vụ sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, cập nhật các văn bản chính sách riêng tư và thông tin người dùng phù hợp với quy định của nước sở tại.
Ngày 21/3/2023, Văn phòng Hạ viện Cộng hòa Séc đã cấm tất cả nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên tất cả các thiết bị của cơ quan do lo ngại về an ninh mạng và các nội dung xấu độc trên nền tảng. Ngoài ra, cơ quan này cũng kêu gọi các nhân viên nên xóa ứng dụng này khỏi các thiết bị cá nhân.
Việt Nam ngăn chặn những vi phạm của Tiktok về an toàn thông tin
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng người dùng TikTok cao nhất. Tính đến tháng 02/2023, số lượng người sử dụng TikTok tại Việt Nam đã lên tới khoảng 49,9 triệu, đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu tại Đông Nam Á.
Trong buổi họp báo chiều 06/4/2023, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chia sẻ chi tiết những vi phạm của TikTok tại Việt Nam và kế hoạch kiểm tra, xử lý nền tảng này trong thời gian tới.
Thứ nhất, Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Thứ hai, sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu tương tác, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Thứ ba, không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái,...
Thứ tư, không quản lý hoạt động của các “thần tượng ảo” TikTok, do họ có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo ra “trend” để thu lời từ những nội dung này.
Thứ năm, không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là các nội dung trích từ phim.
Thứ sáu, Tiktok cũng không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Những vi phạm này của Tiktok đã gây ra nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới người dùng và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Chính sự quản lý lỏng lẻo của nền tảng này đã khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp với nhiều nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông,... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cụ thể, về biện pháp kinh tế, trong Nghị định 71 của Chính phủ đã nêu rõ những nền tảng vi phạm pháp luật mà Bộ TT&TT đã công bố thì các nhãn hàng, đại lý quảng cáo không quảng cáo trên đó. Bên cạnh đó, các trung gian thanh toán không được hợp tác, hỗ trợ thanh toán trên các nền tảng vi phạm,... Về kỹ thuật có thể sẽ ngăn chặn hoạt động, tên miền, ngăn chặn máy chủ, nhấn mạnh thêm về phương pháp đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, cùng với việc dùng nhiều biện pháp trên, Bộ TT&TT cũng áp dụng phương án chặn dòng tiền, điều tiết dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng không chảy về những nội dung xấu độc, nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video,… Tất cả những biện pháp trên đều hướng tới một mục đích duy nhất là bảo vệ người dùng khỏi những nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin và tạo dựng không gian mạng Việt Nam lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người dân.
Trương Đình Dũng