Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin tại Việt Nam

09:26 | 13/06/2016 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Truyền thông là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội về ATTT.
Thách thức và nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều công nghệ mới liên tục ra đời như điện toán đám mây, Internet vạn vật.... Hệ thống thông tin phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp, nên việc phát hiện, xử lý các điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin trong các hệ thống này vẫn luôn là một vấn đề đầy thách thức và vô cùng khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu hơn bao giờ hết và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới. Một số diễn biến xảy ra gần đây như: các tin tặc Nga bị tình nghi can thiệp vào hệ thống quản lý điện lưới, làm mất điện cục bộ, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Ukraine; Chiến dịch Epic Turla nhằm vào cơ quan Chính phủ Trung Đông, châu Âu, Mỹ. Theo số liệu thống kê từ các chuyên gia Kaspersky, ước tính có 45 quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến dịch này.

Việt Nam nằm trong tình trạng chung của các nước đang phát triển, nguồn lực còn nhiều khó khăn nên đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) còn hạn chế. Tình hình mất ATTT vẫn còn diễn ra phức tạp do nhận thức về ATTT chưa đầy đủ; thiếu các biện pháp phòng ngừa, hạn chế những điểm yếu của các hệ thống thông tin... dẫn đến một số vụ việc mất ATTT ở các tổ chức, cá nhân như đã được báo chí phản ánh gần đây.

Theo báo cáo của các hãng bảo mật, nguy cơ mất ATTT ở Việt Nam là rất cao (với gần 50% người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng Internet) và là nước đứng thứ 5 trên thế giới có tỷ lệ máy tính nhiễm mã độc cao. Việt Nam còn nằm trong số các nước đứng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ (qua USB, thẻ nhớ…) với gần 70% người dùng máy tính có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Đối với nhiều dự án công nghệ thông tin, phần kinh phí dành cho bảo đảm ATTT chưa được đầu tư đúng mức. Kết quả khảo sát của Cục ATTT và Hiệp hội ATTT Việt Nam về thực trạng ATTT 2015 cho thấy, ngân sách đầu tư dành cho lĩnh vực ATTT vẫn còn rất hạn chế. Điều đó thể hiện nhận thức của lãnh đạo các đơn vị về vị trí và tầm quan trọng của việc bảo đảm ATTT còn chưa đầy đủ, đúng mức. Ngay trong khối cơ quan nhà nước, nhận thức về ATTT của đa số cán bộ, công chức còn chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng để lây nhiễm mã độc, sử dụng các phần mềm không có bản quyền....



Chủ trương, chính sách của Nhà nước về An toàn thông tin

Nhận thức được tầm quan trọng của ATTT nên Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, chính sách về ATTT. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTT đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ATTT, đặc biệt, Luật An toàn thông tin mạng đã được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/11/2015. Bên cạnh đó để hỗ trợ công tác đảm bảo ATTT, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Quyết định số 99/QĐ-TTg về Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020, Quyết định về Quy chế phối hợp về ATTT giữa Bộ TT&TT với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến ATTT, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 893/QĐ-TTg về đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về trách nhiệm về ATTT đến năm 2020. Đây là cơ sở cho việc tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTT một cách đồng bộ, có hiệu quả trong thời gian tới. Đề án tập trung vào vấn đề tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT, cụ thể:

- Lồng ghép ATTT vào môn tin học, hoạt động ngoại khoá phù hợp với từng lớp học, bậc học; Tổ chức các cuộc thi về ATTT cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

- Định hướng hoạt động, xây dựng, biên tập, chia sẻ và quảng bá các tài liệu tuyên truyền về ATTT. Mở chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện các nội dung tuyên truyền; Sản xuất phóng sự, chương trình, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình; Đưa tin, bài viết trên hệ thống báo chí, báo điện tử, trang tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội.

- Tổ chức các sự kiện thường niên và các đợt sự kiện theo tuần, tháng về ATTT, kết hợp với tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm; Tổ chức đánh giá, công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ ATTT tiêu biểu để tổ chức, cá nhân biết và sử dụng…

Một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến về An toàn thông tin

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với cơ quan chức năng liên quan định kỳ tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hội nghị, hội thảo và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ TT&TT cùng phối hợp với một số các cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về ATTT.

Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện thường niên Ngày An toàn thông tin Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều hoạt động hữu ích được tổ chức như: Cuộc thi Sinh viên với ATTT đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội; Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu lần thứ 18 - AVAR 2015 (tháng 12/2015) với sự bảo trợ của Cục An toàn thông tin và nhiều hội nghị, hội thảo khác trên khắp đất nước.

Tháng 1/2016, Cục An toàn thông tin đã xuất bản bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT và phát hành tới toàn bộ 63 Tỉnh, Thành phố trong cả nước, các Bộ, ban, ngành nhằm trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức một số kiến thức cơ bản để có thể tự bảo vệ trước nguy cơ mất ATTT.

Vai trò của truyền thông nâng cao nhận thức về An toàn thông tin

Các cơ quan truyền thông đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác nghiệp vụ, phổ biến các thông tin chính sách tới xã hội trong lĩnh vực ATTT. Ngoài ra, các đơn vị truyền thông cũng góp phần cung cấp, cập nhật các thông tin nhanh và chính xác về tình hình, thực trạng ATTT, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức và đông đảo người dùng trên cả nước. 

Với sự phổ biến của Internet, mạng xã hội, hiện nay, các thông tin được lan truyền với tốc độ nhanh và rất khó kiểm soát. Trong đó có nhiều thông tin có nguồn gốc không đáng tin cậy, thông tin sai sự thật.... Do đó, các đơn vị truyền thông, báo chí có một nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng dư luận xã hội để ngăn chặn các nguồn thông tin sai lệch, không chính thống. 

Truyền thông là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội về ATTT. Với sức mạnh đó, truyền thông góp phần quan trọng hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, phổ biến về việc đảm bảo ATTT tới toàn xã hội. 

Tạp chí An toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ là một trong những đơn vị truyền thông đi đầu trong công tác hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ATTT tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, Tạp chí đã hỗ trợ đắc lực công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bảo mật và ATTT nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước; Là diễn đàn trao đổi thông tin lý luận, kết quả hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực ATTT; Luôn phản ánh kịp thời các hoạt động, giới thiệu những thành tựu KHCN, những sản phẩm, công nghệ mới trong lĩnh vực bảo mật và ATTT trong nước và thế giới.

Với vai trò là một trong những Tạp chí đầu tiên về ATTT tại Việt Nam, Tạp chí cần tiếp tục phấn đấu, tích lũy, cập nhật các công nghệ, nâng cao chất lượng, cung cấp toàn diện, đầy đủ, kịp thời các thông tin kỹ thuật liên quan tới ATTT phù hợp với tốc độ phát triển của công nghệ. Tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo hướng chuyên sâu, gắn với các hoạt động nghiệp vụ về ATTT; Có cơ chế thu hút nguồn nhân lực trình độ cao: Phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT và các đơn vị chức năng, chuyên môn để liên tục cập nhật chính sách, phổ biến pháp luật, thông tin trong lĩnh vực ATTT...; Phấn đấu trở thành Tạp chí chuyên ngành có uy tín không chỉ tại Việt Nam mà vươn tầm khu vực và thế giới, xứng đáng với vai trò đi đầu của mình trong công tác truyền thông về ATTT. 

Trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định: Chỉ cần người sử dụng nhận thức và có ý thức tự áp dụng một số biện pháp đảm bảo ATTT cơ bản, thì cũng phòng ngừa được đa phần các nguy cơ, rủi ro ATTT. Từ đó, có thể thấy, nhận thức và ý thức của người sử dụng đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động đảm bảo ATTT. Điều này phản ánh sự cần thiết của việc triển khai đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ATTT tại Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới