Hội thảo về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045
Đến dự Hội thảo còn có Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo: Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, Cục Viễn thông và Cơ yếu Bộ Công an, Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Ban.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm cho biết: Ngày 13/6/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 87/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2595/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, để triển khai tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 56-NQ/TW 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Đồng chí Trưởng ban cũng yêu cầu thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải bảo đảm thực chất, rút ra được bài học kinh nghiệm để lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá thực chất, công tâm, khách quan, nhìn thẳng vào thực trạng, không giấu diếm mới có thể đảm bảo chính xác, từ đó góp phần nâng cao, phát triển nguồn nhân lực của Ban và Ngành trong thời gian tới.
Đánh giá tổng quan về chất lượng nguồn nhân lực của Ban và Ngành, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước giai đoạn 2007-2022. Trong đó, thảo luận, đánh giá làm rõ một số nội dung: Nghiên cứu, làm rõ nội hàm nguồn nhân lực chất lượng cao; Đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị thuộc Ban và ngành Cơ yếu; Dự báo tình hình, xu thế phát triển của ngành, lĩnh vực; Đánh giá quá trình hợp tác đào tạo đã thực hiện trong thời gian qua, chất lượng hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ của Ban và Ngành sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng; Đề xuất các phương hướng, mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Quốc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Chính trị - Tổ chức trình bày dự thảo Báo cáo công tác đào tạo, bổi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Báo cáo đã chỉ ra thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam hiện nay; kết quả triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam thời gian qua và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu thời gian tới.
Thông qua đó, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, đưa ra các ý kiến tham luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo. Các ý kiến tại Hội nghị đều tập trung đi sâu vào đề xuất, kiến nghị và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ, từ khi tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập cho đến nay đã là bước dài trong việc phát triển của toàn Ngành, cả Ban và Ngành đã nâng vị thế, tầm cao về vị trí, chức năng, nhiệm vụ không chỉ mã dịch mà hiện nay còn quản lý nhà nước về mật mã… vì vậy cần phải có tư duy về quản lý. Muốn làm được điều đó cần nâng cao phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, đào tạo phải gắn với mục tiêu đào tạo, với thực tiễn vị trí việc làm nhằm đảm bảo chất lượng trong công việc.
Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm đặc biệt nhấn mạnh: Hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực là vấn đề tất yếu khách quan, ngành Cơ yếu Việt Nam đang phát triển lên tầm cao mới đòi hỏi con người cũng phải phát triển cả về nhận thức và kiến thức, buộc con người phải nâng cao học tập, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng chí Trưởng ban cũng đề nghị, các hệ Cơ yếu, các cơ quan, đơn vị thuộc Ban tăng cường hình thức đào tạo từ cấp trên xuống cấp dưới; thành lập các nhóm chuyên gia; pPhối hợp mời các chuyên gia về kỹ thuật mật mã, an toàn thông tin về nghiên cứu đào tạo (các cơ quan, đơn vị như Tạp chí An toàn thông tin, Viện Khoa học - Công nghệ mật đã làm rất tốt việc này, cần tiếp tục phát huy). Giao Cục Chính trị - Tổ chức thống kê số lượng cán bộ cơ yếu tại địa phương để dịch chuyển cơ cấu tổ chức, tham mưu đào tạo các vị trí để nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ hiện nay; phối hợp với Học viện Kỹ thuật mật mã, các cơ sở đào tạo của các hệ Cơ yếu tổ chức đào tạo gắn với các đơn vị sử dụng. Học viện Kỹ thuật mật mã cần rà soát chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành về cơ yếu để điều chỉnh lại giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên…
Toàn cảnh tại Hội thảo
Hội thảo về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ yếu Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Bích Ngoan